08:20 25/09/2022

Vốn ngoại vẫn nhắm đến doanh nghiệp quản trị tốt và phát triển bền vững

Tú Uyên

Muốn tối ưu hóa lợi nhuận và thu hút dòng vốn quốc tế, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, quản trị (ESG) và phát triển bền vững...

Phát triển bền vững ngày càng được doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết quan tâm.
Phát triển bền vững ngày càng được doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết quan tâm.

Các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và phát triển bền vững đang dần trở thành tiêu chí quyết định cho việc ra quyết định đầu tư của các quỹ đầu tư quốc tế. Theo đó, bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng công bố thông tin về ESG để giúp các nhà đầu tư tiếp cận thông tin cho quyết định đầu tư của mình.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Tư duy lãnh đạo và thực thi quản trị hiệu quả về biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững” do Deloitte Việt Nam phối hợp cùng Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), quỹ Dragon Capital, với sự hỗ trợ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) tổ chức vào ngày 14/9 vừa qua.

THU HÚT ĐẦU TƯ NHỜ QUẢN TRỊ TỐT

Theo ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển doanh nghiệp, Quỹ đầu tư Dragon Capital, một trong những tiêu chí quan trọng để quỹ này quyết định rót tiền đầu tư là doanh nghiệp đó phải có quản trị và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay các nhà đầu tư chỉ mới quan tâm nhiều đến chỉ số tài chính, bỏ qua các chỉ số “phi tài chính” ở trên, trong khi các tiêu chí này ảnh hưởng rất lớn đến rủi ro hoạt động của doanh nghiệp, liên quan đến thương hiệu, uy tín công ty, nhà đầu tư và cả đối tác.

Do vậy, theo ông Vinh, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chiến lược, quan tâm đến yếu tố quản tr (ESG) trong quá trình phát triển để có thể thu hút nguồn lực đầu tư dài hạn trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HOSE cũng cho biết, theo quy định hiện nay, các nhà đầu tư tổ chức đều phải tuân thủ các cam kết, các chuẩn mực về việc các khoản đầu tư phải đầu tư vào những công ty đảm bảo yêu cầu về ESG. Do đó, nếu các doanh nghiệp đạt các yêu cầu về ESG thì mới có cơ hội nhận được nguồn vốn đầu tư.

“Một bài học thực tế là tại Trung Quốc thời gian qua có rất nhiều quỹ đầu tư đã phải rút vốn do các vấn đề về môi trường và xã hội không đảm bảo”, bà Trần Anh Đào cho biết.

 
- Bà Trần Anh Đào
- Bà Trần Anh Đào

“Theo quy định hiện nay, các nhà đầu tư tổ chức đều phải tuân thủ các cam kết, các chuẩn mực về việc các khoản đầu tư phải đầu tư vào những công ty đảm bảo yêu cầu về ESG. Do đó, nếu các doanh nghiệp đạt các yêu cầu về ESG thì mới có cơ hội nhận được nguồn vốn đầu tư.

Nếu muốn thu hút nguồn vốn dài hạn, các doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin và có sự xác nhận về các thông tin công bố nhằm giúp các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức có đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định đầu tư”.

Thế nhưng, việc công bố thông tin về ESG của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam hiện chưa được chú trọng nhiều. Điều này vô tình khiến các nhà đầu tư không tiếp cận được thông tin liên quan đến các vấn đề này để ra quyết định đầu tư.

Theo bà Đào, ở các thị trường như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hồng Kông… các công ty công bố thông tin về ESG và phát hành báo cáo phát triển bền vững rất chi tiết với tiêu chuẩn rất cao. Đặc biệt là nhiều báo cáo phi tài chính đã được kiểm toán độc lập để tăng độ tin cậy. Còn tại Việt Nam cũng đã có một số công ty thực hiện việc này nhưng số lượng rất ít.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam, cho biết: “Deloitte đánh giá quản trị công ty như một công việc tất yếu doanh nghiệp phải làm, có gắn bó mật thiết với năng lực cạnh tranh của công ty. Với một thị trường mới nổi như thị trường chứng khoán Việt Nam, việc áp dụng và cải thiện quản trị công ty yêu cầu lộ trình thay đổi đầy đủ mà Hội đồng quản trị giữ vai trò chủ động tiếp cận với xu thế toàn cầu, tích hợp nội dung vào chương trình nghị sự và chủ động hành động.

"Quản trị công ty là lựa chọn chứ không phải bắt buộc nên doanh nghiệp một khi đã tham gia cần vượt qua mức yêu cầu thấp nhất là tuân thủ pháp luật để tối ưu hóa lợi ích từ quản trị công ty", bà Hà Thu Thanh khẳng định.

ĐƯA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀO CHIẾN LƯỢC KINH DOANH

Phát triển bền vững, bao gồm các mối quan tâm về ESG không phải là một khái niệm mới. Đây là chiến lược đã và đang được nhiều doanh nghiệp trên thị trường quốc tế lựa chọn, trong đó đề cao chính sách về quản lý rủi ro về môi trường và xã hội cũng như công bố thông tin về cách thức doanh nghiệp quản lý các vấn đề này.

Các diễn giả chia sẻ thông tin về quản trị công ty và phát triển bền vững.
Các diễn giả chia sẻ thông tin về quản trị công ty và phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, các nhà lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp, Giám đốc điều hành (CEO) và ban điều hành doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp niêm yết đã nhận thức được việc thực hiện tốt công tác quản trị chống biến đổi khí hậu và có trách nhiệm với xã hội là yếu tố giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư và phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp nhiều thách thức trong việc lồng ghép yếu tố bền vững vào chiến lược kinh doanh, hoạt động điều hành và văn hóa cốt lõi của doanh nghiệp.

Theo Deloitte Việt Nam, một nguyên nhân là do báo cáo không có bộ tiêu chuẩn rõ ràng, thống nhất quy định khiến cho một số doanh nghiệp sẽ tìm cách đối phó, chỉ đưa ra thông tin giới hạn ít ảnh hưởng đến danh tiếng doanh nghiệp của mình. Bên cạnh đó, nhà đầu tư khó đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vì hạn chế dữ liệu để so sánh. Phía doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc xác định chỉ số nào nên theo dõi.

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tại nhiều quốc gia trên thế giới, sự tham gia của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch chứng khoán sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện nghiêm túc các vấn đề phát triển bền vững nói riêng và định hướng phát triển bền vững nói chung của các doanh nghiệp thông qua các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như xây dựng các tiêu chí niêm yết, yêu cầu công bố thông tin liên quan đến lĩnh vực này.

Cùng với cam kết phát thải ròng bằng "0" được đưa ra bởi Chính phủ, hệ thống quy định pháp luật sẽ tiếp tục được kiện toàn. Đây cũng chính là con đường tất yếu và là cơ hội trên hành trình phát triển doanh nghiệp một cách bền vững. Tại quốc gia nơi phát triển bền vững vẫn chưa đi sâu vào thực tiễn như Việt Nam, Hội đồng quản trị thay đổi tư duy một cách đồng nhất với cam kết có thể quản trị công ty một cách hiệu quả. Qua đó, thúc đẩy mục tiêu này trở thành ưu tiên dài hạn ở cấp độ toàn doanh nghiệp và đảm bảo một tương lai bền vững.

Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là mục tiêu lớn của Chính phủ Việt Nam. Năm 2021, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng dự thảo kế hoạch hành động triển khai các nội dung liên quan trong Quyết định 1658 nói trên.

 

Việt Nam đã có quy định và hướng dẫn thực hiện báo cáo ESG, bao gồm các Thông tư 96/2020/TT-BTC và Thông tư 116/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, Sổ tay báo cáo bền vững cho các công ty Việt Nam, Hướng dẫn công bố về môi trường và xã hội, Quy tắc thực hành tốt nhất về quản trị của Việt Nam. Trong thời gian tới sẽ có thêm các tiêu chuẩn mới, thống nhất chung trong khối ASEAN về vấn đề này.