06:00 11/09/2022

Đẩy mạnh kết nối và phát triển bền vững để thu hút đầu tư

Tú Uyên

Việc Việt Nam hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững là mục tiêu phù hợp với xu hướng quốc tế, là động lực để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư từ nước ngoài…

Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại Diễn đàn
Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại Diễn đàn

Chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp cầu ASEAN++, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh: Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang trong quá trình phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Trong 8 tháng năm 2022, các chỉ tiêu kinh tế của thành phố có sự tăng trưởng tốt, mở ra nhiều tín hiệu tích cực, khả quan cho sự phục hồi của kinh tế thành phố; như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,5%, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 23%, kim ngạch xuất khẩu duy trì tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021…

Để có được kết quả này, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng luôn đẩy mạnh kết nối giao thương với các nước ASEAN, hướng tới phát triển bền vững để thu hút đầu tư từ nước ngoài.

ĐẨY MẠNH KẾT NỐI

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE), cho rằng sau đại dịch Covid-19, ngoài những tổn thương về mặt xã hội thì sự đứt gãy của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và các kết nối giao thương là những điểm cốt lõi cần được hàn gắn. Đây là thách thức và cũng là thời cơ mà các doanh nghiệp tận dụng để tái cấu trúc, kết nối nội tại, tự nối liền các đứt gãy trong chính chuỗi giá trị của doanh nghiệp nhằm đảm bảo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và đáp ứng phần nào nguồn cung trong và ngoài nước.

Các diễn giả chia sẻ về phát triển bền vững 
Các diễn giả chia sẻ về phát triển bền vững 

“Việc đẩy mạnh kết nối, hợp tác thời điểm này sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng được các ưu thế của nhau như kinh nghiệm, thương hiệu, sản phẩm, thậm chí nguồn khách hàng. Điều này mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp đang tìm cách mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường khu vực và quốc tế”, bà Dung nhấn mạnh.

Đồng tình, bà Ng Jiak See, Phó tổng giám đốc Phụ trách Dịch vụ tư vấn tài chính, Deloitte châu Á-Thái Bình Dương, cũng cho rằng ASEAN là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư và thương mại.

Nếu xét ASEAN là một thị trường hợp nhất, khu vực này hiện nay là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, với tổng giá trị đạt 3.200 tỷ USD, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Hơn nữa, khu vực này còn đang trên lộ trình trở thành nền kinh tế lớn thứ tư vào năm 2030, vượt qua cả Nhật Bản.

Hiện nay, khu vực ASEAN đang hồi phục và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch, trong đó Việt Nam là một trong những nước có tốc độ hồi phục và phát triển nhanh nhất. Dòng vốn FDI chảy vào ASEAN đã đạt mức trước đại dịch, 175 tỷ USD. Chính vì vậy việc tận dụng lợi thế thương mại và liên kết giữa các nước trong khu vực này có ý nghĩa quan trọng, tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới.

Riêng với TP.HCM, các quốc gia trong khu vực ASEAN++ là đối tác quan trọng của Thành phố trong hoạt động ngoại thương, chiếm 26% kim ngạch xuất khẩu và 44% kim ngạch nhập khẩu của thành phố. Việc tăng cường hợp tác, thúc đẩy hoạt động giao thương kinh tế giữa các doanh nghiệp trong khu vực có ý nghĩa thiết thực, góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược hội nhập quốc tế của Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.

CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Ngoài việc cùng liên kết để phát triển, Việt Nam còn phải hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Theo chủ tịch HAWEE Cao Thị Ngọc Dung, phát triển bền vững đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong giao thương quốc tế và kêu gọi đầu tư. Người tiêu dùng hiện đại, nhất là thế hệ trẻ tại các thị trường phát triển có xu hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp được đánh giá là bền vững. Những nguồn vốn đầu tư cũng được ưu tiên cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh tạo ra tác động tích cực. Do vậy, phát triển bền vững trở thành là yếu tố tối quan trọng trong việc thúc đẩy việc mở rộng kinh doanh và sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Kết nối Asean ++ 2022
Kết nối Asean ++ 2022

Tuy nhiên, một doanh nghiệp không thể phát triển bền vững khi đứng riêng lẻ một mình mà đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ, xuyên suốt trong chuỗi cung ứng; nâng cao nhận thức, kiến thức để cùng nhau phát triển bền vững.

“Một doanh nghiệp có ý thức phát triển bền vững thì sẽ mang lại lợi ích thật sự. Chúng tôi đã chứng minh được điều này. Nhiều doanh nghiệp rất nhỏ thì đã trở thành doanh nghiệp trung, có thể trở thành doanh nghiệp lớn và hành trình đó có một sự cam kết”, Chủ tịch HAWEE đúc kết.

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Binu Jacob Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, cho rằng để phát triển bền vững trước hết lãnh đạo doanh nghiệp phải có niềm tin, phải cam kết hành động; doanh nghiệp phải tạo nên giá trị, đem lại sự tốt đẹp cho xã hội.

Có một thuận lợi là người tiêu dùng Việt Nam đã hiểu được về phát triển bền vững. Điều này được minh chứng qua việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng, đó là ưu tiên lựa chọn những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại đang nghĩ đó là trách nhiệm của các doanh nghiệp, của ai đó chứ không phải của bản thân. Do vậy, các doanh nghiệp phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để cộng đồng cùng chung tay thực hiện phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để có thể phát huy những lợi thế đang có vào việc phát triển bền vững, Bà Ng Jiak See, Phó tổng giám đốc Phụ trách Dịch vụ Tư vấn Tài chính, Deloitte Châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng các nước ASEAN cần hành động ngay bây giờ, chung tay hướng đến một nền kinh tế phát thải thấp bởi đây là thời điểm có tính quyết định.

“Nếu hành động ngay bây giờ, ASEAN có thể tạo ra một vòng tuần hoàn tích cực. Việc gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào các khoản đầu tư bền vững cũng giúp các dự án cơ sở hạ tầng bền vững tiếp cận được nhiều nguồn vốn hơn. Đây sẽ là một vòng tuần hoàn liên tục.” bà Ng Jiak See nhấn mạnh.

Cũng theo bà Ng Jiak See, khu vực ASEAN có cơ hội rất rõ ràng về phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững. Theo thống kê từ Deloitte, hàng trăm doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia lớn trên toàn cầu trong kế hoạch phát triển của mình, dành ra hàng tỷ đô la cho đầu tư xanh theo hướng bền vững, và mục tiêu nhắm tới là các khu vực đang phát triển như ASEAN.

Riêng với Việt Nam, để duy trì tăng trưởng và thu hút đầu tư, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững, tạo động lực thu hút các dòng vốn đầu tư mới.

Về phía chính quyền, Phó chủ tịch UBND TP.HCM bà Phan Thị Thắng nhận định: Phát triển kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất. Bên cạnh đó, việc triển khai các giải pháp để phát triển kinh tế tuần hoàn cũng là trách nhiệm trong thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Cũng theo bà Thắng, TP.HCM đang tăng tốc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 là phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực có giá trị gia tăng cao; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh...

“Với vị trí là trung tâm kinh tế của cả nước, trước xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, TP.HCM đang tập trung và chủ động thực hiện các giải pháp để phát triển mô hình kinh tế này”, bà Thắng cho biết.

 

Diễn đàn Nhịp cầu ASEAN++ năm 2022 với chủ đề "Kết nối để phát triển bền vững” do Sở Công Thương TP.HCM phối hợp với Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) tổ chức vào ngày 9/9/2022 tại TP.HCM đã thu hút hơn 400 doanh nghiệp cùng đại diện các cơ quan xúc tiến thương mại, hiệp hội doanh nghiệp đến từ 10 quốc gia khu vực ASEAN như Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và các đối tác quan trọng của TP.HCM như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand... tham dự. Tất cả đều cam kết cùng nhau bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, cùng nhau kết nối, hợp tác, hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh,...