Triển vọng cổ phiếu đầu tư công: Rủi ro là tiến độ giải ngân
Giá của các doanh nghiệp xây lắp được hưởng lợi từ giải ngân đầu tư công đã phản ánh hầu hết yếu tố kỳ vọng. Nhà đầu tư cần quan tâm hơn đến dòng tiền doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư...
Trong báo cáo triển vọng cổ phiếu ngành xây lắp vừa cập nhật, Chứng khoán Mirae Asset nhấn mạnh, đầu tư công sẽ là điểm sáng trong tăng trưởng tuy nhiên rủi ro chậm giải ngân vẫn hiện hữu.
Năm 2023 kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ còn phải đối diện với nhiều thách thức chính như: Nhu cầu tiêu thụ trong nước và thế giới suy giảm kéo theo việc giảm đơn hàng của các doanh nghiệp sản xuất; Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành lên mức trên 5% gây áp lực lớn đến tỷ giá trong nước. Bên cạnh đó, lạm phát trong nước có dấu hiệu gia tăng.
Trước những thách thức trên, Ngân hàng Nhà nước đã ưu tiên việc ổn định tình hình kinh tế vĩ mô thông qua việc định hướng dòng vốn tín dụng được giải ngân đúng mục đích tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.
Khi nhiều lĩnh vực sản xuất vẫn đang trong tình trạng khó khăn do thiếu đơn hàng, thì lĩnh vực đầu tư công đang trở thành điểm sáng khi nguồn vốn phân bổ gần như trong tình trạng sẵn sàng.
Đầu tháng 2/2023, Bộ Tài Chính cho biết đã phân bổ được trên 638.613 tỷ đồng, đạt 90,32% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (trên 704.044 tỷ đồng). Có thể thấy nếu thành công trong việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công sẽ là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Tuy nhiên theo số liệu thống kê từ năm 2017 đến nay tỷ lệ giải ngân đầu tư công luôn ở mức thấp, trừ các năm 2020 – 2021 thì việc giải ngân được đẩy mạnh để hỗ trợ hậu quả covid-19. Điều này cho thấy việc giải ngân đầu tư công giai đoạn vừa qua được giám sát chặt chẽ.
Giải ngân đầu tư công đang được giám sát chặt chẽ nên việc lựa chọn các nhà thầu xây lắp các dự án này sẽ được cân nhắc kĩ lưỡng. Theo đó, chỉ các doanh nghiệp có hồ sơ năng lực thi công tốt, mức độ hoàn thành theo tiến độ cao mới có thể có cơ hội nhận được các gói thầu lớn trong giai đoạn tiếp theo.
Trong 25 gói thầu các dự án cao tốc đã chọn được nhà thầu, một số doanh nghiệp đang niêm yết cũng trúng các gọi thầu có giá trị cao như VCG, LCG, HHV, C4G.
Trên thị trường, được hỗ trợ nhiều thông tin tích cực đã giúp nhóm cổ phiếu đầu tư công trở thành nhóm hồi mạnh nhất thị trường. Tính từ khi VN-Index chạm đáy vào ngày 16/11/2022 đến 22/02/2023, các cổ phiếu đầu tư công đã có mức hồi phục trung bình 48% so với mức 11,8% của VN-Index, trong đó các cổ phiếu như FCN, VCG, C4G và LCG có mức hồi phục tốt hơn mức trung bình.
Ở góc độ kết quả kinh doanh, các doanh nghiệp trúng thầu lớn dù có mức tăng trưởng tốt về lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh lại suy giảm mạnh so với năm 2021.
"Giá của các doanh nghiệp xây lắp được hưởng lợi từ giải ngân đầu tư công đã phản ánh hầu hết yếu tố kỳ vọng. Nhà đầu tư cần quan tâm hơn đến dòng tiền doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư", Mirae Asset khuyến nghị.