Bạn là nhà báo hay là...?
Có rất nhiều đáp án trong cái dấu ba chấm sau chữ “hay là...”, thưa các bạn! Các bạn có thể không viết báo nhưng vẫn là một fbker, một bloger, thậm chí là một Kols, nổi tiếng trên mạng và trong xã hội hơn cả một nhà báo...
Nhà báo Vũ Hùng: "Đúng mấy, giỏi mấy, tài mấy, nổi tiếng mấy vẫn chưa đủ với một nhà báo. Bạn cần phải biết yêu. Yêu nghề và yêu người. Yêu báo và yêu bạn đọc. Yêu cuộc đời này".
Đó là sự thật không cần bàn cãi của thời đại Internet. Nhưng, tất cả những người nổi tiếng đó lại chưa chắc viết nổi một bài báo, nhất là viết cho báo kinh tế.
Vì sao lại như vậy? Giải đáp được câu hỏi đó cũng đã phân biệt được bạn là một nhà báo hay là một trong những người viết kể trên.
Trước hết và quan trọng bậc nhất là vấn đề đối tượng đọc. Viết cho ai? Bạn viết cho mạng xã hội thì để cho tất cả cư dân mạng đọc, nhưng bạn viết một bài báo kinh tế thì trước hết là để bạn đọc quan tâm đến mảng kinh tế đọc, sau đó mới đến những bạn đọc khác. Chính lượng phát hành của báo bạn nói lên điều đó. Trên mạng xã hội, người đọc bạn có thể là bất cứ ai, làm bất cứ nghề gì, có đủ loại trình độ kiến thức khác nhau, có ý thức xã hội, nhãn quan chính trị và trách nhiệm công dân khác nhau, trình độ thẩm mỹ và văn hoá cũng khác nhau.
Nhưng bạn đọc của một tờ báo nói chung và báo kinh tế nói riêng thì không hoàn toàn như vậy, thậm chí là không bao giờ như vậy. Bạn đọc của bạn có thể là một chị chủ nhiệm hợp tác xã, một anh quản đốc công xưởng, một chủ doanh nghiệp, một chủ tiệm vàng hay sàn chứng khoán, có thể là một CEO, một Shark, một Chủ tịch tỉnh, một Bộ trưởng và có thể còn cao hơn thế. Họ khác nhau về nghề nghiệp và vị trí xã hội.
Nhưng tất cả họ có một đặc điểm chung: đều là những người có kiến thức kinh tế nói riêng và có tri thức nói chung. Đặc điểm ấy không có ở tất cả 100% bạn đọc mạng xã hội. Đó là điều bạn cần lưu ý.
“NHẤT NGÔN KÝ XUẤT, TỨ MÃ NAN TRUY”
Cho nên, bài báo của bạn, ngoài những tiêu chí thông tin tối thiểu và thông thường, phải có một lượng thông tin chân thực, chuẩn xác, rõ ràng, tin cậy, kịp thời, thậm chí là thông tin “đắt”. Mạng xã hội có thể là một khu ẩm thực, một tiệm buffet; nhưng tờ báo kinh tế là phải tiệm cơm có thực đơn kỹ càng, giá cả chuẩn mực, khăn bàn sạch sẽ, phục vụ tươm tất, chu đáo. Tóm lại là nội dung và hình thức của mạng xã hội và báo chí khác nhau. Ví dụ nôm na thế, tuy so sánh luôn là khập khiễng!
Trên mạng xã hội, nhiều khi người ta chỉ cần tung ra một cái tin vu vơ, không cần biết đúng sai, thực hư, miễn là câu được nhiều view, like, miễn là không vi phạm Quy chế cộng đồng của FB, và không ai truy cứu trách nhiệm của người viết về sự đúng đắn, chính xác của thông tin kinh tế ở đó. Nhưng báo chí kinh tế thì không thể như vậy. Bạn viết một tin ngắn “ngày mai giá xăng giảm” mà đến ngày kia xăng vẫn chưa giảm giá là đã mất uy tín cho bản báo rồi, chưa nói đến những sai sót ở các đề tài lớn lao liên quan đến quốc kế dân sinh và kinh tế quốc tế.
Sự chính xác, độ tin cậy và tính trách nhiệm trước bạn đọc và pháp luật là nét khu biệt lớn nhất của một nhà báo với fbker, bloger và Kols.
Nhà báo Vũ Hùng phỏng vấn nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho số báo Xuân năm 2006.
Mạng xã hội không cần đính chính. Báo viết sai thì bắt buộc phải đính chính, thậm chí phải hầu toà. Trên mạng xã hội, viết sai thì người viết tự xoá bài đi, tự edit lại. Nhưng một bài báo đã đăng lên, nhất là báo giấy, báo hình, thì không thể gỡ bỏ và edit lại đơn giản thế. “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” chính là đúng nhất với nghề làm báo, và “vạn mã” cũng chịu bó tay chứ không chỉ là “tứ mã”, thưa bạn!
Khi viết trên mạng xã hội, người viết có thể thoả sức bày tỏ các cảm xúc yêu ghét, đồng tình ủng hộ hay phê phán chê bai thoả thích theo chủ quan mình. Nhưng người làm báo thì phải quên cái “chủ quan” ấy đi. Người viết trên MXH có thể “chửi cho sướng mồm”, nhưng nhà báo thì tuyệt đối không bao giờ được làm như thế, tuyệt đối không.
Bạn luôn phải giữ một cái đầu lạnh để viết hết sức khách quan. Mạng xã hội rất rộng lớn nhưng không phải là cả xã hội, toàn xã hội. Rất nhiều bài viết được đa số cộng đồng mạng hò reo thích thú, nhưng lại không hề có uy tín xã hội, thậm chí bị toàn xã hội thấy khó chấp nhận. Hiện tượng một số livestream của bà Hằng chủ Đại Nam trên youtube gần đây là một ví dụ.
ĐỪNG HAM NỔI TIẾNG NHƯ MỘT "KẺ ĐỐT ĐỀN"
Nếu a dua với mạng xã hội, khéo bắt trend, bạn có thể sẽ rất nhanh nổi tiếng, sẽ tạo ra một “năng lượng” nào đó với cộng đồng mạng. Nhưng đó sẽ chỉ là lửa rơm, đôi khi chỉ là sự nổi tiếng của kẻ đốt đền, trong khi sứ mệnh của nhà báo là một người xây đền - Ngôi đền thông tin sạch sẽ, tin cậy, chuẩn mực và đúng đắn. Đó là cả một Ngôi đền thiêng.
“Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào?” luôn là câu hỏi, là sự trăn trở và là lương tâm của mỗi người viết báo. Ảnh: Việt Tuấn.
Và thực hiện được sứ mệnh cao cả ấy là cả một quá trình học tập và rèn luyện. Học và luyện kiến thức, nhất là kiến thức kinh tế đối với người viết báo kinh tế. Học và luyện chữ; học và luyện tâm, tài. Chứ không chỉ là viết một vài cái tin giật gân, một vài bài báo nổ như bom nhưng thực ra cái còn lại trong lòng bạn đọc và mắt công chúng là những mảnh pháo tép xác xơ, rã rượi, rác rưởi và vô nghĩa.
Mà như bạn thấy đấy. Người viết và người đọc mạng xã hội dẫu có là bao nhiêu triệu người, vì sao người ta vẫn chỉ gọi đó là “cộng đồng mạng”, chứ không gọi là “công chúng”. Bởi vì sức mạnh thông tin của mạng xã hội chưa làm nên tư tưởng xã hội. Nhưng báo chí thì cần phải tạo ra và tạo ra được tư tưởng xã hội. Điều đó ta hay gọi là tính định hướng của báo chí.
Mạng xã hội ko làm được điều đó, cùng lắm là chỉ dẫn dắt được dư luận theo mình trong một vài vụ việc. Dẫn dắt và định hướng khác nhau một trời một vực, cả về chất và lượng. Đấy cũng chính là phạm trù “Viết để làm gì?” của báo chí cách mạng Việt Nam.
Người viết trên mạng xã hội, đương nhiên không phải là tất cả, chủ yếu là viết cho mình, cho bạn bè trên fb, blog, fanpager, cho những gì họ quan tâm, họ thích phổ biến, truyền đạt tư duy hoặc tình cảm, tâm trạng cá nhân. Nhưng người viết báo thì không được như thế. Bạn phải viết trước hết theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo mà bạn là phóng viên hay cộng tác viên ở đó. Rồi sau đó là phải viết cho đúng nhu cầu của bạn đọc của báo bạn.
Sức mạnh thông tin của mạng xã hội chưa làm nên tư tưởng xã hội. Nhưng báo chí thì cần phải tạo ra và tạo ra được tư tưởng xã hội. Điều đó ta hay gọi là tính định hướng của báo chí.
Cao hơn cả, bạn phải luôn viết trong sự tuân thủ các quy định của pháp luật, của Luật Báo chí, luôn đúng với đường lối của Đảng, các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của Chính phủ trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội.
Sâu hơn nữa, bạn phải viết theo đúng lương tâm của bạn, để bạn không phải tự hổ thẹn vì mình đã cố tình viết sai, không áy náy vì mình đã cố tình gây hại cho người khác, đau xót khi vô tình gây họa cho cả xã hội.
“Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào?” luôn luôn là câu hỏi, là sự trăn trở và là lương tâm của mỗi người viết báo.
Nhà báo Vũ Hùng phỏng vấn Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh năm 1995, trong loạt phóng sự điều tra trên TBKTVN.
Trên các trang mạng xã hội có thể liên tục chỉ có phê phán và phê phán, nhưng báo chí có thể vẫn phê phán, nhưng phê phán để xây dựng, nhằm tác động vào sự thông tuệ của lãnh đạo, để thức tỉnh quần chúng, để lãnh đạo và dân chúng đoàn kết hơn trong công cuộc đẩy lùi cái xấu và dựng xây những điều tốt đẹp trong xã hội.
PHẢI VIẾT BẰNG MỘT TÌNH YÊU LỚN
Bạn luôn biết rằng phê phán một hiện tượng nào đó trong cuộc sống rất khó vì đòi hỏi sự cân phân, tình cảm (yêu, ghét) phải được khách thể hóa - nghĩa là cần ở người viết phải có một thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng.
Báo chí kinh tế, phải hướng đến sự phát triển bền vững của từng doanh nghiệp và cao hơn nữa là của cả nền kinh tế. Ảnh: Mạnh Thắng.
Phê phán không có nghĩa là đạp đổ, phủ nhận “sạch trơn”, đưa đẩy sự việc vào chiều hướng bế tắc “không có ánh sáng cuối đường hầm”. Trong phê phán cần phát hiện và xây dựng được những hành động, nhân cách tích cực và phải có thái độ khẳng định nó sẽ là cái tất yếu của xã hội.
Điều này báo chí luôn làm tốt hơn mạng xã hội, và cũng chính là một nét khu biệt nữa giữa việc viết báo và viết trên mạng xã hội. Nét khu biệt này cực lớn vì nó là bản chất của hai công việc trên. Từ đó, cho thấy chức năng, vai trò to lớn đòi hỏi ở các bài báo là phải mang tính giáo dục, tính thẩm mỹ, tính định hướng dư luận xã hội. Nói một cách khác, báo chí phải hướng tới bản chất hiện thực, hướng tới cái tốt và cái đẹp, cái CHÂN THIỆN MỸ của cuộc sống.
Còn báo chí kinh tế, phải hướng đến sự phát triển bền vững của từng doanh nghiệp và cao hơn nữa là của cả nền kinh tế. Viết cho ai, viết cái gì, viết để làm gì, viết như thế nào, viết sao để có ích cho sự định hướng và phát triển nền kinh tế nước nhà, để không trái với lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân... luôn luôn là những câu hỏi không bao giờ cũ tự sâu thẳm trong khối óc và con tim đối với mỗi người viết báo chân chính.
Không yêu nghề, không yêu tờ báo của mình, không yêu bạn đọc của mình, không yêu công chúng đông đảo của mình, thì tất cả những gì bạn viết ra, in ra cũng chỉ là vô nghĩa. Bạn có thể là một fbker nhiều người đọc, một bloger đông fan, một Kols nổi tiếng, nhưng vẫn chưa là một NHÀ BÁO đâu ạ.
Nên nói lời sau cùng, đúng mấy, giỏi mấy, tài mấy, nổi tiếng mấy vẫn chưa đủ với một nhà báo. Bạn cần phải biết yêu. Yêu nghề và yêu người. Yêu báo và yêu bạn đọc. Yêu cuộc đời này.