08:35 02/04/2023

TP.HCM đẩy mạnh đầu tư công, gỡ khó cho doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế hồi phục

Hải Vân

Năm 2023 được nhìn nhận là năm của đầu tư công nhằm vực lại nền kinh tế, nhưng tổng kết quý 1/2023 tình hình đầu tư công của TP.HCM khá thấp, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt khoảng 2% tổng số vốn được giao. Điều này buộc Thành phố phải có giải pháp đẩy mạnh đầu tư công, gỡ khó cho doanh nghiệp để kinh tế phục hồi trở lạ trong những quý còn lại của năm…

 Sáng ngày 1.4, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 3 năm 2023.
Sáng ngày 1.4, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 3 năm 2023.

Theo thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM trong quý 1/2023 ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng này thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 56/63 tỉnh, thành.

Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và nhiệm vụ, giải pháp Quý 2/2023 do Ủy ban Nhân dân TP.HCM tổ chức vào sáng ngày 01/04, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã thẳng thắn nhìn nhận 3 năm qua kinh tế TP.HCM liên tục biến động phức tạp. Do hội nhập sâu, rộng nên Thành phố ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi tình hình thế giới và trong nước.

Sau 2 năm cố gắng vượt qua đại dịch Covid-19, kinh tế Thành phố dần phục hồi mạnh trở lại trong năm 2022. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, đầu năm 2023, kinh tế Thành phố một lần nữa lại rơi vào khó khăn. Trong bối cảnh này, lãnh đạo thành phố tập trung nâng cao khả năng thích ứng và đề ra chỉ tiêu 2023 thấp hơn năm 2022.

“Khó khăn đã nằm trong dự tính từ trước nhưng không ngờ thực tế lại thấp và sâu hơn cái mà chúng ta dự đoán”, Bí thư Nguyễn Văn Nên thẳng thắn thừa nhận.

 
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành Ủy TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành Ủy TP.HCM.

“Sau cơn bão bệnh” Covid - 19, Thành phố đã vực dậy tuy nhiên dư chấn vẫn còn, “sức khỏe” kinh tế của Thành phố vẫn chưa được phục hồi.

Cần nhìn nhận khách quan những vấn đề của quý 1 năm 2023 từ đó đề ra những giải pháp, kế hoạch, cho những quý còn lại của năm 2023 và định hướng nhiệm vụ năm 2024”.

 

Trước tình hình này, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị các Sở ban ngành, chuyên gia, doanh nghiệp… cùng nhau thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và thẳng thắn đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế của Thành phố trong năm 2023.

CẦN ĐẨY MẠNH TIẾN ĐỘ ĐẦU TƯ CÔNG

Nhận định tình hình kinh tế TP.HCM trong quý 1, TS.Trần Du Lịch, thành viên Ban cố vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng mức tăng trưởng GRDP trong quý I chỉ 0,7% "rõ ràng bất ngờ hơn dự báo". Theo ông Lịch, kinh tế Thành phố sau đại dịch đã dần phục hồi, tuy nhiên trong quý 4/2022 đã chịu hai tác động lớn từ tình hình biến động thế giới và sự chấn chỉnh của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong nước đã khiến nền kinh tế “đầu tàu” của cả nước chịu tác động lớn.

Một số địa phương có tốc độ tăng GRDP thấp so với cùng kỳ - Nguồn: Tổng cục Thống kê
Một số địa phương có tốc độ tăng GRDP thấp so với cùng kỳ - Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố quý 1 ước tính thực hiện 69.679,7 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vốn đầu tư nhà nước ở mức thấp, đạt 12.884,2 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ.

“Đây là lần đầu tiên sau Nghị quyết 01 năm 1982, mức tăng trưởng kinh tế Thành phố rơi vào tình hình biến động “đỏ”. Dù nhiều kịch bản kinh tế năm 2023 đã đưa ra dự báo không mấy khả quan, tuy nhiên thực tế tình hình quý 1 cho thấy còn xấu hơn dự báo. Đặc biệt, tình hình giải ngân đầu tư công ở Thành phố còn tương đối chậm, gây cản trở sự phát triển của nền kinh tế”, ông Lịch nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với TS.Trần Du Lịch, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng chia sẻ, doanh nghiệp TP.HCM đang kỳ vọng vào các giải pháp mới của Thành phố và chính phủ trong việc xúc tiến, đẩy mạnh đầu tư công vào thời gian tới. Đầu tư công mạnh mẽ sẽ giúp cho doanh nghiệp gỡ khó những vẫn đề hiện tại, đặc biệt là ngành xây dựng trong vấn đề hàng tồn kho và nhân công.

Nói về kế hoạch đầu tư công, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức cho biết, công tác giải ngân đầu tư công sẽ rút kinh nghiệm thực hiện từ năm trước. Năm nay Thành phố Thủ Đức đã lên kế hoạch từ đầu năm và cố gắng bám sát kế hoạch từng tháng, tùy theo tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và tiến độ xây dựng. Thành sẽ tập trung vốn đầu tư công vào tháng 9 và tháng 10, tiếp tục phát triển dự án Vành đai 3 hoàn thành vào tháng 6 năm 2023.

GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP

Trước tình hình “tối màu” của nền kinh tế Thành phố, tâm trạng chung của nhiều doanh nghiệp là duy trì để bảo đảm tình hình hoạt động. Đa phần những khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến hàng tồn kho và thanh khoản của thị trường.

Giữa bối cảnh hàng hóa tồn kho lớn, xuất khẩu gặp khó khăn do sức mua giảm, nhiều doanh nghiệp phải chuyển từ hình thức mua bán sang ký gửi. Vị đại diện HUBA cũng đưa ra những kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng Thương mại nên có các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời xem xét tín chấp và thế chấp bằng vốn vay bằng vật tư, nguyên liệu và thành phẩm.

“Hiện nay nhiều doanh nghiệp ấp ủ đầu tư dài hạn, tuy nhiên vấn đề về lãi suất vay đầu tư phát triển trên 10% khiến doanh nghiệp ngần ngại, không dám mạo hiểm. Ngoài ra, doanh nghiệp Thành phố cũng mong muốn hoàn thành việc định giá đất tạo điều kiện doanh nghiệp vay vốn đầu tư phát triển và về việc xem xét đẩy nhanh các chương trình kích cầu của Thành phố”, ông Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị.

Liên quan đến sức cầu eo hẹp, việc đưa hàng hóa vào các thị trường trọng điểm như EU và Mỹ hạn chế, doanh nghiệp Thành phố kỳ vọng Nhà nước, Chính phủ sẽ hỗ trợ họ tìm kiếm thị trường xuất khẩu vào các khu vực mới như Nam Mỹ, các quốc gia Trung Đông... Đây là những thị trường tiềm năng nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Được biết, trong tháng 4 này, HUBA sẽ triển khai phát triển nhóm doanh nghiệp đầu ngành để tạo sự dẫn dắt, kéo theo các doanh nghiệp trong từng nhóm ngành phát triển đồng bộ.

QUYẾT LIỆT THỰC HIỆN 12 NHÓM GIẢI PHÁP 

Phát biểu kết luận phiên làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, trong quý 1-2023, tình hình kinh tế của cả nước và TPHCM gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, thành phố cần tiếp tục suy nghĩ một cách nghiêm túc, xác định các nhiệm vụ trọng tâm để quyết liệt hành động ngay với mong muốn sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn để vươn lên.

Chủ tịch Phan Văn Mãi đánh giá trong quý 1-2023, TPHCM đã có những nỗ lực rất lớn, từng sở, ngành, địa phương, mỗi cán bộ, công chức, viên chức… tuy nhiên tình hình khó khăn hơn, kết quả đạt được chưa như mong muốn. “Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong quý 2 và thời gian sắp tới”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

 
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận phiên làm việc. Ảnh: Việt Dũng.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận phiên làm việc. Ảnh: Việt Dũng.

Về nhiệm vụ, giải pháp tháng 4 và quý 2-2023, TPHCM đã đặt ra 12 nhóm cụ thể. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tập trung triển khai để làm sao đạt kết quả tốt nhất.

Đi vào các nội dung cụ thể, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu từng cơ quan đoàn thể, các sở ngành, địa phương và mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải quyết liệt hành động, tập trung rà soát lại với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt nhất chức trách của mình.

"Trong đó, rà soát cụ thể từng nhiệm vụ được phân công, công việc, kết quả để tập trung đôn đốc, chỉ đạo, có giải pháp thực hiện nhiệm vụ của sở, ngành, địa phương mình", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, với khối lượng công việc tồn đọng lớn, nhiệm vụ phát sinh lớn thì thành phố phải làm việc với cường độ cao hơn, năng suất cao hơn, phải làm việc với tinh thần thi đua của kế hoạch thi đua năm 2023 và phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do đó, thành phố cần rà soát lại công việc, đôn đốc tiến độ và động viên nhau thực hiện các kế hoạch này.

Từ đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, địa phương rà soát lại công việc. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm đã được thống nhất. Với nhóm công việc có thể giải quyết được ngay thì phải giải quyết trong thời gian quy định và cố gắng giải quyết trước hạn. Nhóm cần sự phối hợp với các sở, ngành, địa phương khác thì cần chủ động phối hợp và phải đeo bám, chấm dứt việc ngồi chờ lấy ý kiến của các đơn vị liên quan. Đối với nhóm vướng mắc cần báo cáo để UBND TPHCM giải quyết hoặc kiến nghị các bộ, ngành Trung ương thì phải tổng hợp báo cáo ngay để xử lý.

Để khắc phục tình trạng tăng trưởng kinh tế thấp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận định việc giải quyết thủ tục hành chính để triển khai các dự án, chuyển động dòng vốn là quan trọng nhất. Do đó, lãnh đạo các sở ngành, địa phương phải tập trung giải quyết cụ thể trong quý 2-2023.

Với việc giải quyết các thủ tục này, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, các đầu mối Ban Quản lý khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các quận huyện tập hợp lại các vấn đề của doanh nghiệp. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của từng đơn vị thì giải quyết ngay, vấn đề nào thuộc UBND TPHCM thì báo cáo để trong quý 2-2023, Thường trực UBND TPHCM sẽ chia theo từng nhóm, từng lĩnh vực và giám đốc một số sở để họp giải quyết.

Về thúc đẩy đầu tư, tập trung đầu tư công cũng như tháo gỡ để thu hút đầu tư ngoài ngân sách, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu các ban chiếm tỷ lệ đầu tư công lớn, các công trình trọng điểm, các chủ đầu tư thường xuyên cập nhật tiến độ, đôn đốc để giải quyết. Đồng chí đề nghị với các dự án trọng điểm, cần có giao ban hàng tuần, thậm chí hàng ngày với một số khoảng thời gian cụ thể để cập nhật được các khó khăn vướng mắc, phối hợp giải quyết…

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành, đơn vị tập trung củng cố các tổ công tác đầu tư công; chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp chuyên đề của HĐND TPHCM sắp tới để phân bổ vốn dự phòng trung hạn và vốn năm 2023. Đồng thời, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; đào tạo lại nguồn nhân lực, hỗ trợ việc làm…

 
TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung tâm báo chí.
TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung tâm báo chí.

Đặt trong bối cảnh nhiều địa phương khác vẫn có mức tăng trưởng khá hơn, TS.Trần Du Lịch đề xuất 3 động lực để thúc đẩy kinh tế TP.HCM có thể hồi phục trở lại từ những quý sau.

Thứ nhất, cần tháo gỡ nguồn vốn đầu tư công đến từ cả nguồn vốn nhà nước và nguồn vốn tư nhân, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các công cụ hấp thụ nguồn vốn từ nước ngoài. Tránh tình trạng “đứng yên tại chỗ”, tăng cường việc hấp thụ vốn nhằm tạo sự dịch chuyển cho nền kinh tế Thành phố.

Thứ hai, giải quyết những trì trệ của hệ thống, tránh tình trạng chồng chất giữa những vấn đề cũ và mới gây khó khăn trong quá trình xử lý. Thành phố cần công khai minh bạch vướng mắc với doanh nghiệp, tạo dựng dựng niềm tin với doanh nghiệp.

Thứ ba, TP.HCM là nơi tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường tiêu thụ, cần chú trọng quan tâm đến thị trường nội địa để thúc đẩy nền kinh tế quay trở lại đà phát triển trong giai đoạn hiện nay.