Trước hết, xin chúc mừng ông vừa nhận được Giải thưởng Thành tựu trọn đời và danh hiệu Thành viên Hội đồng Danh dự từ ASEAN-BAC tại Lễ trao Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN diễn ra vào tháng 10 vừa qua. Ông có thể cho biết động lực nào giúp ông duy trì được nhiệt huyết và dốc lòng cho sự phát triển của cộng đồng kinh tế ASEAN trong suốt hơn 21 năm qua?
Cách đây 21 năm, tôi vinh dự được Thủ tướng Singapore bổ nhiệm vào ASEAN-BAC với vai trò là một trong 30 nhà lãnh đạo doanh nghiệp đại diện cho khu vực (mỗi quốc gia có ba thành viên) tham mưu cho các nhà lãnh đạo chính phủ về các lĩnh vực kinh doanh chủ lực. 21 năm qua, niềm tin và cam kết của tôi đối với ASEAN ngày càng mạnh mẽ khi chứng kiến tiềm năng to lớn và sự vươn mình của khu vực. Tôi nhận ra rằng mỗi quốc gia trong khu vực đều có tốc độ phát triển và bản sắc riêng. Ở mỗi giai đoạn phát triển kinh tế, các quốc gia ASEAN có thể bổ trợ và phát huy thế mạnh lẫn nhau.
Những năm gần đây, tôi đã thúc đẩy một số sáng kiến mang tính đột phá, tiêu biểu là dự án Việt Nam SuperPort™ - một trung tâm logistics đa phương thức nằm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được thiết kế không chỉ thúc đẩy hoạt động thương mại mà còn tăng cường kết nối giữa các quốc gia trong ASEAN với các đối tác thương mại lớn trên toàn cầu: Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Châu Âu. Hơn thế nữa, dự án này là yếu tố cần thiết cho tầm nhìn kết nối ASEAN. Nâng cao năng lực logistics không chỉ là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư nước ngoài mà còn nâng tầm vị thế ASEAN trên bản đồ logistic toàn cầu.
Một trong những thành tựu nổi bật của ông khi là Chủ tịch ASEAN BAC nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 2018 là ra mắt dự án di sản thứ 5 của ASEAN - Smart Growth Connect (SGConnectTM). Đây cũng là tiền đề cho sự ra đời của dự án Việt Nam SuperPort™ tại Vĩnh Phúc. Xin ông chia sẻ chi tiết hơn về mục đích, triết lý, quá trình phát triển đến hiện tại và tương lai của dự án SGConnectTM?
Mục tiêu chính của dự án SGConnectTM là tích hợp tiến bộ công nghệ và tạo ra trung tâm logistics đa phương thức kết nối đường bộ, đường hàng không, đường biển và đường sắt. Đây được xem là một bước tiến quan trọng vì rất ít quốc gia trên thế giới triển khai được mô hình này.
Dự án này được xem là di sản của ASEAN; đánh dấu sự ra đời của Mạng lưới logistics thông minh ASEAN (ASLN). Vì vậy, dự án không chỉ có ý nghĩa chiến lược về chính trị và khu vực mà còn mang lại giá trị thiết thực cho tất cả các bên tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi mạng lưới đi vào hoạt động, các doanh nghiệp này sẽ được tiếp cận với các trung tâm logistics đa phương thức hiện đại, giúp tối ưu hóa tốc độ vận chuyển và chi phí khi đưa hàng hóa ra thị trường quốc tế.
Đặc biệt, tôi nhận thấy Việt Nam đang sở hữu tiềm năng rất lớn trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Chiến lược “Trung Quốc + 1” đã thúc đẩy nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Mức thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc có thể tăng đến 60%, các doanh nghiệp buộc phải nhanh chóng dịch chuyển hoạt động sản xuất.
Vị trí chiến lược tiệm cận với các thị trường lớn và khả năng sẵn sàng thích ứng mang lại cho Việt Nam lợi thế lớn so với các quốc gia khác trong Đông Nam Á. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức về cơ sở hạ tầng, cảng biển và sân bay, khả năng kết nối đường bộ cũng như nguồn nhân lực cần thiết để vận hành hệ thống này.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất đang cân nhắc đầu tư vào Việt Nam, cơ sở hạ tầng logistics hiệu quả là ưu tiên hàng đầu.
Thưa ông, sự khác biệt giữa mô hình “siêu cảng” (SuperPort) và các mô hình vận chuyển đa phương thức khác đã phát triển trên thế giới là gì? Mô hình này sẽ giải quyết những hạn chế nào của mô hình logistics truyền thống để tạo nên một hệ sinh thái logistics hiện đại và kết nối chặt chẽ?
Mô hình “siêu cảng” là một khái niệm hoàn toàn mới, và chúng tôi đã chọn Vĩnh Phúc là nơi xây dựng dự án Việt Nam SuperPort™. Cách Hải Phòng chỉ hơn 100 km, gần sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội và không cách quá xa biên giới, Vĩnh Phúc sở hữu vị trí chiến lược, kết nối hơn 30 khu công nghiệp dọc theo hành lang kinh tế phía Bắc, cùng nhiều khu công nghiệp khác đang trong giai đoạn phát triển.
Đặc biệt, chúng tôi cũng sẽ tận dụng kinh nghiệm quản lý chuỗi cung ứng phức hợp cho các tập đoàn đa quốc gia trong hơn 70 năm qua để triển khai dự án này. Chúng tôi có chuyên môn về logistics sản xuất và đã phát triển các chương trình như: quản lý nhà sản xuất, nhà cung cấp, hàng tồn kho… để hỗ trợ ngay cả những quy trình vận hành phức tạp nhất. Việc này đòi hỏi không chỉ chuyên môn về logistics mà còn các giải pháp đột phá đã được chúng tôi hoàn thiện qua nhiều thập kỷ.
Ông kỳ vọng gì về tiềm năng và sự phát triển của Việt Nam SuperPort trong tương lai?
Để hiện thực hóa tầm nhìn này đòi hỏi sự tổng hòa của nhiều yếu tố, đặc biệt là sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải phóng mặt bằng và đơn giản hóa các thủ tục pháp lý. Trong đó, giải phóng mặt bằng là điều kiện cần để xây dựng một hạ tầng logistics thông minh.
Chúng tôi có kế hoạch xây dựng các nhà kho thông minh, hệ thống tự động hóa cùng một trung tâm đa phương thức tích hợp với các tiện ích gia tăng. Không giống với mô hình cảng cạn truyền thống thiếu các công nghệ, tính năng hiện đại; “siêu cảng” sẽ hỗ trợ các quy trình phức tạp như hoàn thiện sản phẩm trước khi đưa ra thị trường hay là các hoạt động logistics đảo ngược và các dịch vụ sau bán hàng.
Về tiềm năng của dự án trong tương lai, chúng tôi xem đây là minh chứng rõ nét cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Với đà tăng trưởng tích cực cùng các động thái tiềm năng trên toàn cầu và những chuyển biến thuận lợi từ chính sách thương mại của Hoa Kỳ; dự án này có thể đưa ngành logistics của Việt Nam lên một tầm cao mới.
Được biết, ông là người chuyển đổi thành công Tập đoàn YCH từ một công ty logistics trở thành nhà cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng lớn nhất tại Singapore, và hiện diện tại hơn 100 thành phố tại Châu Á. Xin ông chia sẻ thêm về bí quyết cũng như giá trị cốt lõi tạo nên bước ngoặt trong lịch sử phát triển Tập đoàn?
Đây là một hành trình thực sự gian nan. Tôi luôn nhắc nhở những người mới rằng việc gia nhập công ty hay thậm chí là ngành này phải chấp nhận tư duy “trải qua đắng cay mới có được quả ngọt”. Họ phải sẵn sàng tiếp thu kiến thức, nỗ lực hết mình và không ngừng học hỏi, bởi chính những nỗ lực này sẽ mở ra tiềm năng vô hạn trong con người họ.
Khi tôi gia nhập Tập đoàn YCH với vai trò là thế hệ thứ hai, tôi đã chuyển đổi công ty từ một doanh nghiệp vận tải hàng hóa trở thành một nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng ở tầm cao hơn trong chuỗi giá trị. Công nghệ thông tin (IT) đã trở thành “công nghệ lõi” trong mọi hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi tự mình xây dựng toàn bộ năng lực công nghệ thông tin để phục vụ cho hoạt động vận hành mà không phụ thuộc vào bên thứ ba. Điều này cho phép kết nối linh hoạt với bất kỳ đối tác nào và ở bất kỳ đâu.
Nếu không có công nghệ thông tin, những thành quả mà chúng tôi đạt được ngày hôm nay sẽ không thể trở thành sự thật. Dự án “siêu cảng” là ví dụ điển hình, đòi hỏi một hệ thống công nghệ thông tin mạnh mẽ. Hiện tại, chúng tôi đang phát triển một trung tâm điều hành để giám sát toàn bộ luồng hàng hóa ra vào tại “siêu cảng”, đồng thời kết nối với các cảng và trung tâm vận tải khác trên toàn thế giới.
Ngoài ra, đào tạo nguồn nhân lực cũng là một yếu tố cốt lõi của Tập đoàn YCH. Chúng tôi đầu tư mạnh vào đào tạo vả phát triển nguồn nhân sự, bao gồm triển khai các khóa đào tạo chuyên sâu tại tập đoàn, tặng học bổng cho các trường đại học trong nước và quốc tế.
Những nỗ lực này nhằm ươm mầm và phát triển đội ngũ lãnh đạo trong tương lai, sẵn sàng hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của chúng tôi trong 5 đến 10 năm tới.