15:45 31/01/2023

Lỗ hổng quản lý ở công ty tài chính khiến tài khoản khách hàng “bốc hơi”

Đỗ Mến

Nhiều đối tượng lợi dụng việc mua bán dữ liệu thông tin cá nhân dễ dàng và lỗ hổng quản lý tài khoản khách hàng của công ty tài chính để thực hiện hành vi phạm pháp, chiếm đoạt tiền tinh vi...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Dư Đức Hà (SN 2003, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội), Đặng Trần Hưng (SN 2000, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội), Khuất Trung Kiên (SN 2000, ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội), Nguyễn Quang Huy (SN 1984, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Lê Đức Huy (SN 1996, ở huyện Hưng Hà, Thái Bình), Nguyễn Hồng Quân (SN 2001, ở Hưng Yên) và Nguyễn Công Nam (SN 1987, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Theo hồ sơ vụ án, do có thời gian làm cộng tác viên tự do cho Công ty tài chính FE Credit nên Quân, Đức Huy, Hà biết lỗ hổng quản lý tài khoản khách hàng để từ đó có thể chiếm đoạt tiền của khách hàng. Sau đó, Quân và Đức Huy đã kết hợp với Hà để chiếm đoạt tiền của khách hàng mở thẻ tín dụng tại công ty này.

Để thực hiện hành vi phạm tội, Hà rủ Tùng, Nam, Hưng, Kiên và Quang Huy tham gia. Trong đó, Hà là người mua máy tính, máy in màu, máy ép plastic để Hưng, Kiên làm giả CMND có dán ảnh của Quang Huy, Hưng và Nam lấy thông tin của khách hàng do Tùng hoặc Quân, Huy cung cấp để làm giả 24 CMND chiếm đoạt tiền trong tài khoản của 20 khách hàng do FE Credit quản lý. 

Cơ quan chức năng xác định trong khoảng thời gian từ 29/10/2020 đến 20/3/2021, các bị cáo đã chiếm đoạt tổng số tiền hơn 880 triệu đồng. Trong đó, Hà đã làm giả 24 CMND và 20 lần chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng với số tiền hơn 880 triệu đồng, hưởng lợi hơn 226 triệu đồng.

Nguyễn Quang Huy đã làm giả 8 CMND và 8 lần chiếm đoạt hơn 387 triệu đồng, hưởng lợi hơn 39 triệu đồng.

Về trách nhiệm dân sự, quá trình điều tra, đại diện hợp pháp của Công ty FE Credit đề nghị xử lý các bị can theo đúng quy định của pháp luật và yêu cầu phải bồi thường số tiền chiếm đoạt.

Đối với hành vi của Nguyễn Trang Nhung, Nguyễn Đức Anh, Nguyễn Thị Thu Dung và Trần Đăng Uy là những người được Quân, Đức Huy thuê gọi điện để mua sim điện thoại của khách hàng mở thẻ tín dụng tại FE Credit. Kết quả điều tra xác định những người trên không biết mục đích việc Quân và Huy thuê gọi điện cho khách hàng mua sim để nhằm mục đích lấy mã rút tiền để chiếm đoạt tài sản nên không đồng phạm với Quân và Huy về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Do đó, Cơ quan điều tra không đề cập xử lý đối với những người trên.

Đặc biệt, trong vụ án này,cơ quan điều tra cũng làm rõ, trong tháng 3/2021, thông qua mạng Facebbook, Lê Đức Huy quen với Hà Duy Thắng (ở TP.HCM). Biết Thắng có bán dữ liệu data thông tin khách hàng gồm CMND, số diện thoại, số tiền hạn mức thẻ tiêu dùng nên Huy đã mua 10.000 thông tin khách hàng với giá hơn 62,3 triệu đồng.

Huy lọc ra 10 thông tin khách hàng sau đó gửi thông tin trên cho Hà để làm giả CMND rồi đi rút tiền. Do chưa làm rõ nguồn gốc data thông tin khách hàng trên nên cơ quan điều tra tách rút tài liệu để làm rõ, xử lý sau đối với Hà Duy Thắng.

Trước đó, phiên tòa này bị tạm hoãn do có luật sư trùng lịch với phiên tòa khác nên HĐXX quyết định rời lịch xét xử sang ngày khác.

Thời gian qua ghi nhận một số vụ việc liên quan đến việc quản lý tài khoản khách hàng của công ty tài chính. Điển hình có vụ việc, đại diện công ty tài chính cho biết họ có đội ngũ từ 4-5 nhân viên nghiệp vụ có quyền đăng nhập vào hệ thống quản trị để kiểm tra thông tin trên phiếu chi điện tử và duyệt phiếu chi. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không lường được hành vi của các nhân viên cấu kết với nhau để rút trộm tiền trong tài khoản khách hàng.

Từ các vụ việc trên khiến các công ty tài chính tiếp tục phải nâng cao công tác quản lý và bảo mật thông tin khách hàng.