Bạn có tin: não cũng cần thải độc?
Không tập trung, hay quên, cáu gắt, nghe/đọc nhưng không nhập nổi thông tin… Những triệu chứng này cho thấy não bộ của bạn đang bị chi phối bởi quá nhiều vấn đề. Hãy giảm tải cho não bộ của bạn bằng một việc vô cùng đơn giản: đi ngủ.
Mỗi ngày hàng tỷ tế bào não chỉ huy và truyền tải những xung động thần kinh đến các bộ phận khác nhau của bộ não. Những "kết nối" nào quan trọng trong giấc ngủ sẽ được tăng cường, còn "kết nối" không quan trọng trong thời gian ngủ sẽ được "lượt bớt". Nói nôm na, khi ngủ các hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể sẽ giảm bớt nhịp độ hoạt động giúp cơ thể thả lỏng hoàn toàn.
Ngoài ra, giấc ngủ cũng là cơ chế để não bộ "dọn dẹp" những chất thải độc hại là những loại hóa chất từ chính cơ thể tiết ra trong quá trình hoạt động. BBC dẫn lời giáo sư Maiken Nedergaard thuộc trung tâm Y khoa - Đại học Rochester (Mỹ) cho biết, quá trình loại thải các hóa chất khỏi não bộ được thực hiện khi ngủ."Trong thời gian ngủ, hệ thống glymphatic hoạt động tăng gấp 10 lần so với tỉnh táo. Cũng trong thời gian ngủ, tế bào não cũng co lại khoảng 60%, điều này tạo ra khoảng trống lớn hơn giữa các tế bào, làm cho dịch não tủy có thêm không gian để loại bỏ các chất độc khỏi não hiệu quả hơn. Bằng chứng là chất Amyloid – beta, các protein được hình thành trên mảng bám não ở bệnh nhân Alzheimer được loại bỏ với số lượng đáng kể hơn trong thời gian ngủ," giáo sư Maiken cho biết.
Sở dĩ giấc ngủ quan trọng đối với sức khỏe là bởi, buổi tối là khoảng thời gian hệ thống miễn dịch bài tiết các chất độc hại, đồng thời đó cũng là khoảng thời gian hồi phục của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Đối với gan, khoảng thời gian từ 1 giờ đến 3 giờ sáng là lúc gan hoạt động mạnh nhất để bài tiết các chất độc hại, vì thế trong khoảng thời gian này càng ngủ sâu thì càng có tác dụng giúp gan hoàn thành việc loại trừ các độc tố trong cơ thể.Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, vào buổi tối, bắt đầu từ 21 giờ, cơ thể con người bắt đầu cần được thư giãn để đi vào giấc ngủ say sau 1 – 2 tiếng đồng hồ. Giấc ngủ say sẽ giúp hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động có hiệu quả. Cụ thể, cơ chế đồng hồ sinh học của cơ thể diễn ra như sau:
– Trạng thái ngủ từ 0 đến 1 giờ sáng khiến cơ thể được nghỉ ngơi thực sự, giúp tinh thần sảng khoái, dung nhan tươi tắn khi tỉnh dậy. Nên ngủ trước đó tầm 1 hoặc 2 tiếng, để vào tầm thời gian nói trên thì đã chìm vào giấc ngủ sâu.– Từ 1h tới 5h sáng là lúc cơ thể tiết ra các chất tái sinh và nâng cao hệ miễn dịch. Thức khuya thì rút ngắn hoặc thậm chí làm cơ thể bỏ qua giai đoạn này, lâu dần sẽ suy sụp thấy rõ. Trong các giai đoạn ngủ sâu thì cơ thể tiết nhiều hooc môn để cân bằng và nâng cao sức đề kháng, mà thức khuya thì khiến hoạt động ấy xảy ra chậm và ít hơn.
Chính vì cơ chế đồng hồ sinh học của cơ thể như vậy nên những người thường xuyên ngủ khuya hoặc thức đêm sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng. Sức khỏe không tốt được biểu hiện bởi làn da xám, tái xanh, hoặc nổi đầy mụn, nám…