07:10 30/04/2021

ADB nêu 5 ưu tiên để xây dựng thành phố đáng sống ở châu Á

Quang Thanh

ADB đưa ra các khuyến nghị cho các chính phủ châu Á để xây dựng các thành phố đáng sống...

Đà Nẵng là một trong những thành phố đáng sống tại Việt Nam
Đà Nẵng là một trong những thành phố đáng sống tại Việt Nam

Với mục tiêu hướng dẫn các thành phố học hỏi từ những thách thức và cơ hội phổ biến nhất thông  qua  các  bài  học  kinh  nghiệm, ấn phẩm "Tạo dựng các thành phố Châu Á" nhấn mạnh đến sự cải thiện chất lượng sống và cơ hội kinh tế - xã hội tại các thành phố tăng trưởng nhanh của Châu Á là thiết yếu để phát huy tối đa tiềm năng của chúng, đồng thời cũng là động cơ của sự thịnh vượng kinh tế và trung tâm cho phát triển bền vững.

“Đô thị hóa là động lực cho tăng trưởng sản xuất của khu vực, nhưng cơ hội ở các thành phố không dành cho tất cả cư dân, và còn bị hạn chế hơn nữa bởi đại dịch Covid-19. Các thành phố ở Châu Á và Thái Bình Dương nằm trong số những đô thị lớn nhất và sôi động nhất trên thế giới, với rất nhiều kinh nghiệm và cách làm hiệu quả cần được chia sẻ", Phó Chủ tịch ADB chuyên trách Quản lý tri thức và Phát triển bền vững, ông Bambang Susantono chia sẻ.

 
Hiện tại, có tới 17 trong số 33 đại đô thị với dân số trên 10 triệu người nằm ở khu vực Châu Á đang phát triển. Năm 2019, hơn một nửa trong tổng số 4 tỷ người dân của khu vực này sống ở các đô thị, và dự kiến sẽ có thêm 1 tỉ người di cư tới các thành phố trong 30 năm tới. Vào năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa của khu vực này có thể đạt tới 64%. 

Xem xét những thách thức về đô thị hóa trong khu vực, ấn phẩm của ADB đưa ra 5 giải pháp cần ưu tiên để phát triển đô thị đáng sống tại khu vực châu Á. 

Thứ nhất, các chính phủ phải thực hiện quy hoạch đô thị thông minh và bao trùm. Việc này bao gồm những chính sách thúc đẩy sử dụng công nghệ, dữ liệu và đổi mới sáng tạo để khiến các dịch vụ đô thị (đi lại, cơ sở hạ tầng xã hội, quản lý khả năng chống chịu, dịch vụ tiện ích...) trở nên hiệu quả và hiệu suất hơn. Ví dụ, sử dụng công nghệ quan sát trái đất có thể giúp giảm thiểu nguy cơ ngập lụt và cung cấp thông tin tốt hơn cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Thứ hai, các chính phủ cũng cần tập trung vào giao thông và năng lượng bền vững. Đây là hai yếu tố tác động trực tiếp tới năng suất của con người, hiệu quả hoạt động kinh tế của thành phố, và tính bền vững về môi trường. Việc tăng khả năng di chuyển sẽ giúp hiện thực hóa tiềm năng kinh tế của đô thị và gia tăng tính bao trùm.

Các giải pháp giao thông bền vững có thể bao gồm sử dụng phương tiện chạy bằng điện trong các hệ thống giao thông công cộng. Các giải pháp năng lượng bền vững có thể bao gồm triển khai lưới điện mặt trời ở cấp cộng đồng và hộ gia đình, giúp mang lại lợi ích khi giá thành và sự sẵn có của các tấm pin quang điện trở nên rẻ hơn và phổ biến rộng rãi hơn.

Các giải pháp khác bao gồm những hệ thống xử lý rác thải thành năng lượng, có thể giúp cải thiện tính bền vững của đô thị.

Thứ ba là mở rộng tiếp cận tài chính để giúp các thành phố đạt được những mục tiêu đề ra trong các mục tiêu phát triển bền vững.

 
Các thành phố sẽ chiếm khoảng 70% trong số 1.700 tỷ USD vốn đầu tư hàng năm mà các quốc gia đang phát triển cần có để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Ấn phẩm "Tạo dựng các thành phố Châu Á" giới thiệu những mô hình tài chính sáng tạo, như hình thức đối tác mới với khu vực tư nhân, công cụ thị trường vốn và trái phiếu để tài trợ cho nhà ở, và tăng cường khung thể chế và năng lực để triển khai các cơ chế điều tiết giá trị.

Cuối cùng, các chính phủ cần cải thiện khả năng chống chịu của các thành phố, nhất là trong ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai và các tình huống khẩn cấp về y tế công như đại dịch Covid-19.

Những công cụ có thể giúp xây dựng khả năng chống chịu của thành phố bao gồm các giải pháp dựa vào tự nhiên, công cụ tài chính rút ra từ ngành bảo hiểm và một loạt những cách tiếp cận hoạt động dựa trên các bài học kinh nghiệm được rút ra khi các thành phố ứng phó với đại dịch.