14:35 28/02/2023

Tranh cãi nghĩa vụ bảo hiểm với hàng hóa siêu trường, siêu trọng

Đỗ Mến

Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định cả về quyền và nghĩa vụ của bên bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Theo đó, bên mua bảo hiểm cũng cần yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vận chuyển giao thương hàng hóa là một khâu thiết yếu trong quá trình sản xuất và kinh doanh của mọi doanh nghiệp, đặc biệt với hàng hóa siêu trường, siêu trọng, rủi ro trong quá trình vận chuyển vẫn có thể xảy ra, gây tổn thất nặng nề.

Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển là bảo hiểm cho các rủi ro từ bên ngoài gây mất mát, tổn thất vật chất đối với hàng hóa được bảo hiểm, xảy ra trong quá trình vận chuyển (và/hoặc lưu kho tạm thời trong quá trình vận chuyển) được thực hiện bởi bất kỳ loại phương tiện vận chuyển nào, trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc trên phạm vi toàn thế giới.

Khi xảy ra tranh chấp, việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên luôn là tâm điểm tranh cãi. Mới đây, TAND TP Hà Nội giải quyết phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty cổ phần dịch vụ V. và Công ty bảo hiểm X.

YÊU CẦU BỒI THƯỜNG BẢO HIỂM HƠN 21 TỶ ĐỒNG

Theo đơn khởi kiện, năm 2016, Công ty V. có ký hợp đồng vận chuyển và di dời máy biến áp MBA thuộc dự án nâng công suất trạm biến áp 220k Kiến Bình với giá trị hơn 1,9 tỷ đồng.

Do đó, Công ty V. ký hợp đồng bảo hiểm hàng hóa với Công ty X. với nội dung, đối tượng bảo hiểm là “máy biến áp và phụ kiện máy biến áp của các trạm biến áp, thiết bị…” 250MVA (138 tấn), 1 MBA 125MVA 145 tấn, phụ kiện 73,5 tấn – SL 1 xe. Số tiền bảo hiểm là hơn 40,2 tỷ đồng. Phương tiện vận chuyển là sàn lan, xe đầu kéo và trailer. Ngày khởi hành 12/10/2016. Bên thụ hưởng là chủ hàng. Phí bảo hiểm là 32,1 triệu đồng.

Ngày 12/10/2016, Công ty V. tiến hành vận chuyển hàng hóa theo phương án thi công đã được chủ hàng phê duyệt. Tuy nhiên, vào ngày 6/11/2016, trong quá trình bốc dỡ hàng hóa, thiết bị từ phương tiện đường thủy chuyển sang đường bộ tại bến cảng thì xảy ra sự cố chìm đắm số hàng hóa trên. Công ty đã thông báo đến đơn vị bảo hiểm và các bên liên quan. Đồng thời thuê đơn vị để trục vớt hàng hóa.

Về phía công ty bảo hiểm đã cử giám định viên tiến hành giám định, đánh giá thiệt hại sự cố. Báo cáo của giám định viên đánh giá nguyên nhân dẫn đến rơi máy biến áp là do đường dẫn bị sụt lún trong quá trình di chuyển đầu kéo và trailer từ sà lan đến bến.

Theo nhận định của đơn vị giám định thì căn cứ vào thông tư 61/2015/TT-BGTVT, Công ty V. đã vi phạm pháp luật giao thông đường bộ và đường thủy nội địa khi không trình phương án vận chuyển hàng hóa siêu trường siêu trọng tới cơ quan có thẩm quyền (tức Cục đường thủy nội địa Việt Nam) và được cấp phép trước khi tiến hành thực hiện. Công ty V. đã vận chuyển đến bến thủy nội địa không được phép hoạt động để dỡ hàng.

Quá trình giải quyết, Công ty V. đã gửi công văn đề nghị công ty bảo hiểm tạm ứng chi phí khắc phục sự cố và có ý kiến khắc hục tổn thất nhưng không được giải quyết.

Công ty bảo hiểm từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm với lý do, Công ty V. đã vi phạm quy định pháp luật giao thông đường bộ và đường thủy nội địa.

Do không đạt được tiếng nói chung nên Công ty V. buộc phải khởi kiện ra tòa án, đề nghị công ty bảo hiểm phải bồi thường số tiền hơn 17 tỷ đồng và lãi chậm trả là 4,5 tỷ đồng.

HAI BÊN CÙNG CÓ LỖI

Theo tòa án, khoản 2, Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2020 quy định, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm.

Tuy nhiên, hợp đồng bảo hiểm hai bên ký kết không có nội dung này. Công ty bảo hiểm không giải thích cho khách hàng về các điều kiện đảm bảo an toàn vận chuyển đối với hàng siêu trường, siêu trọng. Quá trình tiếp nhận, giám sát, kiểm tra hồ sơ, phương án thi công, công ty bảo hiểm đã biết hàng hóa sẽ được bốc dỡ tại bến cảng nhưng không giải thích cho khách hàng biết việc bến cảng này không đảm bảo điều kiện bốc dỡ và chưa có giấy phép hoạt động của cơ quan có thẩm quyền .

Tòa án xác định việc công ty bảo hiểm vẫn chấp nhận và cấp đơn bảo hiểm cho khách hàng là có lỗi và phải chịu trách nhiệm.

Mặt khác, Công ty X. là doanh nghiệp vận tải lớn, có kinh nghiệm nên phải tìm hiểu, xem xét các điều kiện vận chuyển để đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng được an toàn. Trong vụ việc này, Công ty X. phải có trách nhiệm kiểm tra điều kiện bến cảng.

Tòa án xác định, Công ty X. không có lỗi cố ý trong sự cố chìm máy biến áp nhưng có lỗi vô ý khi chuyển hàng từ sà lan lên bờ.

Do đó, theo khoản 3, Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì không áp dụng điều khoản loại trừ trong trường hợp này. Tuy nhiên, Công ty X. phải tự chịu một phần thiệt hại với lỗi của mình.

Tòa án xác định mức độ lỗi của các bên là Công ty bảo hiểm là 70% - khách hàng chịu 30%.

Sau khi tính toán lại, tòa phúc thẩm tuyên buộc công ty bảo hiểm phải bồi thường số tiền hơn 17,4 tỷ đồng.