“Thổi luồng gió mạnh”  vào tinh thần kinh doanh của toàn xã hội - Ảnh 1
 “Thổi luồng gió mạnh”  vào tinh thần kinh doanh của toàn xã hội - Ảnh 2

Nhìn lại năm 2023, bất ổn về địa chính trị, kinh tế thế giới đã tác động mạnh đến kinh tế trong nước. Trước những khó khăn như vậy, ông đánh giá thế nào về sự kiên cường của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam?

Những thách thức dai dẳng, sự chậm lại của nền kinh tế đã tạo ra áp lực nặng nề cho cộng đồng doanh nghiệp. Sau hơn hai năm bị xói mòn sức chống chịu bởi đại dịch Covid-19, chưa kịp hồi sức, doanh nghiệp đã bước sang giai đoạn 2022-2023 với sự bất định trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, thậm chí khó hơn giai đoạn đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, phẩm chất của người Việt luôn bộc lộ rõ, chữ “nhẫn” rất cao, kiên trì, nhẫn nại. Nhiều doanh nghiệp trong một số lĩnh vực đã kiệt sức nhưng vẫn cố gắng kiên trì, bền bỉ, căng sức để duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ được việc làm cho người lao động.

Nhờ vậy, một số chỉ tiêu kinh tế năm 2023 dù không đạt nhưng tổng thể nền kinh tế vẫn ổn định. Người lao động vẫn có việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cân đối kinh tế vĩ mô, không xảy ra khủng hoảng. Điều này chứng minh sự đồng lòng, chung sức của Chính phủ cũng như sự chia sẻ của doanh nghiệp giúp nền kinh tế Việt Nam không bị lung lay.

 “Thổi luồng gió mạnh”  vào tinh thần kinh doanh của toàn xã hội - Ảnh 3

Ông có nhận định, dù khó khăn nhưng thời điểm này lại chính là cơ hội rất lớn của doanh nhân Việt Nam nắm bắt và phát triển. Vậy, cơ hội ở đây là gì, thưa ông?

Không chỉ là cơ hội cho doanh nhân Việt Nam mà là cơ hội lịch sử cho Việt Nam, nếu trôi qua thì không biết bao giờ có lại. Chưa bao giờ đất nước ta có cơ hội lớn để nâng lên, đuổi kịp các nước trên thế giới như bây giờ. Như Tổng Bí thư đã nói: “Thế và lực của chúng ta chưa bao giờ như ngày hôm nay”, tức là chưa bao giờ Việt Nam có nội lực, tiềm lực, vị thế và uy tín như bây giờ.

Bên cạnh đó, hậu Covid-19, xung đột địa chính trị khiến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó xuất hiện nhu cầu sắp xếp lại chuỗi cung ứng, trong quá trình sắp xếp này, Việt Nam là một trong những tâm điểm chú ý của thế giới. Các tập đoàn trên thế giới đều nghĩ đến Việt Nam như một địa chỉ cung ứng thay thế để đảm bảo an toàn chuỗi sản xuất của họ. Hơn lúc nào hết, đây là lúc cần phải đào tạo, thúc đẩy, nâng tầm đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam để trở thành đối tác xứng tầm với các doanh nghiệp nước ngoài.

Để chớp cơ hội, muốn chơi với thế giới, chúng ta phải hiểu thế giới. Muốn hiểu được phải khai mở kiến thức, tri thức và quan hệ của mình, chúng ta không thể thu mình trong thế giới hội nhập. Từng doanh nhân phải có tư duy hội nhập quốc tế, tư duy của cuộc chơi toàn cầu, hiểu được văn hóa kinh doanh quốc tế, từ đó mới lãnh đạo, hoàn thiện điều chỉnh văn hóa kinh doanh, nhận thức đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp để hòa đồng với văn hóa quốc tế.

 “Thổi luồng gió mạnh”  vào tinh thần kinh doanh của toàn xã hội - Ảnh 4

Với vai trò là bệ đỡ của các doanh nghiệp, VCCI sẽ làm gì để tiếp sức cho doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội lịch sử này, cũng như bứt phá trong năm tới?

Môi trường kinh doanh là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. “Môi trường kinh doanh là nước, doanh nghiệp là cá. Nước tốt, cá mới sống khỏe và lớn được; ngược lại, nước không tốt, thậm chí ô nhiễm thì cá bơi đi, còn nếu ở lại sẽ chết hoặc còi cọc mãi không lớn”. Vì thế thời gian tới, VCCI vẫn tiếp tục thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trước đây là môi trường kinh doanh thuận lợi, bây giờ là thuận lợi - an toàn - bình đẳng.

Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW nhận định chính sách đề ra là bình đẳng, nhưng việc thực thi còn có chỗ chưa bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương và ngoài địa phương. Do đó, Nghị quyết 41 yêu cầu ở tầm cao mới, cao hơn rất nhiều.

Việt Nam hiện đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), vì vậy VCCI sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ các FTA này để đẩy mạnh xúc tiến thương mại - đầu tư, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường trọng điểm tiềm năng, thị trường ngách.

Đồng thời, xây dựng mức độ nhận diện, uy tín của doanh nhân Việt Nam thông qua xây dựng văn hóa kinh doanh nhằm định hình đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam. VCCI đã ban hành 6 quy tắc đạo đức doanh nhân và có bài hát riêng truyền thống về doanh nhân Việt Nam; giao Viện Phát triển doanh nghiệp nghiên cứu sâu về đạo đức và triết lý kinh doanh của Việt Nam, từ đó nhận diện văn hóa kinh doanh của doanh nhân Việt Nam nhằm tạo ra giá trị chung trong hội nhập.

Tôi nhấn mạnh rằng VCCI sẽ quan tâm toàn diện tới các đối tượng doanh nghiệp khác nhau: doanh nghiệp lớn, nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp do nữ làm chủ, doanh nhân trẻ,… để hình thành đội ngũ doanh nhân Việt Nam với đội hình mạnh, đầy đủ, cân đối.

Ngoài ra, Đảng đoàn VCCI sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương thực hiện trách nhiệm của Ban Bí thư giao là hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc xây dựng đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp thông qua việc thực hiện Nghị quyết 41 của tất cả Tỉnh ủy, Thành ủy, ban, ngành trong cả nước, tránh chính sách được ban hành ra nhưng không được thực hiện chặt chẽ.

 “Thổi luồng gió mạnh”  vào tinh thần kinh doanh của toàn xã hội - Ảnh 5

Để nâng tầm vị thế doanh nhân Việt Nam, ông có nhấn mạnh tới nhiệm vụ của VCCI trong đào tạo đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn tới, xin ông chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Đây là điểm rất mới mà Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết 41 và VCCI được giao nhiệm vụ tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân Việt Nam. Chúng ta vẫn mong muốn có hàng triệu doanh nghiệp nhưng lại không có chương trình quốc gia, không có kế hoạch. Muốn doanh nghiệp mạnh phải đào tạo đội ngũ doanh nhân mạnh hơn nữa, điều này trước đây chưa thực hiện được.

Nghị quyết 41 yêu cầu phải xây dựng một chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia. Các ngành cũng phải có chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân của ngành. Các địa phương cũng cần có chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân của địa phương… đồng bộ như vậy chúng ta mới xây dựng được đội ngũ doanh nhân một cách bài bản. Hiện nay chúng ta mới dừng ở các trường đại học bồi dưỡng kiến thức về kinh doanh.

VCCI sẽ tiên phong trong lĩnh vực này. Với mối quan hệ rộng khắp với các Phòng Thương mại trên toàn cầu, với giới doanh nhân toàn cầu, VCCI vừa đưa doanh nhân Việt Nam đi bồi dưỡng, đào tạo vừa kết nối với doanh nhân các nước.

Dự kiến đầu năm 2024 sẽ có 28 CEO đầu tiên của Việt Nam sang Đài Loan đào tạo. VCCI cũng đã ký kết với một trường đại học của Mỹ để bồi dưỡng doanh nhân Việt Nam.

Lý do nào VCCI lại lựa chọn Đài Loan là nền kinh tế đầu tiên để đưa doanh nhân Việt Nam sang học tập kinh nghiệm?

Để phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng điều kiện cần là cơ hội lịch sử Việt Nam đã có, nhưng giờ thiếu “gió đông”, tức là cơn gió về tinh thần kinh doanh của toàn xã hội như thời kỳ Việt Nam bắt đầu đổi mới. Nếu đủ cả 2 điều kiện cần và đủ này thì chắc chắn Việt Nam sẽ chắp cánh bay rất cao. Chúng ta đang cần những nét vẽ cuối cùng để định hình ra đội ngũ doanh nhân của quốc gia và văn hóa doanh nhân quốc gia Việt Nam có vị thế trên thế giới.

Chúng ta có thể học được tinh thần kinh doanh của người Đài Loan. Bởi trong 21 nền kinh tế APEC, Đài Loan có số dân ít nhất, với 23 triệu dân nhưng các doanh nghiệp Đài Loan bao phủ toàn thế giới. Tinh thần kinh doanh của người Đài Loan rất mãnh liệt, một số ngành của họ thống trị toàn thế giới. Ý chí tinh thần kinh doanh của họ khiến chúng ta cần học hỏi nhằm tạo ra đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thực sự hùng mạnh, không chỉ đủ sức đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, mà còn tạo dựng vị thế của Việt Nam trên thế giới, có sự nhận diện như doanh nhân Đài Loan bây giờ.

Để làm được điều này, không phải một mình VCCI làm được mà theo Nghị quyết 41, đây chính là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ các cơ quan Đảng, Nhà nước, các ngành, địa phương tạo ra khí thế đấy. Mỗi ngành, mỗi địa phương phải nghĩ cách để nâng cao tinh thần kinh doanh, để doanh nghiệp không bị chùn bước. Chúng ta cần khí thế “doanh nhân tiến lên”, các công chức nhà nước cũng cần nhiệt tình lăn xả hỗ trợ doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính…

 “Thổi luồng gió mạnh”  vào tinh thần kinh doanh của toàn xã hội - Ảnh 6

VnEconomy 08/02/2024 09:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

 “Thổi luồng gió mạnh”  vào tinh thần kinh doanh của toàn xã hội - Ảnh 7