Bảng điện xanh mướt, tiền vào nhỏ giọt
Số cổ phiếu tăng giá sáng nay nhiều gấp 3 lần số giảm, thể hiện đà phục hồi kỹ thuật trên diện rộng sau 5 phiên lao dốc liên tục. Tuy vậy đà tăng đã không được hỗ bởi dòng tiền, thanh khoản sụt giảm 37% trên HoSE so với sáng hôm qua và khối ngoại tiếp tục bán ròng...
Số cổ phiếu tăng giá sáng nay nhiều gấp 3 lần số giảm, thể hiện đà phục hồi kỹ thuật trên diện rộng sau 5 phiên lao dốc liên tục. Tuy vậy đà tăng đã không được hỗ bởi dòng tiền, thanh khoản sụt giảm 37% trên HoSE so với sáng hôm qua và khối ngoại tiếp tục bán ròng.
Dòng tiền bắt đáy hoạt động tích cực hơn, chấp nhận mua ở vùng giá xanh. Trọn phiên sáng VN-Index duy trì trên tham chiếu, với đỉnh cao nhất đạt được lúc 10h30, tăng 1,28%.
Sự hưng phấn nói trên không đi cùng giao dịch sôi động, tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết giảm tới 36% so với sáng hôm qua, chỉ đạt 2.600 tỷ đồng. HoSE giảm 37%, đạt 2.286 tỷ đồng.
Đặc biệt rổ VN30 giao dịch rất chậm, dù động lực tăng của VN-Index hoàn toàn phụ thuộc nhóm này. Toàn bộ 10 mã kéo chỉ số khỏe nhất đều thuộc VN30, nhưng giao dịch của rổ giảm 34%, chỉ là 897 tỷ đồng. Đây là phiên sáng thứ 3 kể từ đầu năm 2023 nhóm VN30 giao dịch dưới 1.000 tỷ đồng.
Dẫn đầu nhóm tăng là VCB, đang chốt trên tham chiếu 0,86%. Cổ phiếu này không phải mã tăng mạnh nhất rổ VN30, cũng không mạnh nhất trong nhóm ngân hàng, nhưng lại có lợi thế vốn hóa lớn nhất. MSN tăng 2,88%, VRE tăng 5,24%, SAB tăng 2,37%, GAS tăng 0,87% là các mã khác thuộc Top 5.
VN30-Index chốt phiên sáng tăng 0,74% với 28 mã tăng và duy nhất TCB giảm 0,37%. Có 7 mã trong nhóm tăng vượt tham chiếu từ 1% trở lên. Thực tế các cổ phiếu dẫn dắt cũng đã hạ dần độ cao. Tại đỉnh, chỉ số này tăng 1,5%. VN-Index chốt phiên sáng cũng chỉ còn tăng 0,72% từ mức đỉnh tăng 1,28%.
Thống kê trong nhóm VN30 có tới 14 cổ phiếu đã tụt giá từ 1% trở lên so với mức đỉnh cùng thời điểm với chỉ số. Nhóm cổ phiếu Vin và ngân hàng biến động nhiều nhất. VHM từ chỗ tăng 2,57% đã co lại còn tăng 0,12% cuối phiên sáng. ACB tụt tới 1,82% so với đỉnh. Các mã MBB, CTG, TCB, VIB cũng tụt dốc đáng kể. Ngoài ra HPG, NVL, VRE, GVR, MWG, PDR, PLX... cũng tương tự.
Trên toàn sàn HosE, có 180 cổ phiếu tụt giá với biên độ 1% trở lên, chiếm khoảng 53% tổng số cổ phiếu phát sinh giao dịch. Với mức thanh khoản rất yếu, cổ phiếu lùi giá như vậy cho thấy lực cầu ở vùng giá cao rất cạn, người mua đã không đuổi giá lên trong khi bên bán canh me xả. Thực tế lực bán cũng chưa nhiều, biên độ giảm cũng chưa đẩy nhiều cổ phiếu rơi qua tham chiếu mà chủ đạo là thu hẹp cường độ tăng. Tuy vậy đây vẫn là tín hiệu cho thấy thiếu đồng thuận ở chiều đẩy giá lên.
Hiện HoSE có 106/274 cổ phiếu tăng với biên độ trên 1% so với tham chiếu. Tuy vậy thanh khoản quá kém nên rất ít mã giao dịch sôi động. Cả sàn này chỉ có 10 cổ phiếu khớp lệnh vượt 50 tỷ đồng thanh khoản trong đó 5 mã tăng trên 1% là VND, SSI, HSG, DXG và VRE.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giảm cường độ giao dịch rất đáng kể, tổng mua ở HoSE chỉ còn 247,6 tỷ đồng và bán ra 295,3 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 47,7 tỷ. HPG đang bị xả nhiều nhất -43,2 tỷ đồng ròng, DXG -15,8 tỷ, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 -12,7 tỷ đồng. Phía mua ròng duy nhất VNM +10 tỷ là đáng kể. Lực bán của khối ngoại đã giảm tới 41% so với sáng hôm qua là một tín hiệu tốt, nhưng mua cũng quá ít.
Thị trường hồi lại sáng nay sau 5 phiên giảm là diễn biến bình thường. Điều quan trọng là nhà đầu tư không thật sự sẵn sàng đổ tiền vào mua ở các nhịp nảy lên như vậy. Thanh khoản suy giảm là điều thường thấy ở những phiên đảo chiều như vậy, do tâm lý nghi ngờ rất cao.