Vững tin hội nhập và phát triển - Ảnh 1
Vững tin hội nhập và phát triển - Ảnh 2

Năm 2023 đã để lại những dấu ấn sẽ đi vào lịch sử. Đó là năm mà có những ngày cả thế giới đều hướng về Việt Nam theo dõi những sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và toàn cầu, khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm nước ta.

Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á mà nhà lãnh đạo đương nhiệm cao nhất Trung Quốc tới thăm ba lần trong hơn một thập kỷ, tính đến chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, diễn ra từ ngày 12 đến 13/12/2023, với kết quả nổi bật là hai bên ra tuyên bố chung, khẳng định tiếp tục làm sâu sắc và phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và nhất trí cùng nhau xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai” Việt Nam – Trung Quốc.

Việt Nam là quốc gia mà tất cả 5 Tổng thống Mỹ kế nhiệm nhau đều đến thăm, tính từ chuyến thăm năm 2000 của Tổng thống đời thứ 42 Bill Clinton, đến chuyến thăm gần đây nhất của Tổng thống đời thứ 46 Joe Biden, diễn ra từ ngày 10 đến 11/9/2023, với cột mốc mới là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cùng người đứng đầu Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ra tuyên bố chung tại Hà Nội, nhất trí nâng cấp quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Hiếm có một quốc gia nào trong khu vực có được mối quan hệ như thế với hai cường quốc hàng đầu thế giới. Dư luận quốc tế không chỉ quan tâm đến sự tiến triển của hai cặp quan hệ song phương Việt Nam – Trung Quốc và  Việt Nam – Hoa Kỳ, với những nội hàm nhạy cảm tác động lẫn nhau, mà sâu hơn và rộng hơn, là ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của các mối quan hệ đó trong chiến lược cạnh tranh địa chính trị toàn cầu nói chung và khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương nói riêng, giữa các cường quốc.

Vững tin hội nhập và phát triển - Ảnh 3

Chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 27 đến 30/11/2023 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng là điểm nhấn trong thắng lợi ngoại giao của Việt Nam năm 2023 với việc Việt Nam – Nhật Bản quyết định nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Như vậy, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (mức cao nhất trong quan hệ đối ngoại song phương) với 6 quốc gia có vị thế không nhỏ  trên bản đồ địa chính trị và địa kinh tế toàn cầu: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản; trong đó có 3/5 Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga và Mỹ) và ba nền kinh tế đứng đầu thế giới, tính theo quy mô GDP, lần lượt là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Vững tin hội nhập và phát triển - Ảnh 4

Thành công của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức, diễn ra lần đầu tiên tại Việt Nam, từ ngày 14 đến 17/9/2023; dấu ấn các chuyến thăm nước ngoài để tham dự các hoạt động song phương và đa phương của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cũng như các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo nhiều quốc gia khác (ngoài Trung Quốc và Mỹ) đã góp phần tạo thêm những điểm nhấn quan trọng trong hoạt động ngoại giao của Việt Nam năm 2023, theo chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì mục tiêu hòa bình và phát triển, vì lợi ích quốc gia – dân tộc; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, với tinh thần Việt Nam là bạn của mọi quốc gia, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; thể hiện rõ bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”, rất mềm dẻo, linh hoạt, nhưng kiên định với mục tiêu, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Vững tin hội nhập và phát triển - Ảnh 5

Năm 2023 là năm thắng lợi lớn của Việt Nam trên lĩnh vực đối ngoại, góp phần tạo thêm thế và lực mới cũng như cơ hội mới cho đất nước trong hành trình hội nhập để phát triển theo mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã hoạch định, không chỉ cho kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) mà cả cho chiến lược 10 năm (2021-2030), với tầm nhìn đến năm 2045 và xa hơn, được đánh dấu bằng hai mốc kỷ niệm lớn mang tầm thế kỷ: kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 – 2030) và kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945-2045).

Vị thế và tiềm lực mới sẽ tạo thêm động lực để Việt Nam vững tin hội nhập và phát triển.

Vững tin hội nhập và phát triển - Ảnh 6

Trong thế hội nhập toàn cầu, Việt Nam khó tránh những “cơn gió ngược” xuất phát từ những biến động kinh tế và địa chính trị ở nhiều nơi trên thế giới.         

Sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong nỗ lực “đi ngược chiều gió” đã được ghi nhận trong năm 2023.

Những “cơn gió ngược” kinh tế tiếp nối từ năm trước, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu, tạo ra những biến động kinh tế khôn lường, cùng sự bấp bênh, thậm chí là đứt gãy của nhiều chuỗi cung ứng, với hiệu ứng “gây sốc” cho không ít nền kinh tế. Hậu quả là lạm phát cao làm giảm tổng cầu nói chung và nhu cầu tiêu dùng nói riêng vẫn tiếp diễn ở nhiều nước, nhất là ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam, khiến đơn hàng đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ nước ta bị cắt giảm, rõ nhất là trong nửa đầu năm 2023. Hệ quả là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2023 chỉ đạt 683 tỷ USD, giảm 49,5 tỷ USD so với năm 2022, không thuận cho tăng trưởng kinh tế. Đó là chưa kể những khó khăn, hạn chế của nền kinh tế nước ta.

Trong bối cảnh ấy, tăng trưởng kinh tế vẫn tăng đều, quý sau cao hơn quý trước, với kết quả cuối cùng đạt 5,05% cho cả năm. Mức tăng trưởng này không đạt mục tiêu đề ra cho năm 2023 (6 - 6,5%), nhưng không phải là thấp, nếu so với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn cầu (khoảng 2,9%) và cao hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Vững tin hội nhập và phát triển - Ảnh 7

Bên cạnh đó là những điểm sáng của nền kinh tế năm 2023, với những con số ấn tượng. Đó là hơn 36,61 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, tăng 32,1% so với 2022; trong khi vốn giải ngân của khu vực này lập kỷ lục, với khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Ngành giao thông vận tải giành kỳ tích khi nỗ lực hoàn thành 475 km đường cao tốc trong một năm, bằng gần 2/5 độ dài 1.163 km đường cao tốc làm trong 20 năm, tính đến năm 2020,  đưa tổng độ dài đường cao tốc đã hoàn thành của cả nước lên gần 1.900 km. Xuất khẩu gạo cũng đạt kỷ lục cả về số lượng và giá trị, với 8,4 triệu tấn và 4,8 tỷ USD; trong khi kỷ lục kim ngạch xuất khẩu rau quả là 5,6 tỷ USD.

Nội dung thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/10/2023, nêu rõ: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát; nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai; thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm; thanh khoản thị trường chứng khoán có xu hướng cải thiện; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh; công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân được cải thiện; lĩnh vực văn hóa, giáo dục có nhiều chuyển biến; quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, uy tín và vị thế quốc tế được nâng cao.

Nhận định trên đã minh chứng cho những nỗ lực thành công của Việt Nam khi phải đối mặt với những “cơn gió ngược” kinh tế toàn cầu. 

Vững tin hội nhập và phát triển - Ảnh 8

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, với những thành tựu nổi bật trên đây, sẽ không thể có được, nếu Việt Nam không chủ động hội nhập, đồng thời tích cực phát huy tinh thần tự cường.

Đi qua năm 2023 – năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021 – 2025, dẫu còn nhiều hạn chế trong nỗ lực phấn đấu hoàn thành trọn vẹn các mục tiêu đề ra, Việt Nam đã tạo được những dấu ấn mới trong hành trình phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ theo Nghị quyết  Đại hội XIII của Đảng.

Bước vào năm mới Con Rồng 2024, với tinh thần vững tin hội nhập và vững tâm tự cường, Việt Nam tự tin tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tận dụng thành công cơ hội và vận hội mới, được tạo ra từ nội lực cũng như từ không gian kết nối kinh tế toàn cầu, với điểm tựa là 16 hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương đã ký, để vững bước đi lên, vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vững tin hội nhập và phát triển - Ảnh 9

VnEconomy 10/02/2024 06:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Vững tin hội nhập và phát triển - Ảnh 10