1.000 USD tăng lên thành bao nhiêu khi đầu tư vào chứng khoán Mỹ, Nhật, Hồng Kông 5 năm trước?
Chỉ số NIFTY 50 của chứng khoán Ấn Độ mang lại về lợi nhuận lớn nhất cho nhà đầu tư trong giai đoạn trên, vượt qua chỉ số Nikkei 225 của Nhật và S&P 500 của Mỹ...
Đồ thị thông tin dưới đây thể hiện sự thay đổi về giá trị của 1.000 USD khi đầu tư vào các chỉ số chứng khoán hàng đầu trên thế giới, dựa trên dữ liệu từ trang Investing.com trong 5 năm từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2024. Chi tiết có trong bảng bên dưới.
Theo đó, chỉ số NIFTY 50 của chứng khoán Ấn Độ mang lại về lợi nhuận lớn nhất cho nhà đầu tư trong giai đoạn trên, vượt qua chỉ số Nikkei 225 của Nhật và S&P 500 của Mỹ. NIFTY 50 là chỉ số gồm 50 mã cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất và được giao dịch nhiều nhất trên Sàn chứng khoán quốc gia Ấn Độ. Tương tự như S&P 500, chỉ số này đại diện cho nhiều ngành công nghiệp và đóng vai trò như một tiêu chuẩn để các nhà đầu tư đánh giá hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán Ấn Độ.
Năm 2023, thị trường chứng khoán Ấn Độsau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ đã ghi nhận nhiều kỷ lục, như lần đầu tiên tổng vốn hóa vượt 4 nghìn tỷ USD. Động lực chính cho sự tăng trưởng này là sự gia tăng chóng mặt của tầng lập trung lưu tại quốc gia Nam Á. Theo một báo cáo của ngân hàng Mỹ Morgan Stanley, “sự dịch chuyển chỉ có một lần trong một thế hệ” này sẽ đưa Ấn Độ trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 3 thế giới vào năm 2030, sau Mỹ và Trung Quốc.
Cũng ở châu Á, tăng trưởng của chứng khoán Nhật Bản, đại diện trong đồ thị thông tin là chỉ số Nikkei 225, vượt nhẹ so với S&P 500 trong 5 năm qua. Chỉ số Nikkei 225, gồm 225 mã cổ phiếu giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, gần đây thiết lập kỷ lục mới – lần đầu tiên kể từ năm 1989. Nhiều doanh nghiệp Nhật, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, ghi nhận lợi nhuận khởi sắc nhờ đồng yên yếu.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông chứng kiến mức giảm hơn 40% trong 5 năm qua. Nhiều công ty hàng đầu của Trung Quốc niêm yết cả trên sàn chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục , chiếm một phần đáng kể trong chỉ số Hang Seng. Năm qua, chỉ số này giảm mạnh trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chật vật phục hồi sau đại dịch, bên cạnh những vấn đề khác như dân số già hóa, nợ chính quyền địa phương ở mức cao và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.
Tuy nhiên, chỉ số Hang Seng có phiên tăng điểm thứ 10 liên tiếp vào ngày 6/5, khi nhà đầu tư toàn cầu lấy lại niềm tin vào thị trường Trung Quốc sau một cuộc họp của Bộ Chính trị nước này cho thấy cam kết giải quyết các vấn đề của nền kinh tế của các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh.