Trang sức xa xỉ: Canh bạc đầu tư có tính toán
Theo Ngân hàng Thế giới, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu, căng thẳng địa chính trị và nhu cầu xa xỉ giảm, trang sức vàng, đá quý và bạch kim có thể là một kênh đầu tư an toàn bậc nhất…
Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông mới đây nhận định, nhu cầu mua đồ trang sức và kim loại quý ở Hồng Kông đang phục hồi trở lại. Điều này đã được chứng minh trong phiên bản thứ 40 của Hội chợ Trang sức & Đá quý Hồng Kông (JGW) hồi cuối năm 2023. Được công nhận rộng rãi là hội chợ trang sức lớn nhất toàn cầu, JGW40 có sự góp mặt của 3.422 nhà triển lãm từ 44 quốc gia và khu vực. Theo nhà tổ chức Informa Markets, hội chợ đã thu hút 53.879 người mua từ 142 quốc gia và khu vực, với khoảng 70% du khách đến từ bên ngoài Hồng Kông.
Trong khi một động lực thúc đẩy giá kim loại quý là sự bất ổn kinh tế toàn cầu, thì một động lực khác là nguồn cung thực tế. Theo Orion Metal Exchange – một nền tảng mua, bán và trao đổi kim loại quý hữu hình có trụ sở tại California thì các tài sản như vàng và đá quý là chìa khóa cho danh mục đầu tư đa dạng. Trang sức xa xỉ từ lâu đã được công nhận là phương tiện lưu trữ giá trị đáng tin cậy trong thời kỳ hỗn loạn. Chúng có xu hướng giữ lại giá trị của mình và thường được đánh giá cao khi thị trường truyền thống chùn bước.
Từ đầu năm 2024 đến nay, mặt hàng trang sức cao cấp đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh, vượt xa hầu hết các danh mục thời trang và đồng hồ cả về doanh thu và lợi nhuận. Kết quả là thị trường trang sức xa xỉ với mức ổn định cao và ít thương hiệu lớn tham gia trong nhiều thập kỷ giờ đây đã trở thành một “không gian” có tính cạnh tranh cao.
Trước đây, một khách hàng trang sức cao cấp sẽ ưu tiên tìm đến các thương hiệu như Cartier, Van Cleef & Arpels, Graff hoặc Tiffany & Co. để săn lùng một món đồ đặc biệt có thể coi là khoản đầu tư trọn đời. Những tay chơi khổng lồ này là người nắm giữ lĩnh vực trang sức cao cấp, thường định vị mình bằng lịch sử, tay nghề, di sản và cách kể chuyện kéo dài hàng thập kỷ hoặc thậm chí hàng thế kỷ. Nhưng giờ đây, ngay cả các hãng trang sức tầm trung và các thương hiệu thời trang cũng đang nhảy vào cuộc đua.
Đầu tháng 5, Pandora, hãng đồ trang sức lớn nhất thế giới tính theo số lượng bán ra, đã nâng dự báo doanh thu trong cả năm nay sau khi doanh thu và lợi nhuận trong quý 1/2024 tăng vượt kỳ vọng nhờ nhu cầu phục hồi. Tập đoàn của Đan Mạch đã tăng đáng kể đầu tư cho tiếp thị và mở rộng các dòng sản phẩm nhẫn, dây chuyền và kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Trong quý vừa qua, doanh thu của Pandora đã tăng 11% lên 6,8 tỷ crown (977,77 triệu USD). Kết quả này có được chủ yếu nhờ mức tăng doanh thu 9% tại Mỹ, thị trường lớn nhất của Pandora, nơi thương hiệu này đang giành được thị phần ngay cả khi nhu cầu về đồ trang sức nhìn chung suy giảm. Lợi nhuận hoạt động của Pandora trong quý 1 cũng tăng lên 1,51 tỷ crown (215,55 triệu USD), cao hơn mức 1,26 tỷ crown trong cùng kỳ năm ngoái và mức dự báo 1,32 tỷ crown của các nhà phân tích.
Trong khi đó, Saint Laurent là hãng thời trang xa xỉ mới nhất tập tành bước chân vào thế giới trang sức cao cấp. Từ trước đến nay, Saint Laurent vẫn luôn có các món phụ kiện kim loại, trang sức đi kèm với các bộ sưu tập thời trang, nhưng chúng thuộc loại trang sức thời trang (fashion jewelry), tuy đẹp nhưng không làm bằng chất liệu quý. Với kinh nghiệp này, giờ đây thương hiệu tự tin khi lấn sang thị trường trang sức cao cấp. Bộ sưu tập trang sức cao cấp đầu tay của thương hiệu Pháp được đặt tên Saint Laurent Haute Joaillerie, thực sự thuộc phân khúc fine jewelry chứ không phải high jewelry như cái tên biểu thị.
“Đây chỉ là sản phẩm đầu tiên trong số những gì chúng tôi hy vọng sẽ là di sản lâu dài của trang sức Saint Laurent có thể được truyền lại như vật gia truyền cho các thế hệ yêu thời trang tương lai”, thương hiệu ghi nhận. Saint Laurent không phải là hãng thời trang xa xỉ đầu tiên tham gia vào thị trường trang sức cao cấp. Prada, Gucci và Balmain đều đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường này khi ra mắt các bộ sưu tập những mùa gần đây, trong khi những thương hiệu như Dior và Chanel từ lâu đã sản xuất dòng fine jewelry.
Ngay cả Bottega Veneta và Balenciaga, vốn có truyền thống kinh doanh phụ kiện và thời trang, cũng đang khám phá con đường sinh lợi này, mặc dù hướng tới phân khúc bình dân hơn. Sau khi được mua lại bởi Bucherer, nhà bán lẻ đồng hồ lớn nhất thế giới, Tập đoàn Bucherer đã giúp Rolex mở rộng sang phân khúc trang sức, bên cạnh việc kiểm soát và phân phối thương hiệu đồng hồ lớn nhất. Đó là một động thái không chỉ nhằm tận dụng một thị trường tiềm năng và sinh lợi cao mà còn để tạo ra thêm một “viên ngọc quý” khác vào danh mục đầu tư của mình.
Theo Jing Daily, việc các thương hiệu ngoài ngành đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh trang sức cao cấp là một canh bạc có tính toán. Xu hướng thời trang, luôn ẩn chứa nguy cơ tồn kho không bán được và mức độ phù hợp ngày càng giảm do tính chất năng động và biến động của các xu hướng trong ngành. Trong khi đó, sức hấp dẫn lâu dài của đồ trang sức mang đến cho các thương hiệu một con đường ổn định hơn về mặt doanh thu và đem đến một cơ hội xoay vòng mà không đánh mất giá trị thương hiệu vốn có.
Mới đây, Pharrell Williams, giám đốc sáng tạo mảng thời trang nam của Louis Vuitton đã đánh dấu màn hợp tác cùng Tiffany & Co. bằng một bộ sưu tập gồm 19 thiết kế bao gồm dây chuyền, vòng tay, bông tai và nhẫn. Tất cả đều được chế tác tỉ mỉ qua bàn tay tinh luyện của người thợ Tiffany & Co. Các tác phẩm được làm từ vàng hồng 18K, titan, kết hợp cùng kim cương. Sự mạo hiểm của Williams khi bước vào thế giới trang sức xa xỉ cùng Tiffany & Co. đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự giao thoa giữa thời trangvà trang sức để gây được tiếng vang với những tệp khách hàng của cả hai thương hiệu.
Sau khi Tiffany & Co. về chung một “mái nhà” LVMH vào năm 2021, thương hiệu này cũng đã nhanh chóng chuyển hướng từ chiến lược tập trung vào nhẫn đính hôn (sản phẩm chỉ bán được duy nhất một lần trong đời mỗi khách hàng) sang trở thành một thương hiệu đa dạng các mẫu trang sức để trưng diện và đầu tư. Ngoài các thương hiệu thuộc tập đoàn LVMH như Louis Vuitton, Tiffany & Co. cũng không ngại hợp tác với những thương hiệu tưởng chừng “chẳng liên quan” như Nike.
Từ đó có thể thấy, sự chuyển đổi của các hãng trang sức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa ngành hàng kinh doanh trong bối cảnh sức mua giảm, đồng thời là khả năng mở rộng tệp khách hàng trong “đường đua” này hơn bao giờ hết. Thời kỳ mà các thương hiệu chỉ có thể sao chép cùng một mô hình kinh doanh trong nhiều năm đã qua. Khi những "hãng trang sức" mới như Gucci, Bottega Veneta hay Balenciaga gia nhập, các thương hiệu sẽ cần nhiều thứ hơn là những thiết kế tinh xảo để tạo ra lợi thế cạnh tranh.