Xả hàng T+, thị trường lao dốc giảm, khối ngoại lại bán mạnh
Xu hướng giao dịch ngắn hạn bắt đầu tác động mạnh lên thị trường sáng nay, sau khi xuất hiện vài phiên phục hồi giá. Biểu hiện rõ nhất là thanh khoản tăng mạnh trở lại nhưng giá cổ phiếu lẫn chỉ số lại từ từ trượt giảm. Biên độ giảm ngay trong phiên là tương đối mạnh, thể hiện quan điểm tranh thủ lướt sóng nhanh là phổ biến...
Xu hướng giao dịch ngắn hạn bắt đầu tác động mạnh lên thị trường sáng nay, sau khi xuất hiện vài phiên phục hồi giá. Biểu hiện rõ nhất là thanh khoản tăng mạnh trở lại nhưng giá cổ phiếu lẫn chỉ số lại từ từ trượt giảm. Biên độ giảm ngay trong phiên là tương đối mạnh, thể hiện quan điểm tranh thủ lướt sóng nhanh là phổ biến.
Lực bán xuất hiện rất sớm nhưng nửa đầu phiên sáng nay thị trường còn cân bằng được tạm thời. VN-Index lúc 9h45 tăng đạt đỉnh +0,27% so với tham chiếu. Đó cũng là lúc độ rộng của chỉ số tốt nhất với 230 mã tăng/148 mã giảm. Các nhà đầu tư bắt đáy có lời tốt hơn vì hôm qua giá cũng tăng khá mạnh. Lực bán xuất hiện sau đó tạo sức ép rõ rệt.
Cổ phiếu và chỉ số lao dốc trong gần 2/3 thời gian còn lại của phiên. VN-Index chốt phiên sáng đã giảm 6,59 điểm tương đương -0,55%. Độ rộng chỉ còn 148 mã tăng/318 mã giảm.
Do vẫn có nhịp tăng đầu ngày nên biên độ trượt giảm ở cổ phiếu sáng nay khá rộng. Thống kê trong VN-Index có tới 56% số cổ phiếu phát sinh giao dịch đã trượt giảm từ 1% trở lên. Dĩ nhiên không phải cổ phiếu nào trong số này cũng giảm tới mức thủng tham chiếu, nhưng biên độ lớn thể hiện quan điểm lướt sóng rất rõ. Nhà đầu tư quan tâm tới chênh lệch là chính trong các giao dịch T+ như vậy nên biên độ mới là yếu tố quyết định.
Lấy ví dụ như VIC, cổ phiếu tăng mạnh tới 3,89% đầu phiên, chốt cuối cùng cũng trả lại hết và rơi về tham chiếu. Thanh khoản lớn nhất thị trường với gần 520 tỷ đồng phản ánh lực bán ngắn hạn đã áp đảo hoàn toàn bên mua. Hay như VCG, cổ phiếu chốt phiên sáng vẫn còn tăng 1,29% so với tham chiếu nhưng nhịp tăng vượt đỉnh ngắn hạn đã bị chặn lại với thanh khoản gần 460 tỷ đồng và giá trượt dốc hơn 3% chỉ trong buổi sáng. NVL, HAG, HHS, DHG, VHM, DPM… đều trượt giảm trên 2% so với đỉnh sáng nay trên nền thanh khoản cao và giảm sâu đủ để thủng tham chiếu.
Trên bình diện chung, áp lực bán sáng nay tương đối mạnh khi thanh khoản hai sàn niêm yết tăng vọt 70% so với sáng hôm qua đạt 10.151 tỷ đồng, cao nhất 4 phiên. Sàn HoSE tăng giao dịch 67% với gần 9.196 tỷ đồng. Do cổ phiếu trượt giá và hầu hết là tăng trước giảm sau nên mức thanh khoản gia tăng mạnh này thể hiện quan điểm bán chủ động đã chi phối.
Hoạt động bán ngắn hạn xuất hiện ngay cả với các cổ phiếu blue-chips, nhóm nâng đỡ thị trường cân bằng tốt nhất mấy ngày qua. VN30-Index từ chỗ tăng 0,14% thành giảm 0,79%, từ chỗ chỉ có 3 mã giảm thành 26 mã giảm và 3 mã tăng. Số tăng gồm SAB tăng 1,63%, MWG tăng 0,4%, VNM tăng 0,4%. Dù còn mạnh như SAB nhưng cổ phiếu này cũng đã đạt đỉnh ngay từ 9h30 và hiện đang chốt ở giá thấp nhất và bốc hơi tới 1,39%. Các mã giảm mạnh nhất nhóm VN30 là SSB giảm 2,28%, VHM giảm 1,99%, STB giảm 1,58%, CTG giảm 1,57%, BID giảm 1,53%, HPG giảm 1,33%...
HoSE hiện đang có 81 cổ phiếu giảm trên 1%, nghĩa là mức giảm chưa quá rộng. Tuy nhiên biên độ giảm thì lớn hơn nhiều như mới thống kể ở trên, tức là độ thiệt hại vẫn khá lớn trong trường hợp nhà đầu tư hào hứng mua đuổi giá cao đầu ngày. Phía tăng, 53 mã đang chốt trên tham chiếu hơn 1%, tuy vậy thanh khoản khá hạn chế với 21 mã giao dịch được trên 10 tỷ đồng. Giao dịch tốt nhất là VND tăng 1,41% thanh khoản 495,7 tỷ; VCG tăng 1,29% thanh khoản 459,8 tỷ; DGC tăng 4,39% với 412,9 tỷ; DXG tăng 1,49% với 235,7 tỷ; VHC tăng 3,17% với 103,9 tỷ; EIB tăng 1,48% với 87,7 tỷ; ANV tăng 4,48% với 74,9 tỷ. Trong số này, trừ DXG, tất cả các mã còn lại đều trượt giảm tối thiểu 1% so với giá cao nhất đầu ngày.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay quay lại đà bán ròng rất lớn. Khoảng 513,2 tỷ đồng đã bị rút ròng khỏi sàn HoSE, là phiên sáng thứ 3 trong tuần này có quy mô rút ròng trên 500 tỷ. MWG bị xả nhiều nhất -108,8 tỷ, CTG -93,8 tỷ, DPM -48,9 tỷ, VPB -34,8 tỷ, NVL -34,4 tỷ, HPG -23,8 tỷ, VHM -21,3 tỷ. Phía mua có DGC +46,4 tỷ, DXG +40,9 tỷ là đáng kể.