Rà soát nguyên nhân phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam
Đến nay Việt Nam đã ký 67 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các quốc gia và vùng lãnh thổ độc lập cùng nhiều hiệp định thương mại tự do…
Hội thảo tham vấn “Dự thảo Báo cáo chuyên gia về nguyên nhân phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế (ISDS) tại Việt Nam và khuyến nghị” đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quan trọng cho việc đề xuất giải pháp hạn chế tranh chấp và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Theo ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp, trong những năm qua, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên hoàn thiện khuôn khổ pháp luật trong nước và cam kết quốc tế trong lĩnh vực thương mại và đầu tư nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu và khu vực…
ƯU TIÊN CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA
Đến nay, Việt Nam đã ký 67 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các quốc gia và vùng lãnh thổ độc lập và nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), với tiêu chuẩn mở cửa thị trường và bảo hộ đầu tư cao hơn.
Các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều đặt trọng tâm vào công tác phòng ngừa và giảm thiểu tranh chấp đầu tư quốc tế.
Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên hoàn thiện khuôn khổ pháp luật trong nước và cam kết quốc tế trong lĩnh vực thương mại và đầu tư nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu và khu vực
Bộ Tư pháp, trực tiếp là Vụ Pháp luật quốc tế, là cơ quan đại diện pháp lý trong tất cả các tranh chấp đầu tư quốc tế, đồng thời chủ trì giải quyết những vụ việc quan trọng, phức tạp theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.
Từ thực tiễn thực hiện vai trò cơ quan đại diện pháp lý của Chính phủ trong tất cả các tranh chấp đầu tư quốc tế cho thấy mỗi vụ tranh chấp như vậy kéo dài khoảng 2 năm, với chi phí hàng triệu USD. Đó là chưa kể thời gian, công sức mà các cơ quan nhà nước phải bỏ ra khi tham gia vào công tác này.
Đặc biệt, khi "thua" thì Chính phủ, cơ quan nhà nước phải bồi thường khoản tiền khá lớn. Do đó, nếu thực hiện tốt công tác phòng ngừa và giảm thiểu tranh chấp đầu tư quốc tế sẽ có tác động tích cực đến cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, tiết kiệm đáng kể nguồn lực về tài chính và nhân lực cho công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế…
Mặc dù vậy, thực tế cho thấy số lượng các vụ kiện, các vụ thông báo ý định khởi kiện và các vướng mắc của các nhà đầu tư ngày càng gia tăng. Do đó, cần có những nghiên cứu đánh giá về các nguyên nhân phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế, từ đó đề xuất giải pháp hạn chế tranh chấp và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
NHẬN DIỆN CÁC LOẠI TRANH CHẤP
Theo các đại biểu tham dự hội thảo, có một điều chắc chắn rằng khi tranh chấp xảy ra, dù thắng hay thua thì Việt Nam cũng đều thiệt hại. Cụ thể, nếu thắng thì Chính phủ Việt Nam cũng phải mất nhiều thời gian, công sức, nhân lực và vật chất để theo đuổi vụ kiện.
Ngoài ra việc tranh chấp này sẽ tạo ấn tượng tiêu cực cho môi trường đầu tư, gây ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Do đó việc Chính phủ đặt ra mục tiêu nhận diện, ngăn chặn các tranh chấp xảy ra là điều cần thiết.
Bà Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng luật sư IDVN - Chuyên gia UNDP, nhận định, cùng với những bước tiến mạnh mẽ và thành tựu của hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, Việt Nam cũng phải đối diện với các thách thức của quá trình này, trong đó việc thực thi các cam kết quốc tế đã và đang phát sinh một số tranh chấp thương mại và đầu tư quốc tế.
Theo các chuyên gia, có 3 loại tranh chấp đầu tư quốc tế phổ biến.
Với những thành tựu của hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, Việt Nam cũng phải đối diện với các thách thức của quá trình này, trong đó việc thực thi các cam kết quốc tế đã và đang phát sinh một số tranh chấp thương mại và đầu tư quốc tế.
Thứ nhất là tranh chấp giữa Chính phủ với Chính phủ. Mục tiêu của việc giải quyết tranh chấp này phần lớn không nhằm mục đích yêu cầu bồi thường thiệt hại mà nhằm mục đích chính là buộc chính phủ khác có biện pháp vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm.
Thứ hai là tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư. Hầu hết các Hiệp định thương mại tự do đầu cho phép các bên tư nhân được khởi kiện Chính phủ và giải quyết bồi thường theo cơ chế thương mạii.
Thứ ba là tranh chấp giữa thương nhân và thương nhân trong thương mại quốc tế nhưng là khởi nguồn của tranh chấp đầu tư quốc tế. Đây là loại hình phát sinh phổ biến và đặc biệt là các vụ nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện do Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư đưa ra những quyết định, hoặc phán quyết của cơ quan tư pháp gây bất lợi cho mình.
SẼ RÀ SOÁT LẠI PHÁP LUẬT LIÊN QUAN
Chuyên gia UNDP cho rằng, việc xây dựng một báo cáo khảo sát về vấn đề này là điều cần thiết. Báo cáo sẽ giúp nhận diện chính xác những nguyên nhân phát sinh tranh chấp trong thời gian qua, đưa ra bức tranh chân thực và đầy đủ về nguyên nhân phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam…
Qua đó các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước có thể tham khảo trong quá trình đàm phán, ký kết và thực thi các cam kết quốc tế về đầu tư, cũng như quy định pháp luật trong nước về đầu tư tại Việt Nam.
"Việt Nam kiên định mục tiêu phòng ngừa, giảm thiểu tranh chấp, do đó các bên xây dựng “Báo cáo chuyên gia về nguyên nhân phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế (ISDS) tại Việt Nam và khuyến nghị” phải tiến hành khảo sát thực tế rồi đưa ra lấy ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước", ông Bạch Quốc An, cho biết.
Từ kết quả rà soát thực tiễn đó, dựa trên bối cảnh thực tế của quốc tế và Việt Nam để đưa ra khuyến nghị cần thiết cho việc rà soát, xây dựng pháp luật trong nước cho phù hợp nhằm phòng ngừa, giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế.