Dòng tiền nội bất ngờ đổ mạnh vào cổ phiếu tài chính, thép
Chỉ còn 3 ngày giao dịch nữa là thị trường nghỉ Tết Nguyên đán, bất ngờ thanh khoản gia tăng mạnh 71% trên hai sàn niêm yết sáng nay. Loạt cổ phiếu tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán cùng với cổ phiếu ngành thép “độc chiếm” các vị trí hàng đầu về thanh khoản. Không chỉ vậy, cầu nâng giá mua giúp hầu hết các mã nhóm này tăng giá rất tốt...
Chỉ còn 3 ngày giao dịch nữa là thị trường nghỉ Tết Nguyên đán, bất ngờ thanh khoản gia tăng mạnh 71% trên hai sàn niêm yết sáng nay. Loạt cổ phiếu tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán cùng với cổ phiếu ngành thép “độc chiếm” các vị trí hàng đầu về thanh khoản. Không chỉ vậy, cầu nâng giá mua giúp hầu hết các mã nhóm này tăng giá rất tốt.
Điểm nhấn là khối ngoại không đóng vai trò gì rõ rệt trong sự gia tăng thanh khoản nói trên, hay tạo cầu đẩy giá. HPG được mua ròng tốt nhất với khoảng 92,8 tỷ đồng, nhưng lượng mua từ khối ngoại chỉ chiếm hơn 27% tổng thanh khoản của mã này.
Tổng giá trị mua vào của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HoSE sáng nay thậm chí giảm tới 34% so với sáng hôm qua, mới đạt 471,2 tỷ đồng. Mức giải ngân cũng mới chiếm 8,9% tổng giao dịch tại sàn này. Bán ra khoảng 181,8 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 289,4 tỷ.
Điểm tích cực là khối ngoại cũng mua nhiều các mã chứng khoán, ngân hàng, thép. Ngoài HPG, khối này mua ròng 38,8 tỷ đồng tại VND; 21,6 tỷ đồng tại SSI; 11,2 tỷ đồng tại HCM. Ngoài ra STB được mua ròng 16,9 tỷ, HSG được mua ròng 13,2 tỷ.
Giao dịch sôi động khá bất ngờ trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép đã giúp thanh khoản chung lên cao. HoSE tăng khoảng 68% giá trị khớp lệnh, đạt gần 4.662 tỷ đồng, tốt nhất trong 4 phiên sáng trở lại đây. Sàn này đang có 9 cổ phiếu khớp lệnh vượt 100 tỷ đồng- nhóm này chiếm 41% tổng khớp của HoSE – thì toàn là các mã nói trên. Tiêu biểu như HPG, VPB, SSI, MBB, VND, TPB khớp tới trên 200 tỷ đồng.
So với sáng hôm qua, giao dịch của các cổ phiếu này có sự gia tăng vượt bậc: HPG tăng gấp đôi sáng hôm qua, đạt 378,6 tỷ đồng; VPB tăng 94%, đạt 324 tỷ; SSI tăng 3,8 lần đạt 215 tỷ; MBB tăng 6 lần, đạt 211 tỷ; VND tăng 2,5 lần, đạt 203,4 tỷ; TPB tăng 9,4 lần đạt 200,5 tỷ đồng. Rổ VN30 nói chung cũng tăng thanh khoản 94% so với sáng hôm qua.
Thanh khoản cũng giúp giá cổ phiếu mạnh lên. HPG tăng 4,69%, SSI tăng 2,84%, MBB tăng 3,24%, VND tăng 3,33%, TPB tăng 4,32%. Thực tế độ rộng của VN-Index rất tốt với 279 mã tăng/107 mã giảm trong đó 138 mã tăng trên 1%, ngược lại số giảm chỉ có 46 mã đang giảm hơn 1%. Về phân bổ vốn, chỉ có 5,1% giá trị khớp lệnh thuộc về nhóm giảm giá, 86,4% thuộc về nhóm tăng giá.
Với độ rộng rất tốt như vậy, đáng chú ý hơn có lẽ là các cổ phiếu đi ngược dòng. Rổ blue-chips VN30 có 6 mã giảm giá/21 mã tăng, bao gồm GAS giảm 0,19%, MSN giảm 1,05%, VIC giảm 1,28%, VRE giảm 1,4%, SAB giảm 1,96% và VHM giảm 3,12%. Có thể thấy nhiều trụ rất lớn trong nhóm giảm, là yếu tố kiềm chế chỉ số đáng kể. Riêng bộ ba VHM, VIC, SAB đã khiến VN-Index mất xấp xỉ 3 điểm. Chỉ số này chốt phiên sáng tăng 0,67% tương đương 7,18 điểm. Vn30-Index tăng 1,05%, Midcap tăng 1,08%, Smallcap tăng 1,06%. Có thể thấy các trụ giảm không ảnh hưởng nhiều đến biến động của cổ phiếu cụ thể.
Có được hơn 7 điểm sáng nay, VN-Index đã leo lên mức 1073,87 điểm trong khi mức đóng cửa cao nhất tháng 12/2022 là 1.093,67 điểm. Chênh lệch còn khoảng 19,8 điểm nữa và thị trường còn 2,5 phiên giao dịch rồi nghỉ. Cơ hội cho VN-Index vượt lên đỉnh cao mới ngay trước kỳ nghỉ Tết là hoàn toàn có thể. Thậm chí chỉ cần các trụ đang níu kéo chỉ số như VHM, VIC, SAB bớt giảm và quay về tham chiếu hoặc tăng nhẹ, điểm số sẽ tiến triển rất nhanh. Việc ấn định trạng thái vượt đỉnh trước kỳ nghỉ Tết dài sẽ là động lực lớn về tâm lý, vì quãng thời gian nghỉ ngơi này sẽ đủ dài để lan truyền những kỳ vọng mới.