Việt Nam cần có luật cho ngành bán dẫn - Ảnh 1
Việt Nam cần có luật cho ngành bán dẫn - Ảnh 2

Thưa ông, trong vai trò là Chủ tịch VINASA và là CEO của một tập đoàn công nghệ thuộc top lớn nhất Việt Nam đang “dấn thân” vào con đường bán dẫn, theo quan sát và kinh nghiệm của ông, để phát triển thị trường bán dẫn thì Việt Nam trước hết cần phải làm gì?

Để nói về con đường chúng ta đang đi thì đầu tiên phải nói tới cơ sở pháp lý, bởi đây là hành lang để thực hiện tất cả mọi thứ. Cơ sở pháp lý bao gồm các ưu đãi, chính sách thu hút đầu tư, nghiên cứu, phát triển và cả tài nguyên thiên nhiên, đất đai, năng lượng. Chính sách chính là cái gốc. Hiện nay các chính sách gốc này  đang bắt đầu được ban hành. Ví dụ, Quốc hội mới đây đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) trong đó có nói đến việc chuyển đổi số và thúc đẩy các ngành công nghiệp mới như chất bán dẫn.

Hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh trong lĩnh vực bán dẫn. Chiến lược này phải được thông qua thì mới có thể quy hoạch, đưa ra kế hoạch cùng những tiêu chuẩn và thể chế hóa các nội dung. Với vai trò của VINASA, chúng tôi rất cần một bộ luật mang tính thúc đẩy và phát triển, bộ luật riêng để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Khi có bộ luật này, các bộ, ban, ngành sẽ có căn cứ để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, tình hình chính trị ổn định, nên Việt Nam sẽ là một điểm đến đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên thế giới.

Việt Nam cần có luật cho ngành bán dẫn - Ảnh 3

Vì sao ông lại đề xuất cần có một bộ luật riêng để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, thưa ông?

Khi trò chuyện với các đối tác của VINASA, chúng tôi thấy họ luôn hỏi về tính pháp lý và cho rằng quyết tâm của Chính phủ cần phải thể hiện bằng pháp lý. Các doanh nghiệp tham gia cần được bảo vệ bằng các hành lang pháp lý rõ ràng. Các quy định này không chỉ dành cho doanh nghiệp trong nước, những doanh nghiệp thuộc VINASA, mà cả cho doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh pháp lý và thể chế, thì cần phải có quyết tâm của các địa phương. Hiện nay nhiều địa phương đã có các nhà máy, tập đoàn sản xuất lớn nhưng thặng dư của chúng ta không có, nghĩa là họ mang bao nhiêu trình độ, kinh nghiệm vào đây, họ lấy đi hết bấy nhiêu. Đáng lẽ ra trong quy định thể chế phải chỉ ra những gì địa phương mình có thể giữ lại và buộc họ chuyển giao công nghệ cho mình, để sau đó mình có thể làm chủ công nghệ và các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị trong lĩnh vực bán dẫn.

Tại triển lãm Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn Thành phố Hà Nội 2024,  chúng ta có thể thấy để làm ra một sản phẩm bán dẫn cần hội tụ nhiều yếu tố, có xử lý môi trường, xử lý nước, xử lý nhiệt,... nghĩa là phải là có một chuỗi công việc đi cùng với nhau.

Để xây dựng các chính sách và phương án thu hút đầu tư, một lần nữa tôi nhắc lại là phải dựa vào luật. Đó là yếu tố rất quan trọng mà VINASA đang cùng làm với các đơn vị và đặc biệt là với Hà Nội. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị như Hội nghị Diên Hồng ở Đà Nẵng. Tại đây, chúng tôi sẽ mời tất cả các Việt kiều trí thức ở nước ngoài, những người đã và đang làm ở lĩnh vực này tham gia.

Lĩnh vực bán dẫn rất rộng, nếu bài bản hơn chúng tôi có thể sẽ đi thuê một tổ chức tầm cỡ thế giới, bởi họ có hiểu biết và có thể tư vấn cho chúng ta con đường để bắt kịp được khung thời gian vàng như hiện nay. Nếu chúng ta chỉ cần chậm một vài năm thôi thì mọi thứ có thể sẽ trôi qua. Hiện nay Chính phủ cũng đã rất quyết tâm. 

Việt Nam cần có luật cho ngành bán dẫn - Ảnh 4

Để ra được một bộ luật thì có thể sẽ phải cần tới 2-3 năm. Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện dự thảo về chiến lược phát triển ngành bán dẫn. Theo ông, Việt Nam sẽ cần ưu tiên chú trọng vào những nội dung gì để hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển của các doanh nghiệp?

Thứ nhất, phải xem nội tại chúng ta đang có gì vì sức bật nội tại mới là điều quan trọng và mang tính bền vững.  Theo tôi, chúng ta đang có nguồn nhân lực trẻ, nguồn thông tin tốt và hiện nay chúng ta phải chuyển sang học về lĩnh vực bán dẫn.

Thứ hai, về đất hiếm. Trong luật khoáng sản đã có những nội dung nhất định nhưng để quy định rõ ràng rằng dùng đất hiếm như thế nào, cũng phải xem lại các luật khác có liên quan.

Với những doanh nghiệp như FPT, chúng tôi hiện nay đang tập trung tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các đối tác để có thêm kinh nghiệm. Mình làm chủ được phần nào thì sẽ có vị thế tốt để đàm phán với đối tác ở phần đó.

Để tham gia sâu vào lĩnh vực bán dẫn, thế mạnh của Việt Nam là nguồn nhân lực và kỹ năng làm phần mềm. Trong một con chip gồm rất nhiều dòng lệnh; đặc biệt, trong tương lai các con chip, từ chip tủ lạnh đến chip máy giặt, đều sẽ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Chúng ta đưa AI vào trong con chip và coi đó là patent (bằng sáng chế) của Việt Nam.

Đã có rất nhiều người hỏi tôi rằng trong chiến lược của FPT có sản xuất chip hay không? Chúng tôi nói không. Chúng tôi tập trung vào lĩnh vực phần mềm, về thiết kế, trí tuệ nhân tạo, về kiểm thử… Khi có thế mạnh đầy đủ lớn, đủ hấp dẫn thì các tập đoàn nước ngoài sẽ tự đến Việt Nam đầu tư, xây dựng và chúng ta có thể cùng phát triển với họ. Quá trình phát triển chung này sẽ gồm có năng lực công nghệ, phát minh sáng chế của chúng ta với đối tác. Khi đối tác nước ngoài vào, họ cũng sẽ cần chuyển giao dần công nghệ cho Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam cũng phải chọn một hướng phát triển. Ở trong chip có rất nhiều phân đoạn, phân khúc. Việt Nam không nhất thiết phải nhắm vào những con chip trên điện thoại Apple hay Samsung, mà có thể hướng vào những con chip trên 28nm khi mà nhu cầu trên thế giới về loại chip này đang rất lớn. Tương lai thì những cái áo chúng ta mặc, ô tô, xe đạp, tivi, tủ lạnh sẽ đều có chip từ 28 nm trở lên. Những con chip này sẽ ở khắp mọi nơi với số lượng rất nhiều. Đặc biệt là với các nước đang sở hữu bằng sáng chế, họ sẵn sàng chia sẻ. Bởi vì xét về mặt kinh tế, các khoản thu về từ các loại chip đó sẽ không còn nhiều, như vậy, họ mới cho mình tham gia cùng; còn nếu cứ “chạy” vào những chỗ tinh túy, đỉnh cao và đang hot thì sẽ rất khó.

Việt Nam cần có luật cho ngành bán dẫn - Ảnh 5

Ông đánh giá như thế nào về chuyện đưa nhà máy sản xuất chip về Việt Nam?

Thật ra, việc đưa nhà máy sản xuất chip về Việt Nam là một nội dung và định hướng chiến lược, bởi khi đó Việt Nam có thể sẽ phải làm chủ phương thức và các khâu sản xuất.  Tuy nhiên, Việt Nam phải có thị trường. Để làm ra các con chip đã khó, nhưng để bán nó cũng không dễ. Chúng ta sẽ phải cạnh tranh với Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, đó là những quốc gia, vùng lãnh thổ đã sản xuất bán dẫn rất nhiều. Nhiều người nói rằng cứ sản xuất đi, nhưng khi làm kinh doanh, chúng tôi biết để bán được các con chip đó cũng rất khó.

Chúng tôi sẽ tập trung vào làm những con chip được nhúng, chip nguồn, đó sẽ là một phần ở trên bộ bo mạch tổng thể. Còn với những con chip đa nhân, đơn nhân phức tạp, đó sẽ là cả một quãng đường dài nữa mà Việt Nam phải cố gắng trải qua.

Vậy, làm thế nào để FPT có thể bán được hàng, thưa ông?

Bán hàng là khó nhất. Hiện nay thế giới đang nhìn vào Việt Nam với sự tin cậy rất cao. Tôi cho rằng sự tin cậy đó đến từ hệ thống chính trị ổn định, từ một quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng nhanh về những công nghệ thông tin. Đặc biệt, Việt Nam cũng là một đối tác có nền văn hóa  không bỏ rơi khách hàng. Với uy tín như vậy, việc bán hàng sẽ thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, tôi cũng xin nhắc lại một lần nữa là đi bán hàng trong mảng chip cực kỳ khó khăn và cạnh tranh rất khốc liệt, bởi mỗi con chip có giá chỉ chưa đến 1 USD, thậm chí mấy chục UScent thôi, đơn vị bán hàng sẽ phải cạnh tranh nhiều với những tên tuổi lâu năm trên thị trường.

Việt Nam cần có luật cho ngành bán dẫn - Ảnh 6

Hình dung của ông về tương lai của ngành công nghiệp chip ở Việt Nam trong 2-3 năm tới? Bức tranh của FPT trong lĩnh vực chip trong 2-3 năm tới sẽ ra sao?

Hình dung về bức tranh tương lai này rất khó vì mọi thứ đang thay đổi quá nhanh. Thực ra tôi chỉ cần nhìn vào thể chế thôi. Thể chế và pháp lý tốt thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ đi rất nhanh.

FPT có “AI - Bán - Xe - Số - Xanh”, nghĩa là Trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số và tài chính xanh. Như vậy, trí tuệ nhân tạo và bán dẫn nằm trong chiến lược phát triển của FPT. Chúng tôi tin tưởng, trong 3 năm tới, việc tham gia vào thị trường bán dẫn sẽ giúp tốc độ tăng trưởng doanh thu mới và sản phẩm mới của FPT khoảng 10%.

FPT có những lợi thế nhất định vì là doanh nghiệp lớn về công nghệ. Vậy, với những doanh nghiệp nhỏ và  vừa, cơ hội tham gia vào lĩnh vực bán dẫn sẽ ra sao, thưa ông?

Trên thế giới, trong lĩnh vực thiết kế chip, có những đội nhóm chỉ có 3-4 thành viên. Họ thiết kế ra con chip của riêng họ và phục vụ riêng một mục tiêu cụ thể. Ví dụ, có nhóm của Việt Nam đang làm cho Isarel con chip để tưới cây với nhiệm vụ duy nhất là giúp điều tiết lượng nước đi ra khỏi vòi phun theo câu lệnh mà đơn vị IoT làm quyết định.

Sau này thiết kế chip dễ hơn nữa khi dùng low-code, sẽ có những doanh nghiệp chỉ 5-7 người vẫn tồn tại được. Họ “sống” trong cái ngách thị trường riêng, hoặc họ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của thị trường. Cũng có những dự án FPT sẽ mời các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa tham gia cùng.

Việt Nam cần có luật cho ngành bán dẫn - Ảnh 7

VnEconomy 07/08/2024 14:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 32-2024 phát hành ngày 05/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Việt Nam cần có luật cho ngành bán dẫn - Ảnh 8