Xu thế vận động lớn của thương mại thế giới là hướng phát triển "sống còn" của doanh nghiệp Việt
Doanh nghiệp Việt Nam cần nắm những xu thế vận động lớn của thương mại thế giới để phát triển bền vững...
Bối cảnh quốc tế và trong nước trong năm tới được dự đoán sẽ tiếp tục có nhiều biến động và thách thức to lớn đến từ bất ổn chính trị, căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu, và tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ (trong đó có trí tuệ nhân tạo- AI), môi trường đầu tư kinh doanh và pháp lý liên tục thay đổi, tác động đến mọi loại hình doanh nghiệp. Theo đó, hoạt động kinh doanh cũng không còn diễn ra theo cách thông thường.
5 XU THẾ VẬN ĐỘNG TẤT YẾU CỦA KINH TẾ THẾ GIỚI
Tại Diễn đàn nữ doanh nhân mùa Thu năm 2024 do Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) phối hợp với Ban Tư vấn phát triển kinh tế tư nhân của Thủ tướng Chính phủ (Ban IV) vừa tổ chức có chủ đề “Phát triển bền vững- Góc nhìn từ Chiến lược và Quản trị công ty”, ông Darryl James Dong, Kinh tế trưởng IFC tại Việt Nam, đã chỉ rõ những xu thế vận động lớn của thương mại thế giới và nhấn mạnh đây là hướng phát triển sống còn của các doanh nghiệp Việt.
Theo ông Darryl James Dong, có 5 xu thế phát triển lớn của kinh tế thế giới, bao gồm: Xanh hoá, trở nên thông minh hơn, trí tuệ nhân tạo, tương tác với khách hàng, và sự bền vững trong kinh doanh.
"Xanh hoá là xu hướng tất yếu, có thể dễ dàng nhận thấy từ trong chính ngôi nhà của mỗi người. Kinh tế Việt Nam đang phát triển đúng hướng trên "con đường xanh", bởi vậy, các doanh nhân cần tiếp tục tiến lên và dẫn dắt doanh nghiệp của mình không đi lệch hướng. Tương tự, trở nên thông minh hơn hay áp dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý, vận hành doanh nghiệp sẽ giúp công việc của người lãnh đạo trở nên khoa học hơn và tiến tới vị trí dẫn đầu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt"
Ông Dong cũng khẳng định rằng tương tác khách hàng là yếu tố quan trọng, việc tương tác mang tính cá nhân hoá cao sẽ quyết định mức độ trung thành của khách hàng với doanh nghiệp và sản phẩm; giữ chân khách hàng trước những cám dỗ về giá cả của các đối thủ khác.
Cuối cùng, sự bền vững trong kinh doanh cần được thực hiện xuyên suốt quá trình vận hành doanh nghiệp, ngay từ khi hình thành. "Thời điểm đầu tiên để thực hành bền vững là 20 năm trước, thời điểm tiếp theo là ngay bây giờ," ông Dong nhấn mạnh.
Nêu quan điểm vấn đề này, bà Cao Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng cho rằng phát triển bền vững đòi hỏi cấp thiết của xã hội nhằm đảm bảo một rằng sự phát triển của hiện tại, những lợi ích của thế hệ hiện tại không tạo ra gánh nặng cho các thế hệ tương lai.
"Đối với các doanh nghiệp, đây vừa là một trách nhiệm xã hội, một mệnh lệnh đến từ trái tim, nhưng đồng thời cũng là một áp lực đặt ra cho chúng ta từ thị trường, từ đòi hỏi của người tiêu dùng, của những nhà mua, đặc biệt là từ các thị trường xuất khẩu là các nước Âu, Mỹ," bà Dung nói.
QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP LÀ NỀN TẢNG CHO MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Trong bối cảnh thay đổi nhanh của tình hình thế giới, theo các chuyên gia, những thách thức có thể hội tụ biến thành sức mạnh, thúc đẩy các doanh nghiệp đi đúng theo hướng phát triển bền vững gắn với ESG (môi trường, xã hội, quản trị). Trong đó, yếu tố G- quản trị được nhấn mạnh.
Theo bà Dung, để tạo ra những lợi thế cạnh tranh khác biệt so với các công ty cùng ngành, các doanh nghiệp phải chủ động điều chỉnh chiến lược bám sát mục tiêu phát triển bền vững, dựa trên nền tảng thực hành những thông lệ quản trị công ty tốt.
"Thực tế đặc thù của các doanh nghiệp do nữ lãnh đạo và nữ làm chủ thông thường ở quy mô vừa và nhỏ, do vậy, các doanh nghiệp này có thể gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực để phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai chiến lược phát triển bền vững gắn với ESG trên nền tảng quản trị công ty có thể trở thành hiện thực thông qua việc kết nối các nguồn lực".
Còn bà Hà Thu Thanh, Phó Chủ tịch, Hội nữ Doanh nhân Việt Nam (VAWE), Chủ tịch HĐQT, Viện thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD), nêu thực tế đặc thù của các doanh nghiệp do nữ lãnh đạo và nữ làm chủ thông thường ở quy mô vừa và nhỏ, do vậy, các doanh nghiệp này có thể gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực để phát triển bền vững.
"Tuy nhiên, việc triển khai chiến lược phát triển bền vững gắn với ESG trên nền tảng quản trị công ty có thể trở thành hiện thực thông qua việc kết nối các nguồn lực," bà Thanh cho biết.
Trong khi đó, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV), Chủ tịch HĐQT FPT, nhấn mạnh vào việc "giữ chân" nhân sự bằng cách kiến tạo một môi trường làm việc hạnh phúc, nơi mọi người đều có thể đóng góp, chia sẻ và mọi nỗ lực, cố gắng đều được ghi nhận.
"Chúng tôi sẵn sàng thưởng cho nhân viên khi họ làm tốt. Đó có thể chỉ là một khoản tiền nhỏ, đôi khi chỉ từ 50.000 đồng nhưng cũng là một niềm vui lớn. Người lao động biết rằng cố gắng của họ được lãnh đạo ghi nhận và đó là động lực để họ tiếp tục làm tốt hơn".
Áp dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác quản trị nhân sự, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết Tập đoàn đã hạn chế được rất lớn tỉ lệ nhân sự nghỉ việc so với trước đây, 60% người lao động có ý định nghỉ việc đều quyết định sẽ tiếp tục gắn bó với công ty.
Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ của FPT với người lao động cũng tạo nên một văn hoá công sở độc đáo "Chúng tôi sẵn sàng thưởng cho nhân viên khi họ làm tốt. Đó có thể chỉ là một khoản tiền nhỏ, đôi khi chỉ từ 50.000 đồng nhưng cũng là một niềm vui lớn. Người lao động biết rằng cố gắng của họ được lãnh đạo ghi nhận và đó là động lực để họ tiếp tục làm tốt hơn," ông Bình chia sẻ.