Xanh hóa bao bì để xuất khẩu bền vững
Để phát triển logistics xanh, nhiều doanh nghiệp được khuyến khích sử dụng bao bì làm từ vật liệu tái chế hoặc dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên, từ đó tạo ra môi trường kinh doanh xanh, sản xuất bền vững…
Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường. Việc này sẽ rất khả quan khi có sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Tuy nhiên, để hàng tái chế được trưng bày nhiều hơn nữa trên kệ hàng, các doanh nghiệp vẫn đang tìm cách giải quyết bài toán chi phí và đầu ra khi các sản phẩm xanh này luôn gặp rào cản về giá thành cao hơn sản phẩm thông thường từ 10 - 30%.
XU HƯỚNG TẤT YẾU
Tại hội thảo “Bao bì thực phẩm - Kiểm soát chất lượng và nắm bắt xu hướng” tại TP.HCM vừa qua, ông Lý Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, cho biết các sản phẩm tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như sản phẩm xuất khẩu, ngoài quan tâm đến chất lượng, người tiêu dùng cũng đặc biệt quan tâm tới mẫu mã, bao bì sản phẩm an toàn, tuân thủ những quy định tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới.
Theo đó, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ sản xuất, sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái tạo và áp dụng nhiều giải pháp khác nhau trong sản xuất bao bì. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư vốn, thời gian, công sức và nâng cao trình độ nhân lực.
Theo bà Phạm Thị Mỹ Duyên, Đại diện Công ty TNHH sản xuất dịch vụ Minh Phát, với xu hướng xanh hóa bao bì, doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất túi tinh bột - Compostable. Đây là loại túi sau khi sử dụng và thải ra môi trường sẽ phân hủy 100% thành CO2, nước và mùn hữu cơ. “Quy trình sản xuất bao bì xanh khác hoàn toàn so với quy trình sản xuất túi nhựa thông thường. Do đó, doanh nghiệp phải cải thiện máy móc, đồng thời đào tạo lại kỹ thuật cho lao động và tìm cách bảo quản thành phẩm tới tay người dùng”, bà Duyên nói.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp trong ngành đồ uống cũng dần thay thế các sản phẩm tái chế trong các sản phẩm của mình. Đại diện Nestlé cho biết doanh nghiệp này đã chuyển đổi từ ống hút nhựa sang ống hút giấy trên các sản phẩm sữa uống liền dù các loại ống hút giấy này có giá thành đắt gấp 3 lần so với ống hút nhựa.
Trong khi đó, Công ty Lamipak cũng sẽ giới thiệu các loại hộp sữa không tráng nhôm, giúp hộp sữa dễ tái chế gấp nhiều lần so với hộp sữa bình thường. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng cung cấp cho nhiều doanh nghiệp lớn các sản phẩm hộp sữa không tẩy dễ phân hủy, giảm tối đa mực in hóa học...
Bà Trịnh Thị Minh Thùy, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất MT Food, cho hay ngày đầu tiên đưa hàng xuất khẩu sang Mỹ, tất cả các yêu cầu của nhà nhập khẩu đều được doanh nghiệp đáp ứng. Tuy nhiên, do vướng về bao bì không tái chế nên lô hàng của doanh nghiệp bị trả về. “Đến nay, doanh nghiệp đã sử dụng 100% bao bì giấy khi xuất khẩu nhưng liệu còn nguyên liệu nào làm bao bì tốt hơn giấy nhưng vẫn bảo vệ môi trường? Bởi các đối tác nước ngoài đang đặt vấn đề là sử dụng các bao bì giấy đồng nghĩa với việc phá rừng”, bà Thùy chia sẻ.
Theo số liệu của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), tỷ lệ thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng (trong đó có bao bì carton) của Việt Nam hiện nay là khoảng xấp xỉ 50%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới hiện là gần 60%, ông Anil Viswanathan, Tổng Giám đốc Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam cho biết. EU - một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam - đã thông qua dự luật bao bì mới nhằm giảm lượng rác thải bao bì, theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU chỉ còn 5 năm để chuyển đổi sang loại bao bì khác thân thiện và bền vững hơn...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2024 phát hành ngày 20/5/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam