Dòng tiền chính thức "quay xe" rút khỏi các ETF sau 5 tháng vào ròng
Trong tuần từ ngày 20-24/02/2023, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam ghi nhận mức rút ròng gần 69 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi vào ròng trong liên tiếp 20 tuần trước đó...
Cụ thể, thống kê từ FiinTrade cho thấy, trong tuần từ ngày 20-24/02/2023, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam ghi nhận mức rút ròng gần 69 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi vào ròng trong liên tiếp 20 tuần trước đó với tổng giá trị vào ròng lũy kế đạt 23,5 nghìn tỷ đồng.
Các quỹ ETF nước ngoài rút ròng gần 48 tỷ đồng. Quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF rút ròng gần 61 tỷ đồng, đây là tuần thứ 2 liên tiếp rút ròng của quỹ này, tổng lũy kế rút ròng hơn 148 tỷ đồng.
Riêng trong ngày 27/02/2023, quỹ VFMVN Diamond ETF rút ròng gần 35 tỷ đồng.
Các quỹ ETF trong nước rút ròng gần 21 tỷ đồng. Tập trung chủ yếu ở quỹ VFM VN30 ETF rút ròng gần 80 tỷ đồng, tiếp theo đó là quỹ Kim Growth VN30 ETF rút ròng gần 14 tỷ đồng. Ngược lại, quỹ VFMVN Diamond ETF vào ròng gần 67 tỷ đồng.
Top các cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất gồm có VIC, HPG, VHM, MSN, NVL, VNM, VCB, SSI, VJC, VRE, STB...
Với riêng nhà đầu tư nước ngoài, nhóm này tiếp tục bán ròng, giá trị bán ròng trong tuần đạt 1.423 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, khối ngoại bán ròng 1.369 tỷ đồng. Top cổ phiếu mua ròng khớp lệnh tuần này của nước ngoài gồm NKG, FUEVFVND, HSG, PC1, PVD, NVL, POW. Điểm đáng ghi nhận nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhóm cổ phiếu thép.
Ngược lại, họ bán ròng VHM, DXG, DCM, VIC, VRE, DGC. Như vậy nhà đầu tư nước ngoài ròng mạnh nhóm cổ phiếu họ Vingroup và Hóa chất.
Lý giải hiện tượng bán ròng của khối ngoại nói riêng và dòng tiền rút khỏi ETF nói chung, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, lượng mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua có đến 70% đến từ các quỹ ETF. Suốt từ tháng 4/2022, khi Vn-Index sụt giảm nhóm này đã giải ngân và đỉnh điểm đạt kỷ lục vào tháng 11 đến tháng 12. Do đó, dư địa để giải ngân không còn nhiều dẫn đến tình trạng mua ròng nhỏ giọt hoặc đảo chiều bán. Các ETF mới dư địa phát hành thêm cũng không còn nữa nên họ giảm mua.
Thêm nữa, hầu hết các ETF thường tracking theo chỉ số, khi thị trường tăng lên thì nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào, liên tiếp mua ròng nhưng đến thời điểm tháng 2 vừa qua, VN-Index áp lực điều chỉnh giảm khiến nhà đầu tư phòng thủ giảm mua, quay ra bán.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Minh, khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng trong quý 3/2023 hoặc sớm hơn.
Đồng quan điểm, ông Trần Phong, chuyên gia tư vấn tài chính độc lập, cho rằng đà mua ròng có thể chững lại trong nửa cuối tháng 2 và cả tháng 3, nhưng không làm thay đổi xu thế mua ròng tính theo bình diện cả năm 2023.
"Vị thế của khối ngoại trong quá khứ cũng như hiện tại đang hồi sinh khi dòng tiền trong nước suy giảm. Tỷ trọng giá trị giao dịch của khối ngoại trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đã tăng từ 10% năm 2020 – 2021 lên mức 20% - 30% từ giữa năm 2022 đến nay. Do vậy khối ngoại là một ẩn số không thể bỏ qua trong mọi suy xét về xu thế của thị trường trong năm 2023", ông Phong nhấn mạnh.