Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng trong ngành công nghiệp bán dẫn ở Đông Nam Á - Ảnh 1
Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng trong ngành công nghiệp bán dẫn ở Đông Nam Á - Ảnh 2

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng của ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam trong những năm gần đây?

Về câu chuyện bán dẫn thì thực sự từ những năm 1981, Việt Nam đã có nhà máy Z181 làm bán dẫn như diode, transistor... Tức là từ thời khi còn chưa có Windows hay Internet, những nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhìn thấy tầm quan trọng của công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khác nhau bao gồm nhận thức của chúng ta còn chưa tới, hay cả những vấn đề lịch sử để lại, chúng ta bị tụt lại phía sau.  Nếu nhìn qua, có vẻ Việt Nam chưa có gì, nhưng thực tế triển lãm tại Ngày hội Kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội 2024 với hơn 60 gian hàng tham gia, hay như mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, Hiệp hội Kỹ sư bán dẫn trên mạng đã có 26.000 thành viên, thì có thể thấy xuất phát điểm của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn không phải hoàn toàn từ con số 0. Vì vậy, có lẽ việc đầu tiên chúng ta phải có là công tác thống kê, kiểm đếm lại để xem thực sự lực lượng của Việt Nam hiện nay đã có đến đâu. Tôi cho rằng tình trạng này là không đến nỗi.

Theo ông, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì vị trí của Việt Nam  đang ở đâu trong “bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu”?

Tất cả các nước Đông Nam Á hiện nay đều rất quan tâm đến chất bán dẫn. Malaysia tiến bộ rất nhanh, Indonesia thì còn đi trước mình, Việt Nam từ những năm 1970 họ đã bắt đầu có những nhà máy bán dẫn đầu tiên. Đó là những nước mà có vẻ như vượt lên trước chúng ta khá lâu rồi.

Tuy nhiên, Việt Nam dù đi sau nhưng cũng có một số điểm cộng như nguồn nhân lực, quy mô dân số lớn, thị trường 100 triệu dân... Nguồn nhân lực của chúng ta đông hơn và trẻ hơn, người Việt có vẻ thích học các môn STEM, toán, lý, hóa tương đối nhiều hơn so với các quốc gia Đông Nam Á khác. Tôi cho rằng về tiềm năng lâu dài, Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng ở Đông Nam Á.

Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng trong ngành công nghiệp bán dẫn ở Đông Nam Á - Ảnh 3

Bên cạnh những thuận lợi như ông vừa liệt kê, đâu là những thách thức lớn nhất của Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, thưa ông?

Sản xuất chip bán dẫn có một số thách thức sau:

Thứ nhất, chip bán dẫn rất rẻ, trừ những chip phức tạp như Nvidia sản xuất hay chip AI lên tới mấy chục nghìn USD/chip, còn đa số những con chip mà chúng ta thấy trong tivi hay tủ lạnh… thì có giá chỉ mấy UScent/chip thôi, nên ngành công nghiệp này có thể phát triển được nếu có quy mô. Nghĩa là nếu có quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, hàng trăm triệu, hàng tỷ con chip một năm thì mới ra được lợi nhuận. Nếu không có lợi nhuận thì sẽ không có đầu tư.

Tại Việt Nam, nếu xét trong hệ sinh thái bán dẫn, ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp điện tử tự động hóa hay những ngành có liên quan, tức là các ngành mang tính chất là đầu ra của chip bán dẫn, thì lại chưa có nhiều. Chúng ta cũng có những nhà máy lắp ráp thiết bị điện tử, nhưng nếu so với các quốc gia khác, kể cả trong khu vực Đông Nam Á, thì Việt Nam còn đang yếu. Đó có lẽ là khó khăn, thách thức lớn nhất.

Thứ hai, trong một thời gian dài, chúng ta chưa chú ý đúng mức đào tạo nguồn nhân lực cho bán dẫn. Có một thời kỳ mọi người đổ xô đi học công nghệ thông tin, đi học phần mềm.  Ngay trong lĩnh vực công nghệ, khi tham gia sáng lập VINASA cùng với anh Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT – PV), ngày đó chính chúng tôi cũng họp bàn với nhau và quyết định rằng Việt Nam có lẽ chỉ có “cửa” làm phần mềm thôi, không có “cửa” cho phần cứng. Thực sự quyết định ấy đến nay cũng không biết là đúng hay sai. Ngành phần mềm Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc cho đến như ngày nay. Tuy nhiên, cái giá phải trả là chúng ta tập trung nhiều vào đó và thiếu sự phát triển cân đối.

Nếu nhìn nhận một cách tích cực thì phần cứng, phần mềm giống như hai chân. Mình bước một chân lên rồi thì giờ bắt đầu đến bước chân thứ hai. Cũng khó có thể nói, giá như mình bắt đầu tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn sớm hơn 10 năm thì giờ sẽ như thế nào. Hồi ấy không chỉ VINASA mà cả Bộ Thông tin và Truyền thông hay Bộ Khoa học và Công nghệ đều nhất trí rằng Việt Nam có lẽ chỉ có tương lai ở phát triển phần mềm thôi. Còn bây giờ khi làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với IoT, AI… đang diễn ra thì phần cứng hay phần mềm lại hòa vào với nhau.

Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng trong ngành công nghiệp bán dẫn ở Đông Nam Á - Ảnh 4

Như ông vừa so sánh, phát triển phần cứng, phần mềm giống như đi bằng “hai chân”, Việt Nam đã “bước một chân” lên rồi, vậy thì làm sao để “bước nốt chân còn lại”?

Chính vì thế đây là lý do tại sao VINASA lại tham gia vào tất cả các sự kiện về bán dẫn. Mặc dù là Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm nhưng chúng tôi cũng tham gia vào câu chuyện về bán dẫn và cả về chuyển đổi xanh nữa.

Về việc “bước nốt chân còn lại”, tôi có trao đổi với anh Trương Gia Bình và với mấy anh em cũ ngày xưa để đánh giá lại tình hình tiềm lực của mình. Hiện trạng công nghiệp bán dẫn hiện nay còn yếu so với mong muốn của đất nước, nhưng so với thời chúng tôi khởi nghiệp về phần mềm thì tình hình bây giờ khả quan hơn nhiều. Hồi ấy cả nước có bao nhiêu công ty công nghệ thông tin, tôi biết hết. Còn bây giờ khi diễn ra triển lãm Ngày hội Kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội 2024, có rất nhiều các đơn vị tham gia tôi không biết. Điều đó cho thấy chúng ta không phải bắt đầu từ con số 0 và ở bước chân thứ nhất mình đã tiến lên rồi. Bước thứ nhất đó dù không trực tiếp vào bán dẫn nhưng cũng mang tính chất hỗ trợ.

Nhiều quốc gia đã bắt đầu định hình về nền công nghiệp bán dẫn từ những năm 50, 60, 70 (thế kỷ 20) như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc từ nhiều năm trước. Bây giờ Việt Nam mới bắt nhịp vào thì liệu có muộn không, thưa ông?

Đương nhiên là muộn. Nếu từ những năm 50 hay cụ thể tính từ năm 1954 Việt Nam đã chú ý đến lĩnh vực bán dẫ thì có lẽ bây giờ thành cường quốc rồi. Nhưng vì sao hồi ấy chúng ta lại không làm bán dẫn? Cũng phải nhìn nhận thực tế là khi ấy Việt Nam còn là nước nông nghiệp lạc hậu. Năm 1954 khi giải phóng Thủ đô thì lo hũ tương quả cà, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành… đã là ước mơ lớn rồi.  Hiện tại tình hình đã thay đổi, tình hình mới đặt ra bài toán mới.

Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng trong ngành công nghiệp bán dẫn ở Đông Nam Á - Ảnh 5

Thực tế trong ngành công nghiệp bán dẫn có rất nhiều khâu, như sản xuất, thiết kế, đóng gói, kiểm thử… Ngành này cũng có nhiều rào cản rất lớn và không phải nước nào có tiền cũng có thể tham gia được. Theo ông, Việt Nam cần tiếp cận theo hướng nào để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cho phù hợp với các điều kiện và hoàn cảnh nội tại?

Tôi cho rằng phải quan tâm đến tất cả, cả vốn đầu tư đến hàng tỉ USD, hay như để đưa một cái xưởng đúc chip về thì điện phải thế này, nước phải thế kia. Bên cạnh đó là cơ chế chính sách... Tất cả đều khó nhưng đều có thể giải quyết được. Cái khó hơn là sản xuất ra thì bán cho ai?

Theo tôi và như tôi vẫn thường phát biểu trong tất cả các diễn đàn, Việt Nam nên làm giống như trong câu chuyện “Nàng Bạch Tuyết và bảy Chú Lùn” và “mỗi cái đĩa thì mình gắp một miếng”. Nghĩa là Việt Nam hãy là một phần của cả hệ sinh thái bán dẫn của thế giới. Thiết kế ta cũng tham gia, đóng gói, kiểm thử ta cũng làm. Thậm chí nếu không có nhà máy ở Việt Nam thì người Việt có thể sang Đài Loan (Trung Quốc) hay Nhật Bản, Hàn Quốc làm việc để tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn thế giới. Mình có thể trở thành một thành viên trong đội hình chung của thế giới và là một phần của hệ sinh thái ấy. Đến giờ này cũng không có một quốc gia nào, kể cả Hoa Kỳ hay Trung Quốc, có ngành công nghiệp bán dẫn hoàn chỉnh. Mỗi quốc gia đều thành công trong từng công đoạn, cấu phần khác nhau.

Theo đánh giá của ông, câu chuyện đưa nhà máy sản xuất chip về Việt Nam liệu có vượt quá khả năng của chúng ta không?

Trong bối cảnh địa chính trị hiện tại, với tình trạng dịch chuyển số cung ứng quốc tế, để thu hút được hai, ba chục tỷ USD xây nhà máy là câu chuyện không phải chỉ của thành phố Hà Nội, hay Thành phố Hồ Chí Minh, mà là của cả quốc gia.

Về cơ hội thu hút nhà máy sản xuất chip về Việt Nam thì tôi cho rằng có thể.

Trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, tôi cho rằng các lãnh đạo Việt Nam đã nắm rất vững vấn đề, nhưng để làm được những việc như vậy thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Quốc hội,… cần sự đồng thuận của toàn dân vì liên quan đến việc đầu tư nguồn lực rất lớn.

Bên cạnh đó, nếu đưa nhà máy về rồi mà không có nhân lực thì cũng không giải quyết được vấn đề. Do vậy, làm thế nào để có được nhận thức chung của cả xã hội, của báo chí, truyền thông là rất quan trọng. Mục đích chung của xã hội là làm sao để để thu hút sự chú ý của toàn dân, đặc biệt là lớp trẻ vào lĩnh vực chip và bán dẫn.

Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng trong ngành công nghiệp bán dẫn ở Đông Nam Á - Ảnh 6

Được biết Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo về chiến lược phát triển bán dẫn của Việt Nam. Theo ông, trong nội hàm chiến lược ấy, đâu là những nội dung hay vấn đề cốt lõi mà Việt Nam cần tập trung?

Trong dự thảo này, tôi cho rằng những người soạn thảo cũng đã nhận thức được câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực là then chốt. Có nhân lực thì sẽ có ngành bán dẫn. Không có nhân lực thì dù có nhà máy, công xưởng, có đủ thứ thì cũng chỉ là bên cho thuê đất thôi. Cho nên muốn có ngành công nghiệp bán dẫn thì phải có nhân lực và trong chiến lược dự thảo đã nói rất rõ.

Tuy nhiên, về phát triển công nghiệp bán dẫn, có hai luồng ý kiến rất quan trọng.

Một là, phải đi nhanh vào ngành, tức là phải có quy mô lớn. Điều này phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và liên quan trực tiếp đến chuyển dịch chuỗi cung ứng và như tôi nói, phải có nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

Hai là, kéo được đầu tư nước ngoài vào nhưng phải xây dựng được tiềm lực trong nước. Để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn, bài toán đặt ra phải là mất 15 - 20 năm. Nhiều quốc gia còn mất tới 30 năm. Nhưng mình đi sau học hỏi, tận dụng được các quan hệ kết nối thì có thể rút xuống. Tóm lại, để xây dựng được tiềm lực bán dẫn quốc gia phải là câu chuyện của 15 năm, nhưng để thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển dịch giữa cung ứng thì chỉ trong vòng 3 - 5 năm thôi.

Vậy, để kiện toàn bài toán về xây dựng nguồn nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn, theo ông, Việt Nam cần có sự chuẩn bị, cần có những cơ chế chính sách đột phá như thế nào?

Trong mấy năm phát triển kinh tế số vừa qua, chúng ta đã làm rất nhiều việc như đưa ra chiến lược, tầm nhìn, đặt ra mục tiêu cụ thể như cần phải đạt được gì, trong thời gian bao lâu,… nhưng đấy là toàn nói cái ta muốn. Theo tôi, điều quan trọng là để đưa chiến lược ấy đi vào thực tiễn thì phải cơ chế chính sách gì. Cơ chế chính sách của Việt Nam theo tôi là hơi chậm.

Do vậy, Việt Nam cần nhanh chóng, khẩn trương xây dựng cơ chế chính sách để làm sao chớp nhanh cơ hội trong 3-5 năm tới. Từ cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài đến cơ chế để thu hút cả xã hội đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn cấp tốc trong 3-5 năm. Theo tôi, Việt Nam cần phải có cơ chế chính sách rất đặc biệt và nhanh hơn nữa trong lĩnh vực này.

Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng trong ngành công nghiệp bán dẫn ở Đông Nam Á - Ảnh 7

VnEconomy 07/08/2024 11:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 32-2024 phát hành ngày 05/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng trong ngành công nghiệp bán dẫn ở Đông Nam Á - Ảnh 8