09:39 29/06/2016

Bạn có mắc chứng RỐI LOẠN LO ÂU?

PV

Bạn có mắc chứng RỐI LOẠN LO ÂU? - Ảnh 1

Có nhiều dạng bệnh 
Theo các bác sĩ chuyên ngành, Rối loạn lo âu (tiếng Anh: anxiety disorder) là một trong các rối loạn tâm lý có tính phổ biến cao, bệnh thường kết hợp với nhiều rối loạn khác như trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn ăn uống, rối loạn dạng cơ thể... Khi đó, người bệnh lo sợ quá mức trước một tình huống xảy ra, có tính chất vô lý, lặp lại và kéo dài gây ảnh hưởng tới sự thích nghi với cuộc sống. Hiện nay, con số thống kế có khoảng 273 triệu người (chiếm 4,5% dân số) trên thế giới từng có biểu hiện lo âu, trong đó nữ giới thường gặp hơn.

Bạn có mắc chứng RỐI LOẠN LO ÂU? - Ảnh 2

Có thể chia thành nhiều dạng bệnh Rối loạn lo âu khác nhau, cụ thể là: 
•    Rối loạn lo âu lan tỏa: là một dạng trong nhóm bệnh rối loạn lo âu, đặc điểm cơ bản là sự lo âu lan tỏa dai dẳng trong bất cứ tình huống đặc biệt nào. Triệu chứng thể chất thường đi kèm với lo âu gồm: bất an, dễ mệt mỏi, run rẩy, căng thẳng bắp thịt, vã mồ hôi, choáng váng, hồi hộp, chóng mặt, đầu óc trống rỗng, đánh trống ngực, khó chịu vùng bụng, khó nuốt, buồn nôn, tính tình trở nên cáu kỉnh. Ở trẻ em biểu hiện kèm theo với nhức đầu, hiếu động, đau bụng và hồi hộp. Bệnh có thể bắt đầu từ 8-9 tuổi. •    Ám ảnh sợ hãi: khoảng 5-12% dân số thế giới bị chứng bệnh này. Có một số dạng như ám ảnh sợ màu sắc hoặc ám ảnh sợ xã hội. •    Cơn kinh hoảng kịch phát: người bệnh bị cơn kinh hoảng kịch phát thường run rẩy, lú lẫn, hoa mắt, buồn nôn hoặc khó thở. Cơn kịch hoảng xảy ra nhanh, đạt đỉnh chỉ trong vòng 10 phút và có thể kéo dài vài giờ, dễ xuất hiện khi căng thẳng (stress), lo lắng hoặc ngay cả khi tập thể dục. •    Chứng sợ khoảng rộng: sự lo âu đặc trưng khi người bệnh đang ở nơi mà lối thoát hiểm khó khăn hoặc nhận thấy không có sự bảo bọc, trợ giúp. Thường kèm theo với cơn kinh hoảng kịch phát. •    Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: đặc điểm của bệnh là người bệnh không làm chủ được các ý nghĩ lặp đi lặp lại một cách vô lý, và để giảm bớt độ thôi thúc gây khó chịu cho bản thân họ buộc phải thực hiện hành vi cưỡng chế. Một số hành vi cưỡng chế cụ thể như là nhìn đồng hồ hoặc rửa tay liên tục, sưu tầm các vật vô giá trị, ngăn nắp quá mức, tìm kiếm sự cân đối. •    Rối loạn stress sau sang chấn: thường xảy ra sau khi trải qua một sang chấn tâm lý lớn. Sau một trải nghiệm đau buồn như người thân mất, bị ngược đãi... Ở một số người nỗi buồn trở thành sự bất an dai dẳng. Các triệu chứng thường thấy là người bệnh hay nhớ lại hoàn cảnh sang chấn ngoài ý muốn hoặc nó có thể đến trong cơn ác mộng. Đối với trẻ em cũng có thể biểu hiện các triệu chứng rối loạn lo âu tương tự người lớn, thường gặp như ở các bé là sợ đi học, hoặc đôi lúc lo âu không rõ nguyên nhân. Các bác sĩ chỉ ra, lạm dụng rượu bia, cà phê và thuốc lá có thể dẫn đến rối loạn lo âu. Ngay cả trường hợp uống rượu bia mức trung bình nhưng kéo dài có thể gia tăng mức lo âu ở một số người. Những người phụ thuộc cà phê, rượu, thuốc ngủ benzodiazepin có thể làm nặng thêm hoặc gây ra tình trạng lo âu và cơn kinh hoảng kịch phát. Căng thẳng thần kinh (stress): mối lo về tài chính hoặc bệnh tật mãn tính có thể gây rối loạn lo âu. Thường gặp ở những người cao tuổi bị mất trí nhớ. Ngoài ra, yếu tố gia đình có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh này. Trẻ sinh ra trong gia đình người lớn mắc bệnh sẽ gặp nguy cơ cao gấp sáu lần so với bình thường.

Bạn có mắc chứng RỐI LOẠN LO ÂU? - Ảnh 3

Giải pháp điều trị
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng Giám đốc bệnh viện tâm thần Ban ngày Mai Hương thì Rối loạn lo âu cũng như nhiều rối loạn tâm lý khác việc điều trị bao gồm hai phương pháp chính, đó là sử dụng thuốc và các liệu pháp tâm lý trong đó có liệu pháp hành vi nhận thức, tham vấn tâm lý, thư giãn (người bệnh thực hành những bài tập thả lỏng cơ kết hợp với tập thở khí công...).
Liệu pháp hành vi nhận thức
Thực tế, liệu pháp này chưa được phổ biến ở Việt Nam. Việc điều trị bao gồm nhiều nội dung khác nhau như là giáo dục về tâm lý, hướng dẫn cách xử lý khi có những biểu hiện của lo âu, hoảng sợ như là tập thư giãn, tập hít thở sâu, hoặc có những liệu pháp giúp bệnh nhân dần dần thích nghi được với các hoàn cảnh gây ra tình trạng lo âu nâng nhân cách người bệnh trở lên mạnh mẽ hơn và các triệu chứng sẽ dần biến mất. Để điều trị hiệu quả thường kết hợp cả hai phương pháp dùng thuốc và hành vi nhận thức.

Bạn có mắc chứng RỐI LOẠN LO ÂU? - Ảnh 4

Dùng thuốc
Loại thuốc đang được dùng phổ biến hiện nay là nhóm thuốc ức chế hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) mà một số hoạt chất phổ biến như là fluoxetine, sertraline, paroxetine… và loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng amitriptylin cùng nhóm benzodiazepine. Tuy nhiên việc lựa chọn loại thuốc nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như là bệnh nhân có bệnh lý khác kết hợp hay không và điều kiện tài chính.  Cũng cần phải hết sức lưu ý tác dụng phụ của thuốc khi sử dụng, SSRI là loại thuốc ít có nguy cơ về tim mạch, kháng cholinergic và ngộ độc liên quan đến quá liều nhưng nó có tác dụng phụ trên chức năng tình dục. Khi dùng loại thuốc nhóm benzodiazepin thì có những nguy cơ phụ thuộc thuốc khi sử dụng lâu dài, chỉ nên sử dụng ở các bệnh nhân buộc phải được kiểm soát các triệu chứng một cách nhanh chóng như là bệnh nhân có nguy cơ nghỉ việc, nghỉ học. Loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng thường có các nguy cơ tác dụng phụ lên hệ tim mạch, vì vậy cần đặc biệt lưu ý với những bệnh nhân cao tuổi (thường có hệ tim mạch yếu) và những người có bệnh lý cơ thể kèm theo. Như vậy có thể nói,  một lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ giấc, không lạm dụng bia rượu chính là cách tốt nhất để chúng ta dự phòng căn bệnh Rối loạn lo âu. 

10 điều hữu ích giúp bạn đối phó với sự lo âu
1. Quên quá khứ để tập trung vào hiện tại.
2. Học cách phân biệt giữa sự lo sợ thật sự, lo âu phi lý và gạt bỏ khỏi đầu óc của bạn những lo âu vô lý đó.
3. Tự tin và sẵn sàng đương đầu với sự lo âu.
4. Suy nghĩ tích cực và hành động dũng cảm. Trung thành với chính bạn.
5. Tập trung vào những việc có lợi cho bạn trước tiên. Nên nhớ rằng không ai có thể bảo vệ những lợi ích của bạn bằng chính bạn.
6. Phát triển thói quen mới để giải quyết những căng thẳng.
7. Học cách nói không.
8. Cân bằng chế độ ăn uống và tập luyện thể dục đều đặn.
9. Học cách ra những quyết định thích hợp nhất cho bạn và gắn kết với chúng.
10. Trong trường hợp bác sĩ của bạn đề nghị dùng dược phẩm, nên uống thuốc để thuyên giảm tạm thời triệu chứng. Cố gắng trao đổi những nguyên nhân gây lo âu với bác sĩ của bạn.

Dành 10 phút thực hiện 1 trong 8 cách này giúp cải thiện tâm trạng của bạn
1. Ngồi yên tĩnh một mình
2. Cùng người mình yêu ngắm mặt trời lặn
3. Viết thư cảm ơn
4. Xem album ảnh gia đình
5. Chơi cùng em bé
6. Lên giường trước 10 phút cùng vợ/chồng
7. Tắm nước nóng
8. Nhảy cuồng nhiệt


Huyền My