15:19 13/01/2023

TP.HCM cùng 4 địa phương bàn kế hoạch thực hiện dự án Vành đai 3, Vành đai 4

Phạm Vinh

Dự án Vành đai 4 dài gần 200 km với tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng, đi qua 5 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An dự kiến khai thác từ quý 1/2028…

TP.HCM cùng 4 địa phương bàn kế hoạch thực hiện dự án Vành đai 3, Vành đai 4. (Ảnh TTBC).
TP.HCM cùng 4 địa phương bàn kế hoạch thực hiện dự án Vành đai 3, Vành đai 4. (Ảnh TTBC).

Chiều 12/1, UBND TP.HCM có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương thảo luận về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, đường Vành đai 4 TP.HCM. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ tri hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Thượng Chí và các chuyên gia, đơn vị tư vấn. 

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm trình bày tóm tắt tiến độ thực hiện Dự án xây dựng đường Vành đai 3 và Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. Đến nay, Dự án xây dựng đường Vành đai 3 các địa phương cơ bản hoàn thành công tác phê duyệt và bàn giao ranh giải phóng mặt bằng phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Bên cạnh đó, phối hợp tham mưu trình Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án.

Ngoài ra, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Long An đã phê duyệt các dự án thành phần cơ bản đáp ứng theo tiến độ yêu cầu của Chính phủ. Các dự án thành phần bồi thường, bố trí tái định cư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cũng đã thống nhất khung tiêu chuẩn và các giải pháp kỹ thuật chính của thiết kế cơ sở áp dụng chung cho các dự án thành phần. Phối hợp tổ chức khảo sát, lập hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng cập nhật vào dự án thành phần trước khi phê duyệt dự án.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, hiện nay, các địa phương đang khẩn trương tổ chức thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đối với từng đoạn tuyến. Từ góp ý của Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch phối hợp triển khai, xác định các nguyên tắc phối hợp với mốc thời gian chính.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất một số nội dung như: báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần trên địa bàn các tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An), nguồn vật liệu xây dựng, giải pháp kỹ thuật chính, áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM),… đối với dự án Vành đai 3. Với vành đai 4, hội nghị thống nhất quy mô đầu tư mặt cắt ngang giai đoạn 1, cơ chế vốn, nghiên cứu và điều chỉnh hướng tuyến các dự án thành phần trên từng địa phương cho phù hợp,…

Sau khi nghe các góp ý từ chuyên gia, đơn vị và các địa phương, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi đề nghị, đối với đường Vành đai 3, cần tập trung hoàn thiện phê duyệt dự án, đánh giá tác động môi trường. Qua đó, báo cáo Bộ Tài nguyên để có văn bản chính thức sớm nhất; đồng thời hoàn thiện thủ tục thiết kế kỹ thuật để phê duyệt.

Liên quan vấn đề lựa chọn nhà thầu để chuẩn bị cho công tác khởi công vào tháng 6/2023, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, đây là dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, do đó, cần phải khẩn trương, kỹ lưỡng và có quy trình, tiêu chí lựa chọn.

“Đặc biệt, cần phải khách quan và trong sáng trong việc lựa chọn. Nếu không trong sáng mà cố tình làm sai, chúng ta sẽ đánh mất đi vinh dự được đóng góp cho công trình trọng điểm này và mất luôn cả danh dự của sự nghiệp”, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Liên quan vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Mãi đề nghị phấn đấu đưa việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư của Dự án Vành đai 3 là kiểu mẫu, sao cho người dân đồng thuận, vui vẻ đóng góp cho công trình.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, sau buổi làm việc này, ông sẽ đăng ký làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để thống nhất về hình thức và thời gian trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Hội nghị đã thống nhất quy mô quy hoạch của dự án là 6-8 làn xe, trong đó giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy mô thiết kế, hình thức dự án là PPP, đề nghị áp dụng ngân sách theo cơ chế đường Vành đai 3. Ông Mãi cũng đề nghị phấn đấu khởi công Vành đai 4 dịp 30/4/2025.

Với tổng mức đầu tư là hơn 75.000 tỷ đồng, Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 76km, đi qua 4 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Quy mô kỹ thuật là cao tốc đô thị, mặt cắt ngang 04 làn xe với tốc độ 100km/giờ. Dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2026.

Dự án Vành đai 4 dài gần 200 km với tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng. Dự án đi qua 5 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Quy mô kỹ thuật là cao tốc đô thị, mặt cắt ngang 6-8 làn xe với tốc độ 60-80 km/giờ. Dự kiến đưa vào khai thác từ quý I năm 2028.

 

Kế hoạch Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Sở Giao thông Vận tải TP.HCM:

  • Quý 2/2023, hoàn thành lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; tiến tới hoàn thành thẩm định kế hoạch chủ trương đầu tư trong năm 2023;
  • Quý 4/2023, tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án;
  • Quý 3/2024, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;
  • Quý 1/2026, hoàn thành bàn giao mặt bằng;
  • Tháng 9/2024, khởi công công trình;
  • Tháng 12/2027, thi công hoàn thành, thông xe kỹ thuật toàn tuyến;
  • Quý 3/2028, đưa dự án vào khai thác, thu phí.