12:52 22/05/2023

Vì sao TP.HCM giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất cả nước?

Xuân Thái

Mặc dù bước qua những ngày đầu tháng 5/2023, giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM tăng vọt do chi bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3; thế nhưng trong quý 1/2023, giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố chỉ đạt 4%. Nguyên nhân vì sao?...

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: "TP.HCM giải ngân vốn đầu tư công thấp, nguyên nhân chủ yếu là do Thành phố tập trung giải quyết công tác giải ngân bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 TP.HCM".
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: "TP.HCM giải ngân vốn đầu tư công thấp, nguyên nhân chủ yếu là do Thành phố tập trung giải quyết công tác giải ngân bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 TP.HCM".

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã đưa ra lời giải thích tại cuộc họp báo chiều 18/5/2023.

Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do Thành phố tập trung giải quyết công tác giải ngân bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

Năm 2023, TP.HCM được phân bổ 70.000 tỷ đồng cho vồn đầu tư công, gồm vốn trung ương và vốn địa phương, cao gấp hai lần so với kế hoạch đầu tư công năm 2022. Đây là thách thức lớn đối với công tác điều hành và thực hiện các dự án trên địa bàn Thành phố.

Mới đây, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, trong buổi giám sát về đầu tư công xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025, đã nhìn nhận công tác triển khai đầu tư công trên địa bàn Thành phố rất chậm, thậm chí có một số dự án còn chưa giải ngân.

Cụ thể, đoạn đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố đã xác định có 9/23 dự án chậm trễ giải ngân. Nguyên nhân chính do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp đồng bộ của các bên có liên quan. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra, làm phát sinh khối lượng, hạng mục. Công tác quản lý dự án đầu tư còn tồn tại thiếu sót trong khâu lựa chọn nhà thầu, đơn vị thi công…

Ngoài ra, tình hình kinh tế xã hội TP.HCM quý 1/2023 diễn ra trong bối cảnh phải đương đầu với khó khăn nhiều hơn thuận lợi do triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới đang bị đe doạ bởi lạm phát, hệ thống tài chính toàn cầu suy yếu…

Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM toàn quý 1/2023 ước đạt 360.622,1 tỷ đồng tính theo giá hiện hành. Tính theo giá so sánh năm 2010 thì đạt 246.931,2 tỷ đồng, tăng 0,70% so cùng kỳ. Đây là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử tăng trưởng kinh tế của Thành phố, báo hiệu một quý 2 sắp tới sẽ còn nhiều khó khăn mà nền kinh tế tiếp tục trải qua.

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng vấn đề quan trọng nhất của Thanhfphoos hiện nay là phải tháo gỡ đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân để dòng vốn chảy vào nền kinh tế. Thành phố phải công khai, minh bạch mọi vấn đề để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Song song, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, động viên khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP.HCM...

Một tín hiệu đáng mừng là, tính đến hết ngày 12/5 vừa qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đạt 8.236 tỷ đồng, bằng 20% tổng vốn TP.HCM giao đợt 1. Nếu tính trên tổng mức vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (hơn 70.000 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 11,67% (quý 1 đạt 4%).

Riêng dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, tính đến tháng 4 vừa qua, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM (TCIP) chỉ mới giải ngân được 3%; nhưng đến nay nhờ chi bồi thường, giải phóng mặt bằng ở dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, tỷ lệ giải ngân tăng lên 30% (đạt trên 5.600 tỷ đồng, gấp 10 lần).

Lãnh đạo TP.HCM đặt trọng tâm của năm 2023 là năm giải ngân đầu tư công. Trên cơ sở đẫ đạt được vừa qua, TP.HCM đặt mục tiêu đến hết quý 2/2023 tỷ lệ giải ngân đạt 35%, hết quý 3 đạt 58%, hết quý 4 đạt 91% và đến tháng 1/2024 sẽ đạt ít nhất 95%.

Vẫn theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi, năm 2023, Thành phố có 134 dự án hạ tầng có bồi thường, giải phóng mặt bằng với tổng số tiền dự kiến chi là 20.189 tỷ đồng. Nếu tính luôn số tiền khoảng 4.200 tỷ đồng chi bồi thường của năm 2022 mà các dự án đang triển khai thì tổng số tiền phải chi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong năm 2023 của Thành phố khoảng 24.400 tỷ đồng.

 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tính đến hết tháng 01/2023, tổng số vốn giải ngân đầu tư công TP.HCM đạt khoảng 26.600 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 71,3% tổng kế hoạch vốn được giao (không bao gồm vốn kế hoạch năm 2021 kéo dài giải ngân sang năm 2022 và tiền thưởng vượt dự toán thu năm 2021). Trong đó ghi nhận trong năm 2022 có 11 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đầu tư công là 0%.