07:42 02/06/2023

TP.HCM: Kinh tế tháng 5 nhiều dấu hiệu khởi sắc

Vân Nguyễn

Kinh tế TP.HCM trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm đã có những dấu hiệu tích cực thể hiện quả sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp, sức mua của thị trường dần ổn định, giải ngân vốn đầu tư công khởi sắc…

Tình hình kinh tế TP.HCM trong tháng 5 đã có nhiều chuyển biến tích cực - Ảnh minh họa
Tình hình kinh tế TP.HCM trong tháng 5 đã có nhiều chuyển biến tích cực - Ảnh minh họa

Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong quý 2/2023 ước tăng trưởng 5,87% so với cùng kỳ, đứng thứ 2 trong số các thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (ước đạt 105,87%). Tốc độ tăng trưởng GRDP ước tính trong quý 2 của các khu vực kinh tế so với cùng kỳ cụ thể: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,16%; Công nghiệp, xây dựng tăng 4,77%; Dịch vụ tăng 7,16%. Trong đó, ước tính ngành dịch vụ đóng góp cao nhất với 64,8 % trong tổng mức GRDP của Thành phố.

NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Theo ông Trần Phước Tường, Phó Cục Trưởng Cục Thống kê TP.HCM, nếu trong quý 1 sản xuất công nghiệp, xây dựng ở mức âm, trong tháng 4 và tháng 5 đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Thương mại điện tử của TP.HCM đang tăng trưởng tốt, doanh thu bán lẻ dịch vụ hàng hóa và tiêu dùng vẫn có chỉ số tăng trưởng ổn định.

“Nếu chỉ nhìn xung quanh khu vực trung tâm thu hút khách du lịch nước ngoài thì chưa thể đánh giá được chỉ số thương mại và dịch vụ của Thành phố. Mức bán lẻ chỉ thể hiện 1 phần thương mại của Thành phố, bán buôn là “tảng băng chìm” lớn, TP.HCM là trung tâm đầu mối giao thương nên bán buôn chiếm đến 65 - 70% hoạt động thương mại của Thành phố”, ông Tường nhấn mạnh.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) theo tháng của TP.HCM – Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) theo tháng của TP.HCM – Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM

Về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 ước tính tăng 1,51% so với tháng trước và tăng 5,45% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, IIP tăng 1,62% so cùng kỳ (1 tháng/2023 giảm 17,58%, 2 tháng giảm 4,61%, 3 tháng giảm 0,91%, 4 tháng tăng 0,62%). Trong đó, ngành chế biến chế tạo từ mức giảm 1,1% của 03 tháng, đến 4 tháng đã tăng 0,4% và 5 tháng tăng 1,5% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, Cục thống kế TP.HCM cho biết, ngành công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Chỉ số tiêu thụ trong 5 tháng vẫn còn giảm 4,9%; Chỉ số tồn kho tăng 11,6% và Chỉ số lao động giảm 2,8% so với cùng kỳ, trong đó có 13/30 ngành công nghiệp cấp 2 giảm so với cùng kỳ.

Sức mua của thị trường trong nước vẫn được duy trì với tổng mức bán lẻ hàng hoá 5 tháng đầu năm 2023 tăng 9,4% so cùng kỳ. Sức mua nội địa duy trì được xem là điểm sáng của nền kinh tế khi hoạt động xuất khẩu suy giảm.

Bên cạnh đó, hoạt động lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm 2023 tăng 34,8% so cùng kỳ, nhưng nếu so với trước dịch Covid-19 chỉ bằng 92,0% cùng kỳ năm 2019; Hoạt động lữ hành tăng 78,7% so với cùng kỳ, nhưng chỉ đạt 33,2% cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, môi trường kinh doanh trên địa bàn cũng dần được cải thiện. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, Thành phố có 25.089 doanh nghiệp tham gia vào thị trường, nhưng cũng có đến 18.243 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nghĩa là, cứ 10 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì tương ứng có 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tỷ lệ này của tháng 1/2023 là 15; 2 tháng là 13; 3 tháng là 9 và 4 tháng là 8).

Dự án FDI đăng ký cấp mới vào Thành phố tăng đáng kể, 5 tháng đầu năm 2023 có 374 dự án FDI cấp mới, tăng 60,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ có 233 dự án) và tổng số vốn đăng ký đạt 200 triệu USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ.

Giải ngân vốn đầu tư công cũng đã khởi sắc. Ước tính giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2023 đạt 12,9% theo kế hoạch vốn của Thủ tướng và cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ của năm 2022 (5 tháng năm 2022 đạt 9,4%). Đạt 21,9% theo kế hoạch của Thành phố giao cao hơn cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ 2022 đạt 14,5%).

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 năm 2023 tiếp tục xu hướng giảm so với tháng trước với mức giảm 0,09%; bình quân 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,01% (2 tháng CPI tăng 4,79%, 3 tháng tăng 4,5%, 4 tháng tăng 4,23% so với cùng kỳ).

Theo dự báo của Cục Thống kê Thành phố, việc tăng giá điện và lương tối thiểu sẽ gây áp lực lên chỉ số giá trong thời gian tới, vì vậy việc kiềm chế lạm phát luôn ưu tiên để góp phần tăng sức mua nội địa và tăng trưởng kinh tế.

VẪN CÒN NHỮNG KHÓ KHĂN

Cục Thống kê TP.HCM cho biết, mặc dù tốc độ tăng trưởng đã có dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên vẫn còn không ít những khó khăn, đặc biệt xuất khẩu.

Chỉ số xuất khẩu hàng hóa theo tháng của TP.HCM - Nguồn: Cục Hải quan, Cục Thống kê TP.HCM.
Chỉ số xuất khẩu hàng hóa theo tháng của TP.HCM - Nguồn: Cục Hải quan, Cục Thống kê TP.HCM.

"Tốc độ tăng trưởng đã tăng lên 5,87% nhưng chúng ta vẫn nằm trong mức trung bình thấp của cả nước. Tình hình xuất khẩu của Thành phố vẫn gặp khó khăn do thị trường Châu Âu, châu Mỹ vẫn chưa phục hồi mặc dù tiêu dùng trong nước đã dần đi vào ổn định”, ông Tường cho biết thêm.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước 5 tháng đầu năm 2023 đạt 16,5 tỷ USD, giảm 19,7% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 21,9 tỷ USD, giảm 22,7% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, thu ngân sách nhà nước có tốc độ tăng trưởng chậm. Cụ thể, tổng thu ngân sách 5 tháng đầu năm 2023 đạt 43,0% dự toán và giảm 4,5% so với cùng kỳ, trong đó, thu từ nội địa giảm 3,4%, thu dầu thô giảm 9,3% và thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu giảm 6,2%. Xét theo loại hình kinh tế thì thu từ doanh nghiệp nhà nước giảm 0,3%; doanh nghiệp FDI giảm 1,1%; tuy nhiên khu vực tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ ngoài nhà nước tăng 8,4%. Chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 5 tháng đầu năm 2023 đạt 22,3% dự toán và tăng 32,8% so với cùng kỳ.

Thành phố cũng đã đưa ra những nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đặc biệt là những giải pháp liên quan đến nguồn vốn. Theo đó, Thành phố sẽ tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công vì vốn đầu tư công đóng vai trò là “vốn mồi dẫn dắt đầu tư ngoài nhà nước” cho nền kinh tế vừa kích thích tiêu dùng, vừa thu hút vốn tư nhân vào sản xuất góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra tiếp tục đẩy nhanh hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP.HCM để thu hút nguồn lực đầu tư vào Thành phố.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, ban hành Thông tư 02 cho phép các tổ chức tín dụng được gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng khó khăn đến hết ngày 30/6/2024 như một liệu pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đang bế tắc về vốn có nguồn để duy trì hoạt động.

“Vì vậy cần nắm bắt cơ hội, điều kiện này để giúp cho doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn thực hiện thanh toán nợ vay một cách tốt nhất, củng cố lòng tin của nhà đầu tư và thị trường đối với doanh nghiệp”, Cục Thống kê TP.HCM cho biết.