18:08 06/03/2023

Vào danh sách khất nợ trái phiếu, Apec Land nói do không liên hệ được với nhà đầu tư để thanh toán

Kiều Linh

Bị HNX nêu tên vì khất nợ trái phiếu, Apec Land Huế - một công ty con thuộc họ nhà Apec Group vừa lên tiếng nói do nhà đầu tư ở nước ngoài nên chưa liên hệ được...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Như VnEconomy đưa tin, trong giai đoạn từ 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023, theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có 54 doanh nghiệp công bố thông tin với nội dung chậm trả gốc, lãi trái phiếu, trong đó có cả Apec Land thuộc hệ sinh thái của Apec Group.

Liên quan đến việc ngày, ngày 6/3, Apec Land đã lên tiếng khẳng định việc chậm trả lãi và gốc nguyên nhân xuất phát từ phía nhà đầu tư.

Cụ thể, theo Apec Land, ngày 21/2/2022, công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi cho hầu hết nhà đầu tư, tỷ lệ 138/139 nhà đầu tư. Tuy nhiên, chỉ có một nhà đầu tư đang ở nước ngoài nên đến ngày 27/2/2023, công ty vẫn chưa thể thanh toán gốc 300 triệu đồng và lãi 68,4 triệu đồng.

"Việc trả chậm này lý do khách quan đến từ phía nhà đầu tư đang ở nước ngoài, không phải lý do chủ quan từ công ty, công ty vẫn đang kết nối với nhà đầu tư để thỏa thuận phương án hoàn trả nhanh nhất", Apec Land khẳng định.

Hai lô trái phiếu của Apec Land là HBond-2019.01.05 và Hbond-2019.02.05 kỳ hạn 24 tháng ngày phát hành lần lượt là 20/12/2019; 15/01/2019 và ngày đáo hạn lần lượt là 19/12/2021 và ngày 14/1/2022. Như vậy, nếu so với ngày đáo hạn 14/1/2022 thì Apec Land vẫn chậm trả một tháng (ngày 21/2/2022).

Vào danh sách khất nợ trái phiếu, Apec Land nói do không liên hệ được với nhà đầu tư để thanh toán - Ảnh 1

Apec Land Huế là doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực kinh doanh bất động sản do Công ty CP Châu Á - Thái Bình Dương (API - một doanh nghiệp thuộc Apec Group) nắm giữ 99,9% vốn.

Báo cáo tài chính ghi nhận bức tranh tài chính - kinh doanh ngày càng sa sút của Công ty mẹ Apec Investment. Nợ phải trả của API giảm mạnh từ 2.005 tỷ đồng đầu năm 2022 xuống còn 1.550 tỷ đồng tuy nhiên, phần giảm chủ yếu đến từ hạng mục người mua tiền trả trước ngắn hạn giảm từ 620 tỷ đồng xuống còn 242 tỷ đồng, tức là hoạt động kinh doanh của API đang gặp khó khăn, ế người mua.

Theo đó, dự án Apec Aqua Park Bắc Giang chỉ ghi nhận 7 tỷ đồng giảm mạnh 4 lần so với con số đầu năm; Dự án Phú Yên Condotel còn 203 tỷ đồng so với con số 505 tỷ đồng đầu năm; dự án Royal Park Huế chỉ còn 23 tỷ đồng so với con số 67 tỷ đồng đầu năm.

Trong khi đó, các khoản vay nợ tài chính dài hạn lại tăng mạnh từ 9,5 tỷ đồng lên tới 232 tỷ đồng. Toàn bộ khoản vay này là vay dài hạn cá nhân không được thuyết minh chi tiết.

Nợ phải trả của Apec Investment gần gấp đôi vốn chủ sở hữu. Tiền mặt giảm từ 65 tỷ đồng còn 64 tỷ đồng.

Doanh thu bán hàng quý 4/2022 chỉ còn 69 tỷ đồng trong khi quý 4/2021 là 543 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến cho Apec lỗ 8 tỷ đồng. Nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh lên 95 tỷ đồng mà sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, Apec vẫn có được lãi 55 tỷ đồng. Tuy vậy, con số này giảm mạnh so với 129 tỷ đồng của quý 4/2021.

Tăng các khoản phải thu và tiền lãi vay khiến API âm dòng tiền kinh doanh lên tới 26,7 tỷ đồng. Đáng lưu ý, API còn đầu tư mua cổ phiếu của công ty liên quan là Công ty CP Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương với giá gốc 3.92 tỷ đồng nhưng thời điểm hiện tại thua lỗ mất 2,3 tỷ đồng và đang phải dự phòng cho khoản đầu tư này. API cũng thua lỗ nặng khi đầu tư cổ phiếu VPB với khoản lỗ lên tới 1,1 tỷ đồng.

Với khoản đầu tư vào công ty liên kết là Công ty CP Dream Workd Việt Nam với 10 tỷ đồng chiếm 25,08% vốn điều lệ, hiện tại API đang bị lỗ 3,2 tỷ đồng và khoản đầu tư hiện chỉ còn 6,7 tỷ đồng.

Trước đó, vào năm 2021, Apec Group từng bị Bộ Tài chính xử phạt do vi phạm hành chính trong việc huy động trái phiếu. Theo Bộ Tài chính, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành không có tài sản đảm bảo của một số doanh nghiệp, tổ chức phát hành có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế.

Về Apec Group, đây là tập đoàn đa ngành với tổng tài sản gần 10.000 tỷ đồng, sở hữu 3 công ty con được niêm yết sàn chứng khoán gồm Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ, CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS), Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (API).

Tập đoàn này đang là chủ đầu tư và phát triển hàng loạt dự án tại nhiều tỉnh thành như Phú Yên, Ninh Thuận, Huế, Bắc Ninh, Bắc Giang,... Hàng loạt dự án do Apec Group triển khai như Apec Golden Valley Mường Lò, Apec Diamond Park Lạng Sơn, Apec Royal Park Huế…

Hệ sinh thái của Apec Group đã huy động thành công trái phiếu lên tới hàng nghìn tỷ đồng trong giai đoạn vừa qua với mức lãi suất cao chóng mặt, có lô trái phiếu lên tới 18%...