“Chúng tôi đánh giá có 3 “cơn gió ngược” với kinh tế Việt Nam. Một là, điều kiện về tài chính toàn cầu đang thắt chặt hơn. Hai là, xung đột Nga – Ukraine. Ba là, sự giảm tốc trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó kinh tế Việt Nam vẫn có sự tăng tốc nhất định. Thời gian tới, các thách thức từ kinh tế toàn cầu giảm sút, lãi suất tăng. Về triển vọng tăng trưởng thời gian tới của Việt Nam, nhờ sức tăng trưởng ấn tượng hết quý 3, chúng tôi nâng mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 7 – 7,5%, đây là một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Tuy nhiên, vì sức cầu của thị trường thế giới co hẹp, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ kéo dài nên chung tôi dự báo năm sau Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,8%, đây cũng vẫn là mức tăng trưởng nhanh so với nhiều quốc gia.
Trong nước, chúng tôi nhận thấy hai rủi ro với Việt Nam. Thứ nhất, lạm phát sẽ tiếp tục tăng dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt và thận trọng hơn. Thứ hai, tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại hiện nay. Vì vậy, điều hành chính sách phải xuyên suốt, linh hoạt và hài hòa để quản lý rủi ro, tối ưu hiệu quả chính sách giữa tăng trưởng và lạm phát, giảm thiểu ảnh hưởng của sự giảm tốc. Rõ ràng đây là yêu cầu lớn với chính sách tiền tệ tập trung vào bài toán lạm phát, có thể thắt chặt hơn nếu lạm phát tăng cao, giữ vững ổn định tài chính.
Từ năm 2020 chất lượng các ngân hàng đã cải thiện. Tăng trưởng lại đang chậm lại. Trái phiếu, bất động sản cần sớm ổn định, tăng tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Chính sách tài khóa cần linh hoạt hơn, cần ưu tiên hơn nữa kết hợp với chính sách tiền tệ.
Để đạt được mục tiêu trung hạn đến năm 2035 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao và năm 2045 thành nước thu nhập cao, Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ và quyết đoán hơn để nâng cao năng suất, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh cũng như nâng cao tay nghề và kỹ năng của người lao động”.
“Nếu được yêu cầu định nghĩa hoạt động kinh doanh ngân hàng bằng một từ, thì tôi nghĩ đó là chữ tín. Chữ tín hay niềm tin là vốn và tài sản quý giá nhất của bất kỳ ngân hàng nào.
Để nâng cao sự tin cậy giữa các thành viên thị trường, tính minh bạch là quan trọng nhất. Minh bạch có nghĩa là chia sẻ thông tin với thị trường. Minh bạch cũng có nghĩa là bảo vệ khách hàng.
Thị trường biến động không phải bởi thông tin tốt hay xấu được công bố mà chính việc thiếu thông tin hoặc thông tin sai lệch khiến lòng tin vào thị trường bị suy yếu.
Để tăng cường tính minh bạch và giúp ngành ngân hàng sẵn sàng đối phó với các thách thức và nguy cơ, chúng ta nên tăng cường hơn nữa kỷ luật thị trường. Từng ngân hàng trong hệ thống cần được trang bị hệ thống giúp đảm bảo tuân thủ kỷ luật để khách hàng được cung cấp đầy đủ thông tin đầy đủ nhất và đưa ra lựa chọn đúng đắn.
Chi phí xã hội khi một hệ thống ngân hàng có vấn đề là rất lớn. Do đó, chúng ta cần phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường tính minh bạch, kỷ luật thị trường và xây dựng lòng tin”.
“Việt Nam hiện đang duy trì sự cân bằng về cán cân thương mại, tiếp tục xuất siêu trong thời gian vừa qua nhờ tăng trưởng xuất khẩu cả về số lượng và giá trị hàng hoá. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam dồi dào nên có đủ dư địa để hỗ trợ tỷ giá. Thời gian tới, áp lực đối với đồng tiền Việt Nam có thể tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến khi lạm phát hạ nhiệt.
Về cơ bản, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành để giữ mặt bằng giá cả trong nước, không hình thành giá mới, cùng với đó nguồn cung hàng hoá dồi dào, tránh sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi các quốc gia đang phát triển và mới nổi ở Châu Á đang phải trải qua cú sốc này rất lớn. Ưu tiên với Việt Nam lúc này là làm sao giữ được mặt bằng lãi suất, thị trường vốn ổn định, hỗ trợ, tạo thặng dư trong sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dung nội địa…”.
“Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ năm trước tăng là 4,37% và con số 4,37% này nó cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nếu so với các nước trên thế giới thì mức lạm phát của Việt Nam vẫn là thuộc nhóm nước có mức lạm phát thấp.
Có được những con số tăng trưởng ấn tượng đó, trước hết phải kể đến sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các chính sách kích thích phục hồi và phát triển kinh tế và sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022”.
“Thị trường bất động sản nước ta hiện nay đang rất khó khăn, nếu không có các biện pháp có hiệu lực, kịp thời, hiệu quả, thị trường có thể bị trượt vào khủng hoảng, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chúng tôi rất vui mừng vì ngày 16/6/2022 Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về quản lý sử dụng đất, để định hướng và phát triển thị trường bất động sản, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản, để tháo gỡ vướng mắc về pháp luật. Nghị quyết số 18 đã đặt ra mục tiêu cụ thể là đến 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ thống nhất. Chúng tôi rất phấn khởi vì đây là lần đầu tiên Nghị quyết BCHTW đã nói trực tiếp quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản mà hiện nay lộ trình xây dựng luật và pháp lệnh trong các năm 2022- 2023, trong đó đặt ra sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, dồng thời ban hành sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản để các luật này sẽ cùng có hiệu lực vào ngày 1/7/2023. Chúng tôi đề nghị Chính phủ và Quốc hội sửa đổi tiếp một số luật như Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Đầu tư, Chứng khoán để đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Nghị quyết 18.
Trong lúc chờ các luật mới được ban hành và có hiệu lực thì Chính phủ nên sửa đổi, bổ sung một số nghị định theo hình thức một nghị định sửa nhiều nghị định. Chúng tôi rất mừng vì Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về sửa đổi một số điều của các nghị định có liên quan đến đất đai; Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của các nghị định liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng. Nếu hai nghị định này được xây dựng chất lượng thì chúng tôi tin rằng sẽ tháo gỡ được ngay những quy định dưới luật chưa hợp lý và xung đột hiện nay để giải quyết những vướng mắc của thực tiễn. Bên cạnh đó chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp phải nỗ lực để tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu lại đầu tư, giải quyết sản phẩm của mình đáp ứng nhu cầu của thị trường mà thị trường đang rất cần loại nhà ở vừa túi tiền, có mức giá khoảng 35 triệu đồng/m2 trở xuống. Để giải quyết vấn đề này các chủ đầu tư cần chấp nhận hoãn một số dự án chưa cần thiết để tập trung nguồn thu cho doanh nghiệp. Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp về bất động sản, rất mừng khi Thủ tướng Chính phủ đã thành lập các tổ công tác của Chính phủ để rà soát lại các quy định pháp luật, tiếp cận với doanh nghiệp bất động sản để từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với cách giải quyết như thế chúng tôi thấy rất kịp thời, nỗ lực của các tổ công tác tăng được niềm tin của thị trường.
Đặc biệt mới đây Chính phủ đã thống nhất với Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng lên từ 1,5 -2%, tức là trần tăng trưởng tín dụng năm 2022 sẽ lên khoảng 15,5-16%. So với mức chỉ tiêu ban đầu là 14% sẽ bổ sung thêm một nguồn vốn khoảng 250 ngàn tỷ đồng vào nền kinh tế trong những ngày cuối năm 2022. Đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ và chúng tôi kỳ vọng nguồn vốn còn lại của trần tín dụng 14% cộng với nguồn vốn mới được nới room tín dụng sẽ nhanh chóng được Ngân hàng Nhà nước đưa vào nền kinh tế. Việc cung cấp một nguồn vốn rất quan trọng tài thời điểm then chốt sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và giúp cho người mua nhà có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng theo lãi suất của các ngân hàng thương mại.
Chúng tôi cũng đề nghị các nhà đầu tư thứ cấp trong lúc này nếu đã có kế hoạch mua sản phẩm bất động sản để kinh doanh thì tiếp tục tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để hoàn thành hợp đồng mua nhà ở và sớm đưa các công trình đó vào kinh doanh”.
VnEconomy 17/12/2022 10:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 51 phát hành ngày 19-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam