15:43 25/08/2023

Vốn ngoại xả đột biến, dòng tiền yếu, phục hồi thất bại

Kim Phong

Thị trường đã không thể cải thiện giao dịch được trong phiên chiều dù mức giảm cũng không sâu thêm. Nguyên nhân đến từ sự suy yếu đáng kể của dòng tiền tổng thể cũng như riêng với nhóm blue-chips. VIC gây thất vọng lớn khi “lạc quẻ” với diễn biến cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq...

VN-Index chỉ có thể lình xình chiều nay, khi mất hết các động lực tăng điểm.
VN-Index chỉ có thể lình xình chiều nay, khi mất hết các động lực tăng điểm.

Thị trường đã không thể cải thiện giao dịch được trong phiên chiều dù mức giảm cũng không sâu thêm. Nguyên nhân đến từ sự suy yếu đáng kể của dòng tiền tổng thể cũng như riêng với nhóm blue-chips. VIC gây thất vọng lớn khi “lạc quẻ” với diễn biến cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq.

VN-Index đóng cửa giảm 6,02 điểm tương đương -0,51% so với tham chiếu. Mức giảm này nhẹ và cũng tương đương biên độ giảm buổi sáng, nhưng rõ ràng thị trường chiều nay đã không thể cải thiện được. Gần như không có nhịp tăng giảm rõ ràng nào, phần lớn thời gian giao dịch lình xình đi ngang.

Ở góc độ chỉ số, các cổ phiếu dẫn dắt quá yếu là lý do VN-Index lẫn VN30-Index không có tiến triển. Loạt mã vốn hóa hàng đầu hầu hết là giảm so với phiên sáng hoặc không tăng thêm được. VIC là trụ kém nhất chiều nay khi trượt giảm càng lúc càng sâu. Chốt phiên sáng VIC còn trụ được tham chiếu, nhưng sang chiều bị xả liên tục và đóng cửa giảm 1,09%. Thanh khoản mã này rất cao, đạt 634,7 tỷ đồng riêng phiên chiều và cả ngày là 1.154,5 tỷ đồng. Diễn biến giá tăng trước giảm sau trên nền thanh khoản lớn tiếp tục là các tín hiệu tiêu cực, đặc biệt khi giá cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq tăng mạnh.

Ngoài VIC, nhóm trụ khác cũng rất kém là VHM giảm 2,35%, VCB giảm 0,92%, BID giảm 1,31%, CTG giảm 1,89%, HPG giảm 1,33%, VPB giảm 1,46%, GAS giảm 0,98%. Cả rổ VN30 chỉ còn 7 mã tăng là SAB tăng 1,76%, FPT tăng 0,67%, SSI tăng 0,63%, MWG tăng 0,4%, HDB tăng 0,31%, TPB tăng 0,27% và VNM tăng 0,27%. VN30-Index chốt phiên giảm 0,66%.

Lý do khiến biến động giá của nhóm blue-chips quá kém là do sức cầu yếu. Ngoài VIC và SSI, các cổ phiếu còn lại đều giao dịch nhỏ. Tổng thanh khoản phiên chiều của nhóm VN30 đạt 3.311 tỷ đồng, tăng 7% so với phiên sáng thì VIC và SSI đã chiếm tới 38%. So với phiên sáng thì giao dịch chiều nay của SSI tăng 41%, VIC tăng 22%.

Tổng thanh khoản hai sàn niêm yết phiên chiều thậm chí còn giảm 0,2% so với phiên sáng, đạt 10.127 tỷ đồng. Nếu nhìn vào tiến triển mạnh mẽ phiên chiều hôm qua thì nguyên nhân thị trường lình xình yếu là rất dễ hiểu. Chiều qua dòng tiền đổ mạnh vào mua, nâng giá liên tục kéo theo nhịp phục hồi khá ấn tượng. Chiều nay tiền không tăng được và các trụ cũng không thể kích hoạt tâm lý hào hứng.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh hôm nay và chịu lực bán lớn từ khối ngoại.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh hôm nay và chịu lực bán lớn từ khối ngoại.

Nhà đầu tư nước ngoài gây sức ép khá lớn phiên chiều khi tiếp tục bán ròng hơn 336 tỷ đồng nữa, sau khi đã xả tới 513,2 tỷ đồng ròng buổi sáng. Đây là mức bán ròng đột biến với cổ phiếu trên sàn HoSE, đạt mức cao nhất 7 tuần. Riêng trong rổ VN30, khối này xả ròng khoảng 778,9 tỷ đồng. Loạt mã bị xả mạnh hầu hết giảm giá sâu như CTG -166,7 tỷ đồng, MWG -132,1 tỷ, HPG -125,3 tỷ, VPB -115,1 tỷ, BCM -66,3 tỷ, VIC -38,1 tỷ, VCB -35,9 tỷ, VHM -30 tỷ. Ngoài ra còn có DPM -101,3 tỷ, NVL -38,4 tỷ, HDG -32,6 tỷ…

Dĩ nhiên không phải cổ phiếu nào bị khối này xả ròng lớn cũng là có khối lượng bán áp đảo trong thanh khoản, nhưng giữa thời điểm bên mua ngần ngại xuống tiền, chỉ chờ mua giá thấp khiến cầu yếu thì việc gia tăng lượng bán bất kỳ cũng có thể góp phần khiến giá suy yếu. Mặt khác khối này đã có liên tục 3 tuần bán ròng rất lớn, đúng vào thời điểm thị trường đạt đỉnh.

Độ rộng của VN-Index cuối phiên vẫn còn 173 mã tăng/331 mã giảm. Số giảm ghi nhận 88 mã giảm trên 1% và thanh khoản nhóm này chiếm 33,6% tổng giá trị khớp sàn HoSE. Ngoài VIC, thêm 12 cổ phiếu khác thanh khoản trên 100 tỷ đồng. VCG, NVL, HPG, STB, VPB, VHM, CTG, SHB là các cổ phiếu chịu sức ép rất lớn. Phía tăng cũng có 62 cổ phiếu giảm quá 1% và thanh khoản chiếm 24,8% sàn. Tuy nhiên chỉ có 7 cổ phiếu đạt giao dịch quá 100 tỷ, là VND tăng 2,58% với 1.097 tỷ đồng; DXG tăng 3,96% với 794,2 tỷ; VIX tăng 1,96% với 764,4 tỷ; DGC tăng 6,26% với 641,6 tỷ; EIB tăng 1,69% với 151,3 tỷ; DGW tăng 2,23% với 146 tỷ; VHC tăng 3,17% với 133,9 tỷ.

Mặc dù phải trả điểm ở phiên cuối tuần nhưng tính chung tuần này VN-Index vẫn tăng được 5,38 điểm so với mức đóng cửa tuần trước. Đây là một kết quả khá tốt khi nhìn từ phiên bán tháo mạnh đẩy chỉ số giảm tới trên 55 điểm ngày 18/8. Ít nhất thị trường cũng có một khoảng thời gian cân bằng, ngăn chặn được tâm lý hoảng loạn. Tuy nhiên thanh khoản khớp lệnh trung bình của VN-Index tuần này chỉ đạt hơn 18 ngàn tỷ đồng/phiên, giảm 23,3% so với trung bình tuần trước. Điều này cho thấy dòng tiền chốt lời hoặc bán tháo vẫn chưa sẵn sàng quay lại.