Bảo tồn “quốc bảo” sâm Ngọc Linh  - Ảnh 1
Bảo tồn “quốc bảo” sâm Ngọc Linh  - Ảnh 2

Thưa ông, từ nhiều năm trở lại đây, sâm Ngọc Linh của Quảng Nam đã rất nổi tiếng trong cả nước, thậm chí được xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác. Vậy cây “quốc bảo” này đã mang lại những đổi thay như thế nào cho đời sống người dân vùng trồng sâm?

Trong thời gian qua, cùng với giá trị của nó, cây sâm Ngọc Linh đã mang lại nhiều thay đổi cho người dân những vùng trồng sâm, cụ thể là: từ khi được đầu tư phát triển sản xuất cây sâm, thu nhập của người dân trong vùng được nâng lên một cách đáng kể, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà cửa kiên cố, khang trang, mua sắm công cụ sản xuất cơ giới, xe ô tô làm phương tiện đi lại và vận chuyển sản phẩm hàng hóa... Nhiều gia đình có tài sản trị giá lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Việc đầu tư phát triển sản xuất cây sâm đã góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương một cách tích cực.

Cùng với đó là mạng lưới giao thông ở vùng trồng sâm được cải thiện và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa giữa các vùng, hạ tầng viễn thông, lưới điện được phủ kín các thôn, bản, giúp người dân có đời sống tốt hơn cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Khi đời sống văn hóa của người dân được nâng cao, các di sản văn hóa ở địa phương được bảo tồn và phát huy giá trị như: Lễ hội Tết mùa, Lễ cúng thần sâm, Lễ cầu mưa, các điệu múa cồng chiêng; các làn điệu hát kcheo, calêu, plét... truyền thống ở địa phương được tổ chức thường xuyên, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong các bản làng.

Phát triển sâm Ngọc Linh đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, giao lưu văn hóa với đồng bào cư dân ở địa phương.

Cùng với lợi ích kinh tế- xã hội thiết thực do cây sâm Ngọc Linh mang lại, thì ý thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng được nâng lên rõ rệt. Do cây sâm Ngọc Linh chỉ sống và phát triển tốt dưới tán rừng già nên người dân tích cực bảo vệ rừng nhằm đảm bảo cho việc phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh. Từ đó việc đốt nương làm rẫy đã giảm hẳn, thậm chí không còn hiện tượng đốt rừng làm rẫy do người dân đã ý thức rõ hơn việc phục hồi rừng, bảo vệ môi trường sinh thái vùng đệm ở vùng trồng sâm Ngọc Linh.

Bảo tồn “quốc bảo” sâm Ngọc Linh  - Ảnh 3

Tỉnh Quảng Nam đã có những kế hoạch như thế nào để phát triển cây sâm Ngọc Linh cho xứng tầm với tiềm năng to lớn của loại cây đặc hữu này ở địa phương, thưa ông?

Việc phát triển sản xuất cây sâm Ngọc Linh được tỉnh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh với phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh theo hướng bền vững, gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, cho nên phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh không chỉ là lợi ích kinh tế của loại thảo dược đặc hữu mang lại mà còn gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng ở địa phương.

Trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đề xuất và tổ chức thực hiện một số chương trình trọng tâm để phát triển cây “quốc bảo” này.

Một là, xây dựng chương trình đưa  phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành công nghiệp hiện đại, nhân rộng diện tích sản xuất, đẩy mạnh phát triển lĩnh vực chế biến, phát triển thị trường đầu ra sản phẩm, xứng tầm với thương hiệu “sản phẩm quốc gia”.

Hai là, xây dựng đề án hình thành và phát triển Trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực.

Ba là, tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia về ứng dụng khoa học công nghệ trong việc phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến sâu các sản phẩm từ dược liêu thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Bốn là, tiếp tục duy trì và tổ chức các lễ hội về sâm Ngọc Linh và các phiên chợ dược liệu miền núi.

Bảo tồn “quốc bảo” sâm Ngọc Linh  - Ảnh 4

Hiện nay, Quảng Nam và người trồng sâm Ngọc Linh có gặp những khó khăn hoặc trở ngại nào không trong việc mở rộng vùng trồng, đảm bảo chất lượng sâm cũng như việc chế biến các sản phẩm cao cấp từ sâm Ngọc Linh, thưa ông?

Những khó khăn trong việc mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh không chỉ là nguồn cây giống sâm Ngọc Linh cung ứng để mở rộng diện tích, phát triển sản xuất còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của người trồng; chi phí đầu tư cho sản xuất sâm Ngọc Linh rất lớn, nên nhiều hộ gia đình gặp khó khăn về vốn đầu tư trong việc mở rộng diện tích trồng sâm; mà còn là vấn đề dịch bệnh trên cây sâm Ngọc Linh cũng phần nào có ảnh hưởng đến việc đầu tư và mở rộng diện tích của người dân vùng trồng sâm.

Trong chế biến các sản phẩm cao cấp từ sâm Ngọc Linh cũng gặp những khó khăn như: cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh còn hạn chế, chưa đa dạng hóa sản phẩm; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Nguồn nguyên liệu sâm Ngọc Linh hiện nay còn ít, chưa đáp ứng nguyên liệu cho nhu cầu chế biến.

Bảo tồn “quốc bảo” sâm Ngọc Linh  - Ảnh 5

Được biết, sâm Ngọc Linh được các nhà khoa học đánh giá cao hơn một số loại sâm của nhiều quốc gia khác, ví dụ như sâm Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện việc quảng bá, phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh vẫn chưa thực sự hiệu quả. Vậy, Quảng Nam có kế hoạch gì cho việc quảng bá, truyền thông dài hơi về giá trị của sâm Ngọc Linh, thưa ông?

Quảng Nam xác định phát triển cây dược liệu và đặc biệt là sâm Ngọc Linh  là tiềm năng thế mạnh, do vậy tỉnh rất quan tâm giới thiệu, quảng bá hình ảnh về loại cây trồng này. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tổ chức 2 cuộc hội thảo cấp quốc gia để giới thiệu quảng bá sâu rộng cây sâm Ngọc Linh và các sản phẩm đến với người tiêu dùng, gồm: hội thảo xây dựng chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045; hội thảo “Sâm Ngọc Linh - Nâng tầm thương hiệu quốc gia” và cũng đã thực hiện quảng bá ở nhiều hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm khác.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Lễ hội sâm Ngọc Linh hàng năm, các phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu định kỳ vẫn được duy trì tổ chức. Năm 2023, Quảng Nam dự kiến sẽ tổ chức Lễ hội sâm quốc gia; đồng thời trên cơ sở kinh nghiệm của các lễ hội sâm này để hướng tới một lễ hội sâm quốc tế cao hơn.

Bảo tồn “quốc bảo” sâm Ngọc Linh  - Ảnh 6

Để phát triển sâm Ngọc Linh, về cơ chế chính sách của Nhà nước, theo ông, cần điều chỉnh hoặc thay đổi những quy định nào để ngành trồng sâm tại Quảng Nam nói riêng và một số tỉnh có điều kiện thích nghi trồng loài sâm quý này đạt kết quả tốt hơn?

Trước hết, cần có sự điều chỉnh, thay đổi bằng văn bản ở cấp Trung ương về các quy định việc cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh đảm bảo quy định và thống nhất. Đồng thời, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn sản xuất giống, trồng, thu hoạch... phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo điều kiện cho sản phẩm sâm Ngọc Linh tiếp cận với thị trường thế giới.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động, thực vật hoang dã, nguy cấp.

Theo đó, sâm Ngọc Linh (tự nhiên) thuộc nhóm IA do Cơ quan quản lý CITES cấp mã số cơ sở gây trồng nhân tạo. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể để xác định thế nào là sâm Ngọc Linh (tự nhiên) và sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo, nên việc cấp mã số cho cơ sở trồng thực vật hoang dã đối với cây sâm Ngọc Linh còn gặp rất nhiều khó khăn.

Bảo tồn “quốc bảo” sâm Ngọc Linh  - Ảnh 7

VnEconomy 26/01/2023 09:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Bảo tồn “quốc bảo” sâm Ngọc Linh  - Ảnh 8