19:03 17/02/2025

Tiền đang "mở hội" ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, tiệc khi nào tàn?

Thu Minh

Dòng tiền có xu hướng chảy vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trong một tháng gần đây, theo thống kê của VnEconomy.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thanh khoản trên thị trường có xu hướng tăng rõ rệt trong một tháng vừa qua. Chỉ tính riêng trên HoSE, khớp lệnh bình quân mỗi phiên đạt 14.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với tháng trước đó bình quân mỗi phiên 11.000 tỷ đồng.

Trong đó, bình quân mỗi phiên trên nhóm Vn30 đạt 4.800 tỷ đồng; Vn-Midcap bình quân một tuần qua thanh khoản đạt 5.000 tỷ tăng mạnh so với một tháng qua chỉ khoảng 4.000 tỷ. Riêng hôm nay thanh khoản Vn-Midcap gần 7.400 tỷ đồng. Tương tự, VN-Smallcap cũng ghi nhận thanh khoản tăng mạnh lên 2.350 tỷ đồng, trung bình 5 phiên giao dịch gần nhất 1.500 tỷ đồng.

Trước đó năm 2024 là năm cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn thu hút dòng tiền, ngược lại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ ghi nhận sự ngoảnh mặt của nhà đầu tư. Điều này phù hợp diễn biến tăng trưởng của ngành.

Theo thống kê của Chứng khoán Rồng Việt, năm 2024 là lần đầu tiên trong 5 năm qua, hiệu suất của hai chỉ số nhóm vốn hóa vừa và nhỏ tăng thấp hơn so với thị trường chung, tăng lần lượt 10% và 6% trong khi Vn-Index tăng 12%.

Nhóm vốn hóa vừa và nhỏ tăng chủ yếu đến từ các cổ phiếu tương tự như nhóm vốn hóa lớn ở các ngành như Công nghệ thông tin có ELC, CMG; Logistics có HVN, HAH, SCS; Cao su với PDR, DRI và một số ngành như phân bón, hóa chất DCM, DPM, CSV. Tuy nhiên, hai nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất là Bất động sản và Dịch vụ tài chính lại kém hiệu quả do triển vọng kinh doanh yếu và áp lực bán ròng liên tục từ nhà đầu tư nước ngoài khiến hiệu suất cũng tăng trưởng khiêm tốn.

Ngoài ra, nhìn vào tỷ lệ cổ phiếu có biến động tăng giá so với đầu năm thì nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có 59% số cổ phiếu giảm giá, đặc biệt là giảm trên 10% trong năm cũng khá cao cho thấy năm 2024 là một năm khó khăn cả về mặt lựa chọn cổ phiếu cũng như dòng tiền của nhóm này.

Tuy nhiên, đã có sự dẫn dắt của nhóm Xây dựng và Vật liệu, Vận tải biển và Dịch vụ tài chính trong thời gian gần đây. Những nhóm này đã có sự bứt phá về dòng tiền và hiệu suất kể từ đầu năm 2025.

Nhận định về triển vọng các nhóm trong thời gian tới, theo VDSC, kỳ vọng dòng tiền sẽ tiếp tục quay vào nhóm Xây dựng vật liệu, Hàng dịch vụ công nghiệp, Bất động sản và phân bón hóa chất, Chứng khoán.

Đặc biệt, dòng tiền sẽ quay trở lại nhóm Bất động sản nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản trong 2 năm trở lại đây sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh. Các doanh nghiệp là điểm sáng đóng góp vào tăng trưởng của Vn-Smallcap khi ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng như NTL, AGG, VPH, đại diện nhóm VnMidcap có TCH.

Với nhóm phân bón, ngành phân bón cho thấy hiệu suất giao dịch vượt trội so với nhóm Mid và Small gần như xuyên suốt cả năm 2024. Việc Luật thuế VAT sớm có hiệu lực từ đầu tháng 7/2025 và giá bán một số loại phân bón đang tăng sẽ hỗ trợ dòng tiền tiếp tục quay lại nhóm này.

Theo đó, Luật VAT cho phép các nhà sản xuất phân bón trong nước khấu trừ thuế VAT đầu vào giúp giảm 1,5-3% chi phí sản xuất năm 2025 và 3-6% chi phí sản xuất năm 2026. Các doanh nghiệp sản xuất phân từ nguồn nguyên liệu từ khí đốt, than và quặng như DPM, DCM và DDV sẽ được hưởng lợi nhất từ luật thuế này.

Ngoài ra, nhu cầu phân bón dự báo ổn định nhờ chu kỳ La Nina quay trở lại. Diện tích gieo trồng dự kiến tăng trở lại 339 nghìn ha trong vụ hè thu năm 2025 thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ phân bón. Hơn nữa, Trung Quốc nước xuất khẩu phân bón lớn có thể thắt chặt xuất khẩu Phosphate từ tháng 12/2024 đến tháng 4/2025 sẽ hỗ trợ giá phân bón DAP.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phân bón trong nước được kỳ vọng hưởng lợi. DDV với nguồn cun g Phosphate giá rr từ công ty Apatit Việt Nam và lượng lớn đá Phosphate nhập khẩu trong tháng 11 sẽ hưởng lợi từ tăng giá phân DAP. Ngoài ra, DCM và DPM cũng có thể ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhờ thuế VAT.

"Nhìn chung, cơ hội dành cho nhóm vốn hóa vừa và nhỏ vẫn hiện hữu", VDSC nhấn mạnh.