Triển khai thực hiện “Năm dữ liệu số Việt Nam”  - Ảnh 1
Triển khai thực hiện “Năm dữ liệu số Việt Nam”  - Ảnh 2

“Cách đây mấy năm khi Việt Nam nói nhiều về Cách mạng 4.0, chúng tôi đã đưa ra quan điểm kinh tế số, các vấn đề về công nghệ số phải là tâm điểm của 4.0. Khi nói về công nghệ số, phần dữ liệu lại là trọng tâm nhất dù ở khối doanh nghiệp hay Nhà nước. Khối Nhà nước với hai mảng lớn là kinh tế số và chính phủ số. Trong chính phủ số, đương nhiên phải lấy dữ liệu số đó để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền. Hệ thống dữ liệu của Việt Nam được “đẻ” ra từ các nhóm lớn như hệ thống dịch vụ công trực tuyến; các hệ thống tương tác giữa chính quyền và người dân; hay nhóm cơ sở dữ liệu bộ ngành địa phương… Bài toán lớn nhất bây giờ là khai thác giá trị dữ liệu đấy.

Ví dụ, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM lắp hàng triệu camera giao thông, hàng triệu cảm biến thì dữ liệu thu được phải dùng vào chuyện quy hoạch, đơn cử như đoán định tuyến đường nào mật độ cao, đang tắc nghẽn, gắn với mật độ dân cư để quy hoạch trường học, y tế… Hay hàng triệu cảm biến sẽ biết được chỗ nào mưa cao, chỗ nào triều cường lên, ngập lụt, thoát nước thế nào…, tất cả đều là dữ liệu số. Vấn đề của mình là tầm nhìn để sử dụng các dữ liệu số như thế cho các hoạt động chức năng của bộ máy chính quyền: từ chuyện cải cách hành chính, nâng cấp dịch vụ công, quy hoạch… để phục vụ người dân.

Tất nhiên muốn sử dụng được thì quan trọng nhất phải “ép” các bộ ngành chia sẻ dữ liệu với nhau để khai thác các phần dữ liệu, đây là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là phải bảo vệ an toàn được dữ liệu. Bởi phần dữ liệu đó nhiều thông tin về mặt cá nhân, như y tế, nhà cửa, chi phí điện nước… Một dữ liệu nhỏ như tiêu dùng điện nước nhưng cũng là một dạng dữ liệu phản ánh một bí mật của gia đình và cho dù góc độ pháp lý chưa đưa dữ liệu này cần bảo vệ. Nhưng muốn xây dựng niềm tin cho người dân thì phải bảo vệ được dữ liệu như thế.

Về bảo vệ dữ liệu, một trong những hạn chế lớn nhất của Việt Nam là chưa có luật nào về việc bảo vệ dữ liệu của người dân. Chúng ta sử dụng dữ liệu cá nhân một cách vô tội vạ và việc lấy dữ liệu không theo chuẩn mực đạo đức nào cả. Do vậy phải có luật để dữ liệu của người dân được bảo vệ. Khi có luật rồi, bản thân doanh nghiệp hay tổ chức nào đó khi dùng dữ liệu đó sẽ phải tự chấn chỉnh quy trình sử dụng dữ liệu. Hơn nữa, khi có luật chính quyền mới định hình lại vai trò kiến trúc về mặt dữ liệu, các kế hoạch sử dụng dữ liệu… như thế dữ liệu mới có giá trị nhất.

Việc Bộ Thông tin và Truyền thông chọn 2023 là “Năm dữ liệu số Việt Nam” là hướng đi đúng. Để phục vụ cho năm dữ liệu số thì mỗi ngành, mỗi địa phương phải có một chiến lược của ngành, của địa phương mình. Mỗi địa phương, mỗi ngành phải tư duy chuyển đổi số/dữ liệu số thì ưu tiên và trọng tâm là gì, dữ liệu sẽ phải phục vụ cho đặc thù riêng của địa phương, của ngành để nâng cao hoạt động hiệu quả, và chọn ra những bài toán quan trọng nhất và dùng dữ liệu để giải bài toán đấy”.

Triển khai thực hiện “Năm dữ liệu số Việt Nam”  - Ảnh 3

“Chuyển đổi số là mục tiêu Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra làm mục tiêu trọng tâm trong thời gian gần đây, trong đó xác định năm 2023 là “Năm dữ liệu số của Việt Nam”.

Theo tôi, đây là cách đặt vấn đề phù hợp và đúng trọng tâm, vì chuyển đổi số có nhiều hướng tiếp cận, trong đó có một hướng tiếp cận được nhiều người đồng thuận, đó là “điều hành theo số liệu”. Có nghĩa là các chỉ đạo điều hành, các quyết định được đưa ra dựa trên phân tích số liệu chứ không phải dựa theo cảm tính hoặc các yếu tố tác động khác.

Tuy nhiên, để có thể điều hành theo số liệu được thì trước tiên phải có dữ liệu, sau đó phải có các thao tác xử lý như làm sạch dữ liệu, phân tích dữ liệu sau đó biểu diễn dữ liệu để người sử dụng có thể dễ dàng tiếp cận và khai thác thông tin, từ đó hỗ trợ cho công tác ra quyết định.

Có thể lấy ví dụ về hướng tiếp cận điều hành theo số liệu: để ra quyết định có cần phải xây dựng bổ sung một trường học hay không thì cần phải có số liệu về dân cư, cụ thể là dân cư trong độ tuổi tới trường, phải có số lượng trường học và học sinh hiện đang theo học tại các cơ sở giáo dục cũng như dự đoán về mức tăng học sinh. Dựa trên các số liệu này sẽ tính toán mật độ trường lớp cũng như số học sinh/lớp học xem có đúng quy chuẩn hay chưa (cao hay thấp) từ đó hỗ trợ ra quyết định có cần bổ sung trường học hay không và bổ sung ở khu vực nào là hợp lý.

Như đã nói, để có thể điều hành theo số liệu được thì trước tiên phải có dữ liệu, sau đó phải có các thao tác xử lý như làm sạch dữ liệu, phân tích dữ liệu. Điều này nghe đơn giản, nhưng ở quy mô quốc gia là một công việc cực kỳ phức tạp và cần nhiều nguồn lực để làm, bao gồm việc xây dựng thiết kế khung dữ liệu số quốc gia của các ngành, lĩnh vực; kết nối chia sẻ giữa các hệ thống dữ liệu chuyên ngành khác nhau (dân cư, giáo dục, y tế, giao thông vận tải...); cung cấp dữ liệu các bên phục vụ cho phát triển các dịch vụ và kinh tế xã hội.

Dữ liệu chỉ có ý nghĩa khi nó đáp ứng các yếu tố: đúng, đầy đủ, chính xác và cập nhật. Thiếu một trong các yếu tố này thì dữ liệu giảm bớt, thậm chí không còn có dữ liệu.

Theo tôi, an toàn thông tin mạng có vai trò quan trọng với các hệ thống công nghệ thông tin, nhưng với mục tiêu “Năm dữ liệu số Việt Nam” thì việc các hệ thống lưu trữ dữ liệu lớn ngày càng nhiều. Đây cũng là mục tiêu tấn công của kẻ xấu, một khi khai thác được điểm yếu của hệ thống và xâm nhập vào trong hệ thống lưu trữ, chúng có thể truy cập dữ liệu của hàng triệu người.

Do đó, khi thực hiện quá trình chuyển đổi số nói chung và xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn nói riêng, việc đảm bảo an ninh mạng có yêu cầu ngày càng cao. Phải áp dụng các biện pháp an toàn thông tin từ trong các khâu thiết kế tới xây dựng, vận hành. Bên cạnh việc mua sắm trang thiết bị an toàn thông tin, cũng cần lưu ý đặc biệt tới các quy trình vận hành cũng như kỹ năng và nhận thức an toàn thông tin của người dùng, đội ngũ vận hành…”.

Triển khai thực hiện “Năm dữ liệu số Việt Nam”  - Ảnh 4

“Năng lực dữ liệu là một trong ba trụ cột cốt lõi trong khung chuyển đổi số của quốc gia cũng như của doanh nghiệp. Ra quyết định dựa trên dữ liệu là tư duy quan trọng quyết định thành công. Vì vậy, tôi hoàn toàn tán thành và đánh giá cao tầm nhìn chiến lược của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tuy nhiên, để làm chủ năng lực dữ liệu cần một khung phát triển chiến lược, đào tạo nhân lực và quy trình vận hành dựa trên nền tảng công nghệ số được thực hiện đúng đắn. Có dữ liệu không đủ, thậm chí có nhiều dữ liệu còn mang lại hệ quả cực kỳ nghiêm trọng nếu dữ liệu kém chất lượng, sai lệch. Vì vậy, cần chú ý tính “đúng đắn của dữ liệu (quality of data)” quan trọng hơn là số lượng (quantity).

Nếu xem 2023 là năm đầu tiên kiến tạo và sử dụng năng lực dữ liệu của quốc gia, phục vụ nhân dân và hỗ trợ doanh nghiệp, thì mục tiêu của Bộ Thông tin và Truyền thông giải quyết các bài toán cốt yếu như: dữ liệu của các bộ - ngành, bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn thông tin, nâng cao dịch vụ công như bưu chính, viễn thông, y tế, và kiểm soát data rác… là hợp lý. Nhưng năm đầu tiên của một chiến lược lớn bao giờ cũng bắt đầu từ những bài toán mang tính “nền tảng” và “cơ bản” (foundation). Về phía doanh nghiệp, chiến lược quản trị và am hiểu dữ liệu khách hàng (Customer Data Platform) cũng đang là một bài toán cốt lõi.

Tôi cũng đánh giá rất cao tầm nhìn của Bộ Thông tin và Truyền thông với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số, xem họ như là nguồn đổi mới sáng tạo, kiến tạo giá trị mới cho quốc gia. Việc giúp đỡ các doanh nghiệp công nghệ cao, mới như Data, AI (trí tuệ nhân tạo) nói riêng và ngành giải pháp công nghệ nói chung đi ra biển lớn của thế giới rất quan trọng, nâng tầm trình độ đội ngũ doanh nhân thế hệ mới, tạo cảm hứng và nguồn động viên cho các doanh nhân và chuyên gia đổi mới sáng tạo.

Việc chia sẻ dữ liệu có kiểm soát với cơ chế quản trị tốt (data governance) sẽ là một nguồn thúc đẩy đổi mới sáng tạo cực kỳ lớn lao cho khối doanh nghiệp, tạo các kỳ tích phát triển mới cho quốc gia.

Trong ba năm lại đây, các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới đang đầu tư mạnh mẽ vào các sáng kiến công nghệ mới như số hoá, tự động hoá trên nền tảng dữ liệu (data), phân tích (analytics) và trí tuệ nhân tạo (AI) với 2 mục tiêu chính tập trung vào: (1) Tăng hiệu suất vận hành (tốc độ, chính xác), trong khi giảm chi phí (cost); (2) Gia tăng giá trị và trải nghiệm khách hàng (duy trì ổn định và tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận).

Chất lượng và độ giàu dữ liệu là yếu tố then chốt trong phần lớn những đột phá – thành công của doanh nghiệp. Ví dụ, ngành ngân hàng – tài chính cần dữ liệu xu hướng thu/chi để quản trị rủi ro, ngành bán lẻ cần dữ liệu hành vi tiêu dùng theo ngành hàng để cá nhân hoá trải nghiệm khách hàng, ngành dược cần dữ liệu sức khoẻ - y tế để hoạch định và chuyển đổi kịp thời…

Ở quy mô quốc gia, Singapore với chiến lược Smart Nation đã xem dữ liệu là cốt lõi trong quản trị số (digital governance) và thực hiện bước đầu tiên là xây dựng nền tảng và quản trị dữ liệu công (Data Governance Strategy for public sector) giai đoạn 2014-2018. Đến 2020, Singapore đã có những nền tảng kiến trúc dữ liệu tiên tiến và đặt mục tiêu năm 2023 sẽ tăng tốc độ khả năng chia sẻ bất kỳ dữ liệu mới gì giữa các đơn vị chỉ tốn 7 ngày (thay vì 13 tháng như trước đây)”.

Triển khai thực hiện “Năm dữ liệu số Việt Nam”  - Ảnh 5

“Tôi đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành trong chặng đường chuyển đổi số quốc gia thể hiện qua các chủ trương, chính sách và hành động cụ thể. Việc công bố năm 2023 là “Năm dữ liệu số quốc gia” và coi việc xây dựng, kết nối khai thác dữ liệu số là nhiệm vụ then chốt quan trọng trong năm nay giống như một lời hiệu triệu gửi tới các nguồn lực trong xã hội cùng chung tay để đạt được mục tiêu quốc gia.

Dữ liệu số là tài nguyên quý giống như dầu thô. Chúng ta đã có Hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia nhưng chưa chia sẻ cho đông đảo các thành phần kinh tế tham gia nên hiện tại vẫn chưa phát huy được tác dụng với nền kinh tế số. Dữ liệu dân cư cần được nâng cấp thành dữ liệu công dân toàn cầu. Từ nguồn “dầu thô” thu thập về, chúng ta cần phân loại, xử lý để thành dữ liệu có thể sử dụng được, từ đó dùng vào đâu, quản lý như thế nào, chia sẻ dữ liệu ra sao…

Do đó, “Năm dữ liệu số Việt Nam” là bước đầu, con đường thực thi và áp dụng vào thực tiễn để mang lại hiệu quả còn rất dài.

Theo Dự thảo Chiến lược dữ liệu quốc gia giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu kinh tế dữ liệu sẽ đóng góp 5% GDP. Để  đạt được điều đó, kết nối, chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu mở phải là “chìa khóa”. Dữ liệu số là nguyên khí quốc gia trong kỷ nguyên 4.0. Bản chất kinh tế số là do con người vận hành và đưa ra quyết định. Dữ liệu chính là tài sản chiến lược, là nguồn tài nguyên cần thiết để tối ưu hóa các nguồn lực và đưa ra quyết định đúng đắn trong chu kỳ kinh doanh.

Tuy nhiên, dữ liệu số cần phải gắn chặt với hạ tầng số và giải pháp số. Khi có hạ tầng số đủ mạnh, giải pháp số đủ hay thì dữ liệu số mới phát huy được hết vai trò, giá trị.

Hiện tại việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế và đặc biệt còn tình trạng “cát cứ thông tin”. Nguồn dữ liệu nhiều nhưng mỗi nơi thu thập một kiểu, không chuẩn hoá thông tin nên việc lưu trữ, phân tích và khai thác cũng gặp khó khăn.

Từ phía doanh nghiệp, môi trường kinh doanh và thể chế kinh doanh ở nước ta hiện chưa khuyến khích doanh nghiệp thu thập dữ liệu mà gần như chỉ thu thập để báo cáo theo quy định của phát luật (báo cáo thuế, hợp lý hoá tài sản,…). Bên cạnh đó, tâm lý và thói quen của doanh nghiệp hiện nay sợ lộ kế hoạch kinh doanh, thông tin dữ liệu khách hàng, nhà cung cấp,… khiến e ngại trong xây dựng và khai thác dữ liêu số.

Thực tế, dữ liệu số quan trọng như “hơi thở” của doanh nghiệp, nhưng khi “mệt” mới để ý đến nó. Khi doanh nghiệp có “vấn đề” thì mới tìm đến dữ liệu xem vấn đề ở đâu. Dữ liệu chỉ phát huy tác dụng khi thể chế tạo ra một môi trường bình đẳng, minh bạch thì tất cả doanh nghiệp sẽ tham gia. Lúc đó doanh nghiệp mới dùng và dựa vào dữ liệu để phân tích, xây dựng chiến lược phát triển, đưa ra các quyết định kinh doanh…

Tôi nghĩ chúng ta cần có một Ban đặc thù về phát triển kinh tế số. Cùng với đó phân tích cần xây dựng những đạo luật, nghị định, thông tư nào để phục vụ mục tiêu, chia vai trò và phân cấp xuống từng bộ, mỗi bộ làm một khâu, nhận trách nhiệm và giao trách nhiệm. Riêng với dữ liệu số, cần xây dựng và thực thi chiến lược dữ liệu mở bằng cách tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp để tạo điều kiện khai thác giá trị, chia sẻ và sử dụng dữ liệu một cách tối ưu nhất”.

Triển khai thực hiện “Năm dữ liệu số Việt Nam”  - Ảnh 6

“Ngày nay, dữ liệu số đã và đang đóng vai trò như một nguồn tài nguyên có giá trị đối với mỗi quốc gia. Việc Chính phủ khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.

Dữ liệu khách hàng của các doanh nghiệp hay dữ liệu dân cư của Chính phủ đều là những nguồn tài nguyên quan trọng sẽ mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và Chính phủ nếu nó được khai thác đúng cách. Thông tin và tri thức từ dữ liệu là một trong các yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp và Chính phủ có thể đưa ra các quyết định hoặc các dự báo chính xác. Hơn thế nữa, khai thác dữ liệu là một cách giúp doanh nghiệp và Chính phủ nâng cao chất lượng các dịch vụ từ đó người dân sẽ được hưởng lợi.

Tôi cho rằng trong năm 2023, chúng ta cần đặt ra 3 mục tiêu lớn. Thứ nhất, thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cho quốc gia. Thứ hai, là xây dựng cơ chế quản lý dữ liệu quốc gia một cách đồng bộ và hiệu quả. Thứ ba, khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu này để phục vụ quản lý nhà nước tốt hơn, người dân, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội có thể hưởng lợi từ các dịch vụ được tạo ra từ nguồn dữ liệu này.

Hiện nay, phần thu thập dữ liệu thế nào là một câu hỏi. Thông thường chúng ta có hai cách thu dữ liệu: thu có định hướng tức là cần xác định sẽ thu những loại dữ liệu nào, hoặc thu tất cả dữ liệu chúng ta có. Việc thu thập dữ liệu lớn cũng đòi hỏi sự đầu tư về cơ sở hạ tầng thông tin để có thể lưu trữ và tính toán phân tích

Để khai thác được dữ liệu hiệu quả, đầu tiên Chính phủ và các doanh nghiệp cần xác định được rõ nhu cầu và bài toán kinh tế. Cần phân tích đánh giá được nếu sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ AI thì mang lại hiệu quả kinh tế thế nào. Dữ liệu chỉ trở nên có ích khi Chính phủ và các doanh nghiệp xác định rõ được mục tiêu và nhu cầu sử dụng. Cần đánh giá xem công nghệ AI và dữ liệu lớn có thể giúp giải các bài toán nào, từ đó hoạch định được kế hoạch thu thập và khai thác.

Việc xác định được mục tiêu và nhu cầu sẽ định hướng cho quá trình thu thập dữ liệu một cách hiệu quả. Vì dữ liệu là một loại tài nguyên, do đó Chính phủ cần xây dựng cơ chế/luật về thu thập, khai thác và sử dụng. Đồng thời, các chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân cũng cần được đẩy mạnh.

Cần có cơ chế xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia một cách đồng bộ giữa các cấp, giữa Chính phủ với doanh nghiệp và người dân và được phân quyền. Kết hợp nguồn lực của Nhà nước và các doanh nghiệp trong việc xây dựng các cơ chế thu thập và khai thác dữ liệu”.

Triển khai thực hiện “Năm dữ liệu số Việt Nam”  - Ảnh 7

VnEconomy 08/02/2023 07:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 6-2023 phát hành ngày 06-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Triển khai thực hiện “Năm dữ liệu số Việt Nam”  - Ảnh 8