Tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp” phải được đặt lên hàng đầu - Ảnh 1
Tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp” phải được đặt lên hàng đầu - Ảnh 2

Sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2022, nền kinh tế tiếp tục bị “bủa vây” bởi những khó khăn từ sự xung đột địa chính trị giữa các nước, lạm phát leo thang và suy thoái kinh tế toàn cầu… Tuy vậy, kinh tế Việt Nam vẫn vượt qua các “cơn gió ngược” và trở thành điểm sáng tăng trưởng kinh tế trong khu vực, thưa Bộ trưởng?

Năm qua, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp và khó lường. Nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo, đại dịch Covid-19 tác động lên đời sống kinh tế - xã hội. Kinh tế thế giới mới bắt đầu phục hồi sau đại dịch nhưng lại tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh từ xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tăng cao, giá cả một số mặt hàng, dịch vụ, nhất là xăng dầu biến động mạnh. Quan điểm điều hành chính sách của nhiều quốc gia thay đổi, đảo chiều nhanh, dấu hiệu suy thoái của kinh tế thế giới và nhiều nước lớn ngày càng rõ nét.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tựu nổi bật: kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước dưới 4%, tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 8%...

Có được thành quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm, trên dưới đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Ngay từ đầu năm, bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, chính xác, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả lĩnh vực.

Tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp” phải được đặt lên hàng đầu - Ảnh 3

Năm 2023, nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố không thuận. Theo Bộ trưởng, Việt Nam cần làm gì để ứng phó?

Tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022. Đó là lạm phát duy trì ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia; thị trường bất động sản ở nhiều nước khó khăn hơn; khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số nước...

Bối cảnh, tình hình thế giới nêu trên đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu trong quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn chủ động phân tích, cập nhật dự báo, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, chính sách điều hành cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn để thích ứng với tình hình, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, Bộ cũng tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhất là xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi); hoàn thiện định hướng phát triển 6 vùng kinh tế, đẩy nhanh công tác quy hoạch, tạo lập không gian, động lực phát triển mới cho các vùng, địa phương; đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn vốn đầu tư công; tháo gỡ các điểm nghẽn về nguồn lực, cải thiện sức cạnh tranh, năng lực nội tại của nền kinh tế; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đây là những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện cùng với việc đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm tại Chiến lược 10 năm. Từ đó, không chỉ là vấn đề hóa giải khó khăn, thách thức trước mắt, mà còn nâng cao năng lực sản xuất trong nước, năng suất lao động, hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh, khả năng tự chống chịu của nền kinh tế trước các yếu tố, thách thức mới từ bên ngoài trong trung và dài hạn.

Tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp” phải được đặt lên hàng đầu - Ảnh 4

Có một thực tế là nền kinh tế hiện nay đang chịu sức ép rất lớn từ cuộc chạy đua thắt chặt tiền tệ của các nước. Trong bối cảnh này, lựa chọn chính sách của Việt Nam nên theo hướng nào, thưa Bộ trưởng?

Năm 2022, nhiều nền kinh tế trên thế giới có sự điều chỉnh trong quan điểm điều hành chính sách, đó là chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất nhằm ưu tiên kiểm soát lạm phát thay vì phục hồi kinh tế. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2023, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương vẫn đang cho thấy những tín hiệu tương đối thận trọng với lạm phát, thậm chí chấp nhận rủi ro suy thoái kinh tế cho tới khi lạm phát được kiểm soát.

Trong điều kiện như vậy, áp lực điều hành chính sách vĩ mô đối với Việt Nam là rất lớn, cần phải cân đối hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, nhưng cũng phải chú ý đến đặc điểm của nước ta là nước đang phát triển nên cần quan tâm hơn đến việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Thời gian tới, để đưa nền kinh tế vượt qua những khó khăn, thách thức, các chính sách phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, không triệt tiêu mà bổ sung cho nhau, thúc đẩy hiệu quả tổng thể của các chính sách, nhất là khi dư địa điều hành chính sách đang có xu hướng thu hẹp dần lại.

Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, tháo gỡ những “nút thắt” giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để các chính sách vận hành và phối hợp đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành để phục vụ công tác xây dựng, điều hành các mục tiêu phát triển vĩ mô; nâng cao năng lực phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước, kịp thời tham mưu, đề xuất nhiều chính sách, giải pháp phù hợp.

Tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp” phải được đặt lên hàng đầu - Ảnh 5

Báo cáo của các hiệp hội gần đây cho thấy nguồn vốn đang là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp các ngành. Là cơ quan đầu não thực hiện tham mưu chính sách cho Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có những kiến nghị gì với Chính phủ, thưa Bộ trưởng?

Đúng là các doanh nghiệp đã và đang rất khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư, phục hồi doanh nghiệp. Để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nhiều giải pháp: phối hợp với các bộ ngành khác đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Chương trình phục hồi kinh tế; xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn; tăng cường năng lực quản trị tài chính, khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Những tháng đầu năm 2023 tiếp tục là giai đoạn khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục có khả năng bị thu hẹp do áp lực về dòng tiền ngắn hạn, lãi vay và thị trường xuất khẩu,…

Thực hiện phương châm “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”, để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp nói riêng, cho nền kinh tế nói chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ giao cho các bộ, ngành liên quan thực hiện những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…; tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thành kênh huy động vốn quan trọng, an toàn cho doanh nghiệp…; tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp; phát triển những loại hình định chế tài chính trung gian mới; xem xét cho phép triển khai thí điểm mô hình sandbox tạo sự lựa chọn cho nhà đầu tư và kênh hút vốn cho các doanh nghiệp.

Tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp” phải được đặt lên hàng đầu - Ảnh 6

 

VnEconomy 22/01/2023 08:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp” phải được đặt lên hàng đầu - Ảnh 7