TMS đặt kế lợi nhuận giảm mạnh 59%, dự kiến phát hành 7 triệu trái phiếu trong năm 2023
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Công ty cổ phần Transimex (HOSE:TMS) đã thông qua kế hoạch 7 triệu trái phiếu để bổ sung vốn cho doanh nghiệp, thoái vốn khỏi liên doanh Nippon Express (Việt Nam), cũng như kế hoạch doanh thu và lãi trước thuế lần lượt giảm gần 31% và 59% so với thực hiện của năm 2022…
Năm 2023, TMS trình cổ đông mục tiêu doanh thu hơn 2.521 tỷ đồng, lãi trước thuế hơn 317 tỷ đồng, lần lượt giảm lần lượt gần 31% và 59% so với thực hiện của năm 2022. Năm 2022, TMS đạt 3.648 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận ròng đạt 774 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 55% so với kế hoạch.
Trả lời chất vấn của cổ đông về kế hoạch kinh doanh năm 2023 hụt mạnh, ông Bùi Tuấn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị TMS cho biết, kế hoạch năm nay được xây dựng xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Trong năm 2022, khi nhiều ngành nghề không được may mắn do đại dịch COVID-19 thì Transimex và ngành logistic có được sự may mắn. Sự may mắn đó giúp Công ty mua bán sản lượng tốt hơn và đạt được những thành tích rất tốt. Có thể nói năm 2022 năm năm Công ty đạt lợi nhuận kỷ lục kể từ ngày thành lập.
Tuy nhiên, bước sang quý I/2023, thông thường trong quý I doanh nghiệp sẽ thực hiện được khoảng 25% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của cả năm, nhưng TMS chỉ thực hiện được khoảng 16% doanh thu (400 tỷ đồng) và 21% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (70 tỷ đồng). “Trong quý I, kinh tế TP.HCM cũng chỉ tăng trưởng 0,7%, do vậy Công ty không thể đặt mức tham vọng cao hơn”, ông Ngọc nói.
Chia sẻ thêm về tình hình đầu tư năm 2023, ông Ngọc cho biết TMS sẽ triển khai thực hiện đầu tư giai đoạn 2 của Trung tâm Logistics Thăng Long và cùng với các đối tác đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án Trung Tâm Logistics Vĩnh Lộc, Kho lạnh tại Bến Lức (Long An) cũng như chuẩn bị cho việc khai thác dịch vụ sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, Transimex cũng sẽ tiến hành đàm phán và thực hiện thoái vốn khoản đầu tư khỏi Công ty liên doanh TNHH Nippon Express (Việt Nam), mua tàu container đóng tại Nhật Bản…
Đại hội cũng thông qua việc hủy phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 2021 với tỷ lệ 15% đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thông qua. Nguyên nhân do UBCKNN có ý kiến phản hồi TMS chưa có nguồn lợi nhuận phân phối nhận được từ các công ty con để đáp ứng điều kiện về nguồn vốn phát hành cổ phiếu trả cổ tức.
Thay vào đó, TMS sẽ trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 30%. Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 36,5 triệu cổ phiếu, dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ TMS tăng lên mức 1.583 tỷ đồng. Năm 2023, TMS trình cổ đông phương án trả cổ tức từ 15 - 20% bằng tiền và/hoặc cổ phiếu.
Một nội dung đáng chú ý khác là TMS dự kiến phát hành 7 triệu trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tương đương tổng giá trị 700 tỷ đồng. Dự kiến phát hành giai đoạn 2024 - 2025, chia làm 2 đợt (đợt 1 năm 2024, đợt 2 năm 2025), mỗi đợt 3,5 triệu trái phiếu. Vốn huy động từ trái phiếu chuyển đổi sẽ được sử dụng để đầu tư các dự án phát triển năng lực cung cấp dịch vụ logistics, đầu tư tài sản cố định, bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh và tài chính của Công ty.
Các trái phiếu có kỳ hạn 2 năm kể từ ngày phát hành (của từng đợt), không có tài sản đảm bảo, lãi suất 7%/năm. Lãi trái phiếu được thanh toán một năm một lần.
Trái phiếu được tự do chuyển nhượng, ngoại trừ số trái phiếu do Hội đồng quản trị quyết định phân phối. Mặt khác, tỷ lệ sở hữu trái phiếu của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% tổng số trái phiếu của đợt phát hành. Nguồn trả nợ gốc và lãi trái phiếu sẽ lấy từ dòng tiền hoạt động sản xuất kinh doanh và các nguồn vốn hợp pháp khác của Công ty.