14:17 10/01/2022

Năm 2021, nộp ngân sách từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chỉ đạt 3,5% kế hoạch

Trâm Anh

Năm 2021, số doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá thấp kỷ lục trong 10 năm trở lại đây. Số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước 1.401 tỷ đồng, đạt 3,5% kế hoạch…

Năm 2022, dự kiến thu 20.000 tỷ đồng từ thoái vốn 6 "ông lớn" như Tập đoàn FPT, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco)...
Năm 2022, dự kiến thu 20.000 tỷ đồng từ thoái vốn 6 "ông lớn" như Tập đoàn FPT, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco)...

Báo cáo mới nhất về công tác quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước năm 2021, Bộ Tài chính cho biết, công tác này đã không đạt kế hoạch đề ra.

 

Theo Bộ Tài chính, công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2021 không đạt kế hoạch đề ra. Đến cuối năm 2021, mới thoái vốn nhà nước tại 18 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng. Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 1.401 tỷ đồng, đạt 3,5% kế hoạch.

Cụ thể, năm 2021 cả nước mới thoái vốn nhà nước tại 18 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 1.665 tỷ đồng, thu về gấp 2,64 lần, đạt 4.402 tỷ đồng.

Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 52,8 tỷ đồng, thu về 85,1 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn tại 14 doanh nghiệp với giá trị 1.612 tỷ đồng, thu về 4.317 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng số thoái vốn giai đoạn trước đó từ năm 2016 - 2020 là 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách.

Với việc chỉ có 4 doanh nghiệp được Bộ Tài chính phê duyệt phương án cổ phần hóa, năm 2021 là năm thấp nhất trong 10 năm trở lại đây có số doanh nghiệp được phê duyệt cổ phần hoá.

Trong số 4 doanh nghiệp kể trên, có 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng, trong đó, phần vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty là 196 tỷ đồng. Cả 3 doanh nghiệp này đều không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Như vậy, số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch là 89 doanh nghiệp, trong đó, những địa phương còn nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa lớn như Hà Nội với 13 doanh nghiệp, chiếm 14% kế hoạch; TP. Hồ Chí Minh gồm 38 doanh nghiệp, chiếm 40% kế hoạch.

Đáng quan ngại, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thông qua Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp chuyển vào ngân sách nhà nước tổng số tiền là 1.401 tỷ đồng, chỉ đạt 3,5% kế hoạch.

Đây là kết quả rất thấp so với dự kiến số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước trong năm nay lên tới 40.000 tỷ đồng theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn diễn ra chậm tác động tiêu cực đến tiến độ thu nộp vào ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính đánh giá, việc không hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn là do các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Các tồn tại, bất cập làm chậm quá trình cổ phần hoá thời gian qua có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về nguyên nhân khách quan, Bộ Tài chính chỉ rõ, doanh nghiệp cổ phần hoá, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai. Trong khi đó, công tác bán vốn nhà nước phụ thuộc vào thị trường. Thực tế thời gian qua, do tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán, công tác xác định giá trị doanh nghiệp.

Về các yếu tố chủ quan, theo Bộ Tài chính, trong nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn. Còn tư tưởng đối phó dẫn đến kết quả thực hiện đối với các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ vốn thấp.

Ngoài ra, công tác chuẩn bị cổ phần hoá, thoái vốn chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi thực hiện nên còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm.

Trong năm 2022, Bộ Tài chính cho biết sẽ đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bảo đảm dự toán thu ngân sách nhà nước.