15:03 28/07/2025

Doanh nghiệp bán lẻ hướng đến mục tiêu “không túi nilon”

Tuệ Mỹ

Theo UBND Thành phố Hà Nội, tại thủ đô, chất thải nhựa phát sinh có hơn 60% là nhựa dùng một lần và túi nilon. Trong đó, túi nilon chiếm tỷ lệ 38,5% tổng trọng lượng chất thải nhựa...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo thực hiện bởi Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường năm 2021, số lượng túi ni lông dùng một lần tại các siêu thị là vô cùng lớn. Chỉ tính riêng 48 siêu thị trong khảo sát, mỗi ngày có 104.000 túi ni lông phát ra miễn phí (tương đương với 38 triệu túi/năm). Phần lớn lượng túi ni lông này được thải bỏ ra ngoài bãi chôn lấp.

Nhận thức được tác động tiêu cực của bao bì nhựa, những năm gần đây, nhiều siêu thị lớn như WinMart, MM Mega Market, Go!, Co.opmart, Lotte Mart… đã tiên phong trong việc sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường, như túi phân hủy sinh học, túi vải và hộp giấy. Các biện pháp này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải nhựa, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

CÁC SIÊU THỊ ĐÃ HÀNH ĐỘNG

Trong tháng 6 vừa qua, các điểm bán thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã triển khai chương trình “Gia đình Việt – Đại sứ xanh” nhằm khuyến khích người tiêu dùng hướng đến mua sắm xanh, sử dụng các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.

Theo đó, khách hàng ược tặng thêm điểm tích lũy khi mua sản phẩm xanh tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op. Chị em nội trợ cũng có cơ hội sử dụng các loại túi bằng chất liệu và hình thức độc lạ: túi môi trường Co.opmart, túi cói, túi vải hoặc thùng carton… khi mua sắm tại hệ thống Saigon Co.op toàn quốc.

Doanh nghiệp bán lẻ hướng đến mục tiêu “không túi nilon” - Ảnh 1

Sự kết hợp giữa khuyến mại và hành vi tiêu dùng xanh - như mang túi vải, đổi đồ cũ lấy sản phẩm mới, mua hàng thân thiện với môi trường, đang cho thấy tác động rõ rệt đến hành vi tiêu dùng.

Đại diện Saigon Co.op cho hay, lượng đơn hàng online trong chương trình này đã tăng cao hơn hẳn tháng kinh doanh thông thường. Tại nhiều siêu thị, lượng khách đến mua sắm trực tiếp cũng đạt mức cao, không phải vì săn sale đơn thuần mà vì cảm thấy “mình đang làm điều đúng đắn”.

Tương tự, thời gian qua Central Retail đã làm việc với gần 30 nhà cung cấp thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả... để thay thế các bao bì đóng gói có thành phần nhựa bằng túi nilon có khả năng phân hủy sinh học. Bao bì giấy cũng là một lựa chọn thay thế cho nhựa khó phân hủy...

Central Retail với các chuỗi siêu thị BigC, Tops Market, GO!, đặt mục tiêu thay thế toàn bộ sản phẩm nhựa bằng giải pháp sinh học với 18 điểm bán trong năm nay và trên toàn chuỗi vào 2026.

Tại chuỗi siêu thị Lotte Mart, khay bã mía đựng thực phẩm chế biến, tươi sống được đưa vào sử dụng từ năm 2020. Hiện hệ thống siêu thị cũng ứng dụng túi nilon sinh học và đang nghiên cứu vật liệu giấy trong đóng gói rau, củ. Bên cạnh đó, chuỗi siêu thị này sẽ áp dụng các chương trình ưu đãi, đặc quyền dành cho khách hàng dùng túi tái sử dụng bất kỳ từ tháng tới.

Doanh nghiệp bán lẻ hướng đến mục tiêu “không túi nilon” - Ảnh 2

Trong khi đó, rác nhựa và rác thực phẩm là hai vấn đề được quan tâm hàng đầu tại Aeon Việt Nam. Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi có chính sách giảm phí thuê túi cho khách hàng khi thanh toán. Bên cạnh đó, Aeon sản xuất túi thân thiện môi trường với thiết kế bắt mắt để khách hàng thấy thích sử dụng hoặc tặng bạn bè, người thân".

Ngoài ra, khay đựng thực phẩm cũng đang được chuỗi này nỗ lực thay thế bằng vật liệu thân thiện môi trường. Bên cạnh việc giảm nhựa, họ cũng hướng tới mục tiêu giảm lãng phí thực phẩm, gồm lên kế hoạch sản xuất khớp với nhu cầu dự tính, đồng thời sử dụng máy tái chế để xử lý rác thực phẩm...

LỘ TRÌNH XANH CỦA HÀ NỘI

Quyết tâm triển khai các giải pháp giảm phát thải nhựa, mới đây, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn thành phố. Theo nghị quyết này, từ ngày 1/1/2026, khách sạn, khu du lịch không được phép sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm bông, mũ tắm và các bao bì chứa kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm, sữa dưỡng thể.

Từ ngày 1/1/2027, các chợ, cửa hàng tiện lợi không được cung cấp miễn phí túi nilon khó phân hủy sinh học. Cùng thời điểm, các đơn vị bán hàng trực tuyến phải có trách nhiệm giảm thiểu sử dụng vật liệu nhựa để đóng gói, vận chuyển và phải thu hồi nhằm tránh thất thoát ra môi trường.

Từ ngày 1/1/2028, các chợ và cửa hàng tiện lợi không được phép lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần bao gồm túi nilon và hộp xốp khó phân hủy, trừ các sản phẩm có bao bì bắt buộc sử dụng loại vật liệu này. Với khối doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị sản xuất, sử dụng nhựa PE, PP làm bao bì, Nghị quyết yêu cầu phải áp dụng tối thiểu 20% nhựa tái chế kể từ ngày 1/1/2028...

Doanh nghiệp bán lẻ hướng đến mục tiêu “không túi nilon” - Ảnh 3

Đánh giá về tính khả thi của lộ trình, Tiến sỹ Ngô Thị Thúy Hường, Khoa Công nghệ sinh học, Hóa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Phenikaa, cho rằng như vậy là phù hợp cho các doanh nghiệp có thể chuyển đổi dần sang sử dụng các sản phẩm thay thế; người dân cũng có thời gian làm quen và thích nghi.

Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị nguồn lực cho việc sản xuất các sản phẩm thay thế với 5 tiêu chí: “An toàn cho sức khỏe người tiêu dùng; dễ phân hủy chỉ trong khoảng thời gian từ 6 - 12 tháng; giá thành cao hơn sản phẩm nhựa trong khoảng từ 30% - 50% là có thể chấp nhận; phải có những ưu điểm, ưu thế tương đương như tính năng của sản phẩm nhựa; luôn đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm thay thế”.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, nguồn lực để giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường tuyên truyền giúp người tiêu dùng tăng niềm tin khi quyết định sử dụng sản phẩm.

Đến nay, Chương trình đã hỗ trợ, hướng dẫn khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% bao bì khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị...

Doanh nghiệp bán lẻ hướng đến mục tiêu “không túi nilon” - Ảnh 4

Tương tự, ngày 13/7 vừa qua, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM cho hay thành phố đã triển khai 4 kế hoạch về tăng cường quản lý chất thải rắn, giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và đạt được một số kết quả ban đầu.

Trong đó, nổi bật nhất với kết quả cắt giảm 100% túi nilon khó phân hủy, chuyển sang dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường tại hầu hết hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... từ năm 2022. Giai đoạn năm 2024 - 2025, TP.HCM đặt mục tiêu giảm 70% số lượng túi nilon khó phân hủy được sử dụng ở chợ dân sinh.