Tuyển sinh đại học năm 2022: Nhiều trường trên 30 điểm mới trúng tuyển
Học viện Ngoại giao, Đại học Ngoại thương hay Đại học Văn hóa vừa thông báo có ngành lấy điểm chuẩn học bạ hơn 30 trên thang điểm 30. Trong đó điểm chuẩn học bạ hầu hết các ngành của Học viện Ngoại giao đều từ 30 trở lên…
Đến nay nhiều trường đại học đã thông báo điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét học bạ, với điểm tăng cao ngoài dự đoán của thí sinh.
CÓ NGÀNH LẤY HƠN 30 ĐIỂM
Trường đại học Luật Hà Nội công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ từ 21-29,52 điểm, bao gồm cả điểm khuyến khích theo quy định riêng của trường.
Còn Học viện Ngoại giao, Đại học Ngoại thương hay Đại học Văn hóa vừa cho biết có nhiều ngành lấy điểm chuẩn học bạ từ 30 trở lên, tăng mạnh so với các năm trước. Đặc biệt, điểm chuẩn học bạ hầu hết các ngành của Học viện Ngoại giao đều hơn 30 điểm. Chẳng hạn ngành truyền thông quốc tế với tổ hợp C00: Văn, Sử, Địa lấy tới 32,18, còn lại phổ biến 30-31 điểm. Mức này là tổng điểm trung bình 3 môn trong 3 học kỳ theo tổ hợp (tối đa 30) và điểm ưu tiên.
Ngoài ra Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng xét học bạ thí sinh trường chuyên với mức điểm chuẩn 28,5 gồm công nghệ thông tin (đại trà), logistic và quản lý chuỗi cung ứng (đại trà). Xét học bạ với thí sinh trường top 200, công nghệ thông tin, logistic và quản lý chuỗi cung ứng (đại trà) ở mức 28,75. Xét học bạ với thí sinh các trường còn lại, một số ngành đại trà điểm chuẩn ở mức 29,75 như: kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, logistic và quản lý chuỗi cung ứng…
Gần đây nhất, thí sinh xét học bạ THPT vào Học viện Ngân hàng đã được báo phải đạt từ 26 đến 28,25 điểm tùy ngành và đồng thời phải thỏa mãn điều kiện học lực năm lớp 12 đạt loại giỏi.
Theo các chuyên gia, đây là năm có điểm trúng tuyển bằng phương thức xét điểm học bạ THPT, của nhiều ngành ở nhiều trường đại học cao vượt ngưỡng 30. Những năm trước từng xảy ra hiện tượng vượt thang điểm 30/30 nhưng là với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2022 có rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, nhưng nhìn chung các trường đại học đều xét tuyển với 2 mục đích chính: tuyển được người học có chất lượng đầu vào tốt và tuyển đủ chỉ tiêu năm học của trường.
Mỗi trường sẽ quyết định chọn 1 trong 2 yếu tố để đặt lên cao hơn khi thực hiện kế hoạch tuyển sinh. Nếu đặt chất lượng tuyển sinh lên hàng đầu, nhà trường sẽ chọn phương thức xét tuyển có độ tin cậy cao. Đến thời điểm này, kết quả các kỳ thi được tổ chức quy mô lớn như: kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường đại học Bách khoa Hà Nội… đang được xem là có độ tin cậy nhất. Ngược lại, trường đặt nặng việc tuyển cho đủ chỉ tiêu tuyển sinh sẽ chọn lựa phương thức tuyển sinh dễ dàng hơn.
XÉT HỌC BẠ KẾT HỢP CẢ ĐIỀU KIỆN KHÁC
Liên quan đến điểm trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho rằng, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện lọc ảo chung trên một hệ thống, tất cả thí sinh dù trúng tuyển bằng phương thức nào cũng đều đăng ký trên hệ thống nên các trường không gọi vượt chỉ tiêu như các năm trước, dẫn đến điểm chuẩn tăng lên.
Ngoài ra một nguyên nhân khác khiến điểm chuẩn học bạ tăng là do điểm học bạ của thí sinh tăng mạnh. Không ít trường hợp điểm trung bình lớp 10 chỉ 6,0 nhưng trung bình lớp 12 lại đạt gần 9,0. Điểm học bạ do các trường phổ thông xác nhận nên các trường đại học chỉ căn cứ vào đó xét tuyển, kết hợp thêm các điều kiện khác nên mới dẫn đến tình trạng 29, 30 điểm học bạ mới đỗ đại học.
Ông Phạm Thái Sơn thông tin thêm, hiện hàng loạt các trường đại học, trong đó có cả những trường top đầu đều đã công bố điểm trúng tuyển bằng phương thức xét điểm học bạ kết hợp với các điều kiện khác. Tùy từng trường, từng ngành học và hệ đại trà, chất lượng cao, liên kết… mà các trường quy định ngưỡng điểm chuẩn khác nhau.
Cũng có ý kiến, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, sử dụng phương án xét tuyển nào là quyền tự chủ tuyển sinh của mỗi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng giữa các thí sinh, trường đại học cũng cần có thêm các tiêu chí khác để xét tuyển, không chỉ căn cứ vào mỗi học bạ THPT. Chẳng hạn, có thể đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ như cách Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm nhưng ở cấp độ cụ thể từng thí sinh, nếu quá chênh lệch thì hủy kết quả xét tuyển học bạ. Điều này cũng giúp đảm bảo chất lượng đầu vào của nguồn tuyển - yếu tố quan trọng để giữ vững và nâng cao thương hiệu đào tạo của nhà trường.
Đưa ra nhận định riêng, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu vấn đề, việc điểm chuẩn tăng cao cũng phần nào thể hiện đánh giá ở bậc phổ thông đang làm giảm độ tin cậy của nguồn tuyển này đối với các trường đại học. Trong điều kiện nước ta hiện nay, việc quản lý chất lượng giáo dục đại học cũng đang còn vấn đề chứ chưa nói là quản lý chất lượng của hệ thống các trường phổ thông rất lớn, cồng kềnh. Nếu dựa vào kết quả của điểm học bạ rất dễ nảy sinh tình trạng xin điểm rồi tiêu cực hơn nữa là mua điểm.
“Thực tế điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ tăng cao bất thường như năm nay thì ngoài phải xem lại cách kiểm tra, đánh giá ở bậc phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần tiến tới có một hình thức như trung tâm khảo thí độc lập, để thí sinh được đánh giá trên một chuẩn chung ở phạm vi toàn quốc”, ông Lê Viết Khuyến nói.