Vực dậy nghề muối để diêm dân không bị bỏ lại phía sau  - Ảnh 1
Vực dậy nghề muối để diêm dân không bị bỏ lại phía sau  - Ảnh 2

Xin ông phác thảo đôi nét về nghề muối ở nước ta xưa và nay?

Nghề sản xuất muối ở Việt Nam luôn gắn liền với văn hóa và truyền thuyết về Bà Chúa Muối và Phủ Bà Chúa Muối tại thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tại Việt Nam có nhiều lễ hội muối, những câu chuyện và kinh nghiệm truyền đời về nghề làm muối đều phản ánh sâu sắc tinh thần và bản sắc của những vùng đất. Cùng với đó, từ xưa người dân nước ta luôn có quan niệm may mắn gắn liền với muối: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”.

Hiện nay, Chính phủ rất quan tâm và xếp nghề làm muối vào danh mục 1 trong 7 ngành, nghề nông thôn quan trọng. Dẫu vậy, muối vẫn là một nghề thăng trầm, đang dần mất sức hút đối với thế hệ trẻ. Những yếu tố như thu nhập thấp, môi trường làm việc khắc nghiệt và sự hấp dẫn của các ngành nghề khác đã khiến giới trẻ ít mặn mà với nghề này.

Mặc dù sản lượng muối đạt khoảng 1 triệu tấn mỗi năm, nhưng con số này vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường, đặc biệt là khi phải đối mặt với những yếu tố bất lợi như mất mùa, biến đổi khí hậu và sự thay đổi của thị trường.

Vực dậy nghề muối để diêm dân không bị bỏ lại phía sau  - Ảnh 3

Do giá muối quá thấp nên diêm dân không sống nổi với nghề. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Giá muối vẫn bấp bênh vì trong một thời gian dài chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ của các cấp chính quyền. Bên cạnh đó, hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Các kênh dẫn nước biển vào địa phương cần được đầu tư lại, tốn kém khoản chi phí lớn. Trong khi đó, chính quyền địa phương còn e ngại, lo sợ đầu tư không hiệu quả.

Hiện nay, tại Việt Nam đang có sự hiểu sai lầm về muối. Người tiêu dùng và cả xã hội cùng đang cho rằng muối tốt phải là muối trắng có độ tinh khiết cao, còn muối biển làm theo phương pháp thủ công truyền thống có màu vàng thì được coi là muối chưa sạch, nên giá bán phải thấp hơn muối tinh khiết.

Thế nhưng, trong khi người tiêu dùng Việt Nam không muốn mua muối sản xuất thủ công, thì các sản phẩm muối này của Việt Nam đang rất được ưa chuộng tại Pháp, Nhật, EU… và được bán với giá vài USD đến vài chục USD/kg. Hàng năm, nước ta xuất khẩu được hàng chục nghìn tấn muối sản xuất theo phương pháp thủ công với giá rất cao. Các sản phẩm muối sản xuất theo phương pháp cổ truyền ở nước ta, như muối phơi cát, muối phơi nước được phân tích trong thành phần có tới trên 160 chất, khoáng chất; trong đó có gần 20 loại khoáng chất và dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Các loại muối công nghiệp, muối tinh khiết không có các chất khoáng này.

Nhà nước luôn bảo vệ và hỗ trợ cho ngành muối Việt Nam bằng cách ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các diêm dân sản xuất muối phục vụ cho nhu cầu ăn uống, chế biến thực phẩm. Hiện Chính phủ chủ trương chỉ ưu tiên nhập khẩu muối dành cho công nghiệp, đồng thời ban hành hạn ngạch cho muối và đánh thuế cao muối nhập khẩu. Tuy vậy, cần tạo truy xuất nguồn gốc rõ ràng để quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng “tuồn” muối nhập khẩu ra ngoài để bán.

Vực dậy nghề muối để diêm dân không bị bỏ lại phía sau  - Ảnh 4

Hiện nay, Nhà nước đã có Đề án và chính sách thu hút đầu tư vào ngành muối. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm và đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào ngành này. Xin ông cho biết cụ thể?

Trên cả nước, hiện có hơn 70 doanh nghiệp, nhà đầu tư đang đầu tư chế biến muối. Tiêu biểu, Tây Ninh dù không có biển nhưng lại có sản phẩm muối ớt nổi tiếng. Hoặc tại cánh đồng muối ở Diêm Điền (Thái Bình), nhiều tổ chức, cá nhân đã tính đến việc liên kết sản xuất muối gắn với du lịch. Hiện, một số dự án tại Cà Ná (Ninh Thuận) lên tới hàng nghìn tỷ đồng; tại Bạc Liêu, nhiều nhà đầu tư đã liên hệ tìm hiểu, nhất là hạ tầng, nhà kho trong việc phát triển muối.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dành nguồn ngân sách khoảng 130 tỷ đồng để phát triển hạ tầng cho nghề muối tại Bạc Liêu. Cùng với hạ tầng, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như địa phương đa dạng hóa các sản phẩm từ muối, thúc đẩy liên kết theo chuỗi, giúp các bên có thêm nhiều giá trị cho hạt muối. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thí điểm tại 5 địa phương và sẽ nghiên cứu cơ chế để mở rộng ra cả nước.

Vực dậy nghề muối để diêm dân không bị bỏ lại phía sau  - Ảnh 5

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có các giải pháp nào để vực dậy nghề muối, để diêm dân không bị bỏ lại phía sau?

Trong Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nhận định muối là mặt hàng thiết yếu, có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Đề án đã đưa ra định hướng phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối, đa dạng hóa sản phẩm muối đáp ứng nhu cầu muối trong nước, cung cấp cho ngành chế biến thực phẩm, y tế, công nghiệp hóa chất và hướng tới xuất khẩu các sản phẩm muối biển tự nhiên.

Mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích sản xuất muối duy trì 14.500 ha, sản lượng đạt 1,5 triệu tấn/năm, trong đó diện tích sản xuất muối kết tinh trên nền trải bạt 5.000 ha, sản lượng đạt 650.000 tấn (chiếm 43%), sản lượng muối chế biến đạt 500.000 tấn. Đối với sản xuất muối quy mô công nghiệp: diện tích sản xuất đạt 4.805 ha, với sản lượng đạt 640.000 tấn/năm (chiếm 42%); ứng dụng khoa học và công nghệ, tăng năng suất sản xuất muối tối thiểu 20%.

Mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích sản xuất muối 14.244 ha, sản lượng đạt 2 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu trong nước. Hình thành vùng trọng điểm sản xuất muối quy mô công nghiệp tại các tỉnh Nam Trung Bộ; áp dụng khoa học và công nghệ, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là khâu thu hoạch và rửa muối sau thu hoạch, tăng năng suất sản xuất muối tối thiểu 30%, chất lượng muối ổn định, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp; tận thu các sản phẩm phụ (thạch cao và nước ót).

Vực dậy nghề muối để diêm dân không bị bỏ lại phía sau  - Ảnh 6

Để thực hiện được mục tiêu này, ngành đề ra nhiều giải pháp, đó là: thực hiện đa dạng hóa sản phẩm muối với đổi mới công nghệ, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới làm giàu bằng nghề muối.

Đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối; máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến muối gắn với thị trường. Phát triển sản xuất các loại muối đáp ứng nhu cầu trong nước, chú trọng hỗ trợ đồng bộ phát triển sản xuất muối chứa nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp, có lợi cho sức khỏe.

Sản xuất muối thủ công cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối cho người dân sản xuất muối gắn với hỗ trợ xây dựng các mô hình chế biến, đa dạng hóa sản phẩm muối nhằm nâng cao giá trị gia tăng tại các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; mô hình thí điểm sản xuất muối kết hợp du lịch nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng; mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối sạch; mô hình sản xuất muối chứa nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp, có lợi cho sức khỏe.

Hỗ trợ cải tạo, nâng cấp hệ thống kho bảo quản muối: khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư, cải tạo nâng cấp thống kho bảo quản muối, bảo đảm muối dự trữ phục vụ sản xuất kinh doanh, mua tạm trữ muối.

Chính phủ dự kiến kinh phí để phát triển ngành muối đến năm 2030 ước khoảng 2.824 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương ước khoảng 1.940 tỷ đồng (chiếm 68,69%); nguồn vốn ngân sách địa phương ước khoảng 300 tỷ đồng; các nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã và đóng góp của nhân dân, dự kiến khoảng 534 tỷ đồng (chiếm 18,9%).

Vực dậy nghề muối để diêm dân không bị bỏ lại phía sau  - Ảnh 7