Lệnh trừng phạt khiến ngành hàng không Nga mất 1/10 số máy bay thương mại

Bình Minh
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga nhằm đáp trả việc nước này tấn công Ukraine đã dẫn tới việc các hãng hàng không Nga mất 79 máy bay thương mại, tương đương gần 10% đội bay của các hãng này gộp lại...
Một máy bay của hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot.
Một máy bay của hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot.

Các biện pháp từng phạt của Mỹ và nhiều nước đồng minh của Washington yêu cầu các công ty cho thuê máy bay đến cuối tháng 3 phải tiến hành thu hồi những phi cơ đã cho Nga thuê. Khi đó, tất cả những máy bay hiệnđã bị thu hồi đều đang ở ngoài lãnh thổ Nga, và các công ty cho thuê máy bay đã lấy lại những máy bay đó hoặc tiến hành quy trình thu hồi tại toà án – theo thông tin mà trang CNN Business có được từ Cirium, một công ty phân tích hàng không chuyên theo dõi tàu bay trên toàn cầu.

Khi Nga tấn công Ukraine vào hôm 24/2, các hãng hàng không Nga vận hành tổng cộng 861 máy bay thương mại, gồm cả máy bay chở khách và máy bay vận tải hàng hoá, Cirium cho hay. Hơn một nửa số máy bay này, có giá trị thị trường ước tính khoảng 9,2 tỷ USD, thuộc sở hữu các công ty cho thuê máy bay không phải của Nga.

Ngành hàng không Nga phụ thuộc vào máy bay do hai công ty phương Tây là Boeing và Airbus sản xuất. Chưa kể, những máy bay thương mại mà Nga sử dụng chủ yếu là của các công ty cho thuê máy bay ở Mỹ và châu Âu. Để trừng phạt Nga, Mỹ và phần lớn các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã đóng cửa không phận đối với Nga. Tuy nhiên, ở thời điểm lệnh thu hồi máy bay được đưa ra, hầu hết các máy bay mà các hãng hàng không Nga thuê đều đang ở Nga hoặc nhanh chóng bay về Nga

Tháng trước, Chính phủ Nga tuyên bố sẽ quốc hữu hoá tất cả những máy bay mà các công ty cho thuê đang tìm cách thu hồi và sẽ giành quyền sở hữu gần 500 máy bay thuộc sở hữu nước ngoài có mặt ở Nga khi đó.

Phần lớn các công ty cho thuê máy bay lớn, gồm Air Lease Corp., Aviation Capital Group, Avolon và SMBC Aviation Capital, từ chối bình luận về những máy bay họ đã thu hồi được cũng như hành động của Nga về quốc hữu hoá những máy bay vẫn còn ở Nga.

Ngay cả các công ty cho thuê máy bay ở những nước không trừng phạt Nga, như Trung Quốc và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cũng tìm cách lấy lại máy bay mà họ đã cho Nga thuê. Đó là bởi những máy bay đang nằm trong sự kiểm soát của Nga đều bị coi cơ bản không còn giá trị do các biện pháp trừng phạt khác của châu Âu và Mỹ áp lên Nga – theo ông Richard Aboulafia, Giám đốc điều hành công ty tư vấn hàng không AeroDynamic Advisory.

Các biện pháp trừng phạt này yêu cầu các hãng sản xuất máy bay Boeing và Airbus, cũng như các nhà sản xuất động cơ như General Electric (GE), ngừng cung cấp phụ tùng và dịch vụ hỗ trợ cho các hãng hàng không Nga. Về phần mình, Nga đã phát tín hiệu sẽ tự chăm sóc những máy bay đó, nhưng việc Nga không có phụ tùng và dịch vụ bảo trì chính hãng cho máy bay đồng nghĩa với việc các quốc gia khác sẽ từ chối công nhận chứng chỉ an toàn bay của những máy bay đó, một khi những máy bay đó cần phải bay ra ngoài biên giới Nga.

Ông Aboulafia nói rằng việc các công ty cho thuê máy bay của Trung Quốc và UAE muốn lấy lại máy bay đã cho Nga thuê là hợp lý, ngay cả khi không có biện pháp trừng phạt nào yêu cầu họ phải làm như vậy.

Vị chuyên gia cũng đặt ra khả năng một số máy bay thuê mà Nga đang giữ có thể bị “xẻ thịt” lấy phụ tùng để duy trì hoạt động của một số máy bay khác.

Bên cạnh đó, các công ty cho thuê máy bay của Trung Quốc và UAE cũng muốn giữ mối quan hệ tốt với các hãng sản xuất máy bay để không gặp phải trở ngại gì khi mua máy bay để cho thuê đối với những khách hàng ngoài Nga.

Một máy bay chở hàng mà Nga thuê của công ty BOC Aviation có trụ sở ở Singapore - một chi nhánh của ngân hàng Trung Quốc Bank of China - đã bay từ Hồng Kông tới California và bị thu hồi ngay khi vừa hạ cánh, theo một bản tin của hãng Reuters. Các công ty Trung Quốc không muốn đối đầu trực tiếp với Nga, nhưng họ cũng muốn giữ uy tín trong ngành hàng không toàn cầu – theo ông Aboulafia.

“Trung Quốc muốn giúp Nga, bằng cách không trừng phạt Nga. Nhưng chỉ vậy mà thôi. Đây là công việc kinh doanh”, vị chuyên gia phát biểu.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.