07:59 25/08/2023

Chứng khoán Mỹ bán tháo, vốn hoá VinFast gần 114 tỷ USD, giá dầu tăng vào phút chót

Bình Minh

Đây là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones kể từ tháng 3, và là phiên giảm mạnh nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ hôm 2/8...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ năm (24/8), khi cổ phiếu công nghệ không giữ được đà tăng sau kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo của Nvidia, và trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng trước khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell có bài phát biểu quan trọng. Giá dầu thô đã giảm trong hầu hết thời gian của phiên giao dịch, nhưng chốt phiên trong trạng thái tăng nhẹ.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 373,56 điểm, tương đương giảm 1,08%, còn 34.099,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,35%, còn 4.376,31 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,87%, còn 13.463,97 điểm.

Đây là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones kể từ tháng 3, và là phiên giảm mạnh nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ hôm 2/8.

Trong phiên, cổ phiếu Nvidia có lúc đạt mức cao nhất mọi thời đại sau khi công ty công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu và lợi nhuận vượt qua cả những dự báo lạc quan nhất của giới phân tích. Không chỉ vậy, hãng sản xuất con chip khổng lồ này còn nâng triển vọng của quý 3, cho rằng doanh thu của quý hiện tại có thể đạt 16 tỷ USD, tăng 170% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, cổ phiếu Nvidia chốt phiên chỉ tăng 0,1%. Công nghệ thông tin (IT) là nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 trong phiên này, với mức giảm 2,15%, dẫn đầu là các cổ phiếu bán dẫn như AMD và Intel. Hầu hết các công ty công nghệ vốn hoá lớn đều chứng kiến cổ phiếu bị bán mạnh trong phiên này, như Amazon giảm 2,7%; Apple giảm 2,6%; Netflix giảm 4,8%.

Tăng phiên thứ tư liên tiếp, cổ phiếu hãng xe điện Việt Nam VinFast đi ngược xu thế của thị trường. Lúc đóng cửa, mã VFS tăng 11,97 USD/cổ phiếu, tương đương tăng 32,33%, chốt ở 49 USD/cổ phiếu. Giá trị vốn hoá của VinFast đạt 113,788 tỷ USD ở thời điểm đóng cửa, gần gấp 3 lần vốn hoá hãng xe Ford của Mỹ.

Cùng với đó, theo xếp hạng tỷ phú theo thời gian thực của tạp chí Forbes, phiên tăng này của cổ phiếu VFS góp phần đưa giá trị tài sản ròng của nhà sáng lập Phạm Nhật Vượng tăng thêm 8,9 tỷ USD, đạt 41,1 tỷ USD. Khối tài sản này giúp ông Vượng đứng ở vị trí 28 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh do Forbes thực hiện.

Tuy nhiên, trong xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới của hãng tin Bloomberg hiện không có tên ông Vượng.

“Tôi nghĩ thị trường vào thời điểm này có mức độ tập trung vào một số ít cổ phiếu”, chiến lược gia Phillip Colmar của MRB Partners nhận định với hãng tin CNBC, lý giải rằng chỉ vài cổ phiếu đang dẫn dắt toàn bộ thị trường. Ông Colmar cho biết ông đang giảm nắm giữ cổ phiếu công nghệ vì nhóm này đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay.

Báo cáo thống kê hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua thấp hơn dự báo, một dấu hiện cho thấy thị trường lao động vẫn đang mạnh. Điểm dữ liệu này có thể sẽ là một căn cứ để Fed duy trì quan điểm cứng rắn: giữ lãi suất cao hơn, lâu hơn. Sau khi báo cáo được công bố, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ nối lại xu hướng tăng, gây áp lực lên giá cổ phiếu. Tuần này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc đạt mức cao nhất. 16 năm.

Nhà đầu tư cũng nghiền ngẫm những phát biểu của Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia, ông Patrick Harker. Trả lời phỏng vấn CNBC, ông Harker nói Fed cần giữ lãi suất thắt chặt trong một thời gian.

Cùng với đó, thị trường chờ bài phát biểu của ông Powell tại hội nghị kinh tế thường niên của Fed ở Jackson Hole, bang Wyoming vào buổi sáng ngày thứ Sáu, để có thêm những tín hiệu về chủ trương của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sau 11 lần nâng lãi suất kể từ tháng 3/2022.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,15 USD/thùng, tương đương tăng 0,2%, chốt ở 83,36 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,16 USD/thùng, tương đương tăng 0,2%, đạt 79,05 USD/thùng.

Giá dầu đã giảm trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch và chỉ tăng vào nửa giờ giao dịch cuối cùng, sau khi có báo cáo cho thấy tồn kho dầu gasoil của châu Âu giảm. Theo công ty tư vấn Insights Global của Hà Lan, lượng tồn kho dầu gasoil tại khu lữu trữ và lọc hoá dầu Amsterdam-Rotterdam-Antwerp (ARA) giảm 3% trong tuần trước.

Bức tranh ảm đạm của kinh tế toàn cầu, nhất là kinh tế Trung Quốc, vẫn đang gây áp lực giảm lên giá dầu. Các báo cáo về ngành sản xuất công bố trong tuần này cho thấy hoạt động suy giảm hoặc ngưng trệ ở cả Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Trong số các nền kinh tế lớn của thế giới, kinh tế Mỹ hiện được đánh giá là ổn nhất, nhưng chính điều này lại khiến thị trường lo lắng vì đó là cơ sở để Fed giữ lãi suất cao hơn, lâu hơn.

Dù vậy, giá dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối gồm Nga. Theo một số nguồn tin, Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của OPEC - có thể gia hạn kế hoạch giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng dầu mỗi ngày cho tới hết tháng 10.