Thoái vốn Nhà nước sẽ là chủ đề “hot” trong năm 2022, những cổ phiếu nào tiềm năng nhất?
Thị trường chứng khoán đang thu hút dòng tiền và duy trì kênh tăng giá trong trung-dài hạn, điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi để các thương vụ thoái vốn Nhà nước diễn ra suôn sẻ hơn trong năm 2022...
Trong báo cáo cập nhật triển vọng đầu tư năm 2022, Chứng khoán Agriseco cho rằng, chỉ số Vn-Index có thể chạm mốc 1.600 - 1.700 điểm trong năm 2022.
Một số yếu tố vĩ mô thuận lợi có thể nâng đỡ chị trường như nền kinh tế sẽ hồi phục mạnh mẽ với tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 6.5%. Đồng thời dự báo lạm phát ở mức dưới 4% tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán.
Lợi nhuận các doanh nghiệp năm 2022 tăng trưởng 25% - 30% so với cùng kỳ, và chất lượng lợi nhuận cải thiện. Dòng tiền mạnh mẽ tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán, số lượng tài khoản mở mới tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022. Triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, ra mắt các sản phẩm mới như T0, phái sinh, bán khống.
Các cơ hội đầu tư trong năm 2022 sẽ tập trung chủ yếu ở nhóm cơ sở hạ tầng, ngành ngân hàng, và động lực chính từ IPO và thoái vốn.
Cụ thể, theo Agriseco, trong Quý III/2021, nền kinh tế đã tăng trưởng âm khi các thành phố lớn phải thực hiện giãn cách để phòng chống dịch Covid-19. Chính Phủ đã phải có những hình thức hỗ trợ để vực dậy nền kinh tế như: chi hỗ trợ mua Vaccine, chi hỗ trợ trực tiếp tới doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, các gói hỗ trợ kinh tế khác.
Các hình thức hỗ trợ này sẽ được đẩy mạnh vào năm 2022 khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cuối không đạt mục tiêu đề ra (85%), trong khi đó tổng quy mô gói hỗ trợ/GDP mới chỉ đạt chưa đầy 3% và đang thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán đang thu hút dòng tiền và duy trì kênh tăng giá trong trung-dài hạn, điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi để các thương vụ thoái vốn Nhà nước diễn ra suôn sẻ hơn trong năm 2022.
Trong tháng 5/2021 vừa qua, SCIC đã công bố danh sách 88 doanh nghiệp dự kiến sẽ triển khai bán vốn, trong số này có 31 doanh nghiệp đã có mã cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán. Bộ Tài chính đã có văn bản số 11910/BTC-TCDN gửi SCIC đề nghị tập trung triển khai thoái vốn tại ba doanh nghiệp là: Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH), Tổng CTCP Bảo Minh (mã chứng khoán BMI) và CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã chứng khoán NTP). Hiện tỷ lệ sở hữu của SCIC tại 3 cổ phiếu này lần lượt là 3,26%; 50,70% và 37,11% với tổng vốn Nhà Nước là hơn 1.121 tỷ đồng.
Thông thường khi xuất hiện các thông tin liên quan đến sự kiện thoái vốn Nhà nước thì đi kèm cũng sẽ là các cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ngoài những “cơn sóng” ngắn hạn, Agriseco Research cho rằng việc thoái vốn Nhà Nước còn đem lại nhiều lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp do sẽ nhận được những hỗ trợ từ cổ đông mới như công nghệ, chuỗi cung ứng, …
Trên cơ sở đó, Agriseco đưa ra một số cơ hội đầu tư tiềm năng gồm NTP của Nhựa Tiền Phong, BMI của Bảo hiểm Bảo Minh, VGT của Dệt may Việt Nam.
NTP được định giá 70.000 đồng/cổ phiếu. NTP có 3 cụm nhà máy đặt tại 3 miền bao gồm Hải Phòng, Nghệ An và Bình Dương. Khi hoạt động hết công suất cả 3 nhà máy này, NTP có thể cung ứng ra thị trường hơn 190 nghìn tấn nhựa mỗi năm, đây là con số lớn hơn khá nhiều so với nguồn cung từ các doanh nghiệp làm nhựa khác như HSG, Tân Á Đại Thành. Kỳ vọng giá thoái vốn với giá cao hơn giá hiện tại bởi NTP đang sở hữu 1 khu đất có tổng diện tích khoảng 9,3 ha tại An Đà, Hải Phòng đã có quy hoạch xây chung cư; giá thị trường của mảnh đất này cao gấp nhiều lần so với giá trị sổ sách.
Với BMI, giá mục tiêu mà Agriseco đưa ra cho cổ phiếu này là 55.000 đồng/cổ phiếu. BMI là doanh nghiệp đầu ngành, có lịch sử trả cổ tức cao và đều đặn, sức khỏe tài chính lành mạnh và tỷ lệ sinh lời được duy trì khá ổn định.
Tính đến hết Q3/2021, tổng tài sản của BMI đã tăng 9% so với cùng kỳ và đạt 7.138 tỷ đồng, trong đó tài sản tái bảo hiểm tăng hơn 52% còn tiền mặt tăng hơn 72%. BMI sẽ là tâm điểm của đợt thoái vốn SCIC sắp tới do: (1) tỷ lệ sở hữu Nhà nước lớn (trên 51%); (2) Kết quả kinh doanh 9T đã hoàn thành hơn 83% mức lợi nhuận đề ra trong kế hoạch đầu năm.
Cuối cùng là VGT, giá mục tiêu cho cổ phiếu này là 40.000 đồng. VGT là doanh nghiệp đầu ngành với 95,5% thị phần sợi, 42,3% thị phần xơ và 25,7% thị phần vải cả nước. VGT hưởng lợi từ việc chính thức áp thuế CBPG lên sợi nhập khẩu từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia với mức thuế suất từ 17% - 54%. Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu phục hồi. Bên cạnh đó, mặt bằng giá sợi kỳ vọng duy trì ở mức cao trong năm 2022.
Với hàng loạt hiệp định FTA được ký kết gần đây, các doanh nghiệp dệt may sẽ chuyển sang sử dụng các sản phẩm xơ, sợi vải có nguồn gốc trong nước để đáp ứng nguyên tắc “đi từ vải, sợi” từ đó có thể hưởng mức thuế suất ưu đãi. VGT cũng được kỳ vọng Bộ Công Thương thoái vốn trong năm 2022.