Bảo vệ người tiêu dùng khi chi tiêu trên “chợ mạng”
Báo cáo mới nhất về hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam của NielsenIQ Việt Nam, chỉ ra người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023…
Theo Research and Markets, thị trường thương mại điện tử toàn cầu sẽ đạt 47,7 nghìn tỷ USD vào năm 2030, tương ứng mức tăng trưởng trung bình 12,2% trong giai đoạn 2022 - 2030. Hiểu được tầm quan trọng của thương mại điện tử, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng hệ thống pháp lý hoàn chỉnh để quản lý lĩnh vực này.
THÚC ĐẨY CẠNH TRANH LÀNH MẠNH
Chẳng hạn, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và xử lý các vi phạm liên quan đến quảng cáo và thương mại trực tuyến. Để được phép kinh doanh, người bán phải tuân thủ nhiều quy định và luật lệ được đề ra, nhằm đảm bảo sự minh bạch và an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Các sàn thương mại điện tử được yêu cầu cung cấp thông tin rõ ràng về sản phẩm, dịch vụ, chính sách hoàn trả và bảo hành. Nhờ vậy, người tiêu dùng có thể đưa ra lựa chọn mua sắm sáng suốt và được bảo vệ quyền lợi khi có tranh chấp xảy ra.
Tương tự, Ủy ban châu Âu (EC) đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả hơn trước các hành vi gian lận, lừa đảo trực tuyến. Người mua hàng có thời hạn 14 ngày để quyết định thanh toán kể từ ngày nhận sản phẩm, các công tác đổi trả được thực hiện dễ dàng. Người bán hàng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về thông số và nội dung của sản phẩm. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử cũng có trách nhiệm thông tin cho khách hàng biết về nguồn gốc sản phẩm và tích cực hỗ trợ xử lý khiếu nại.
Theo Giám đốc điều hành của công ty tư vấn thương mại toàn cầu Blue Pasture Advisor, ông Rob Novick, thị trường thương mại điện tử của châu Âu đang triển khai song song hai công tác: hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ pháp lý dễ dàng hơn và mở rộng cơ hội đến doanh nghiệp cỡ nhỏ. “Với sự phát triển và kết nối của công nghệ, các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường dễ dàng hơn trước đây rất nhiều”, ông Rob Novick chia sẻ.
Khác với cách tiếp cận truyền thống, Trung Quốc sử dụng các nền tảng mạng xã hội như WeChat cho hoạt động thương mại điện tử. Điều này giúp tích hợp các yếu tố tương tác xã hội, tiếp thị thông qua người ảnh hưởng, và tạo ra trải nghiệm mua sắm liền mạch cho khách hàng. Hệ thống thanh toán điện tử như Alipay và WeChat Pay được khuyến khích sử dụng để tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong giao dịch thương mại điện tử, đảm bảo an toàn và tin cậy cho mọi giao dịch.
Còn tại Việt Nam, theo NielsenIQ Việt Nam, trung bình mỗi người dân mua hàng trực tuyến gần 4 lượt mỗi tháng, và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để "dạo chợ" mua sắm online. Con số này cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hàng tháng của người Việt. Theo đó, trung bình mỗi người sử dụng 3,2 nền tảng để phục vụ cho việc mua sắm online. "Điện thoại di động là thiết bị được sử dụng nhiều nhất để mua hàng, chiếm 94%", đại diện NielsenIQ nói.
Cũng theo đơn vị này, trong quý 1/2024, người tiêu dùng Việt Nam mua trung bình 6,5 loại sản phẩm. Nhóm 3 mặt hàng được mua nhiều nhất là thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm. Tiếp đến là các mặt hàng thời trang - thể thao, chăm sóc nhà cửa và công nghệ, mẹ và bé, dịch vụ số như đăng ký dịch vụ, đặt phòng online, vận chuyển hàng hóa...
Đáng chú ý, nghiên cứu trong quý 1/2024 của đơn vị này chỉ ra, giá rẻ không còn là lý do lớn nhất quyết định hành vi mua sắm online. Hai lý do được nhiều người quan tâm nhất là mua để dự trữ tiêu dùng cho gia đình (25%) và phục vụ ăn uống tức thì (21%). "Những con số trên cho thấy mua sắm trực tuyến đã trở thành hoạt động phổ thông, và việc mua sắm các mặt hàng thiết yếu cũng trở nên phổ biến. Chính vì thế, thương mại điện tử cần sớm tìm động lực tăng trưởng mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay", NielsenIQ nhận định.
CẦN CÓ CHÍNH SÁCH BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG
Phát biểu tại hội thảo "Thương hiệu - nội lực mềm cho doanh nghiệp Việt" vừa qua, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển đánh giá hiện nay, việc bán hàng online đang "bùng nổ" theo hướng tốt, nhưng lại có nhiều người bán hàng gian lận, sử dụng giá thấp để khách hàng mua, nhưng khi người mua nhận hàng thì không đúng như mô tả. Do đó, cần có chính sách bảo vệ người tiêu dùng.
Liên quan đến loạt chính sách thay đổi của các sàn thương mại điện tử trong thời gian gần đây, TS Hiển nêu quan điểm: "Những quy định này tưởng như làm khó người bán, nhưng sự thật điều lại giúp người mua mạnh dạn mua trên mạng hơn bởi người tiêu dùng biết rằng họ được bảo vệ, được mua hàng đàng hoàng, và nếu hàng không đúng thông tin thì họ có quyền trả lại. Thành ra điều này không chỉ tốt cho khách hàng mà tốt cho cả người bán hàng".
Theo ông Hiển, nếu người bán hàng tự tin về sản phẩm của mình và đảm bảo các thông tin quảng cáo đúng sự thật thì rõ ràng, câu chuyện trả hàng không còn là một mối lo. Từ phía người mua, việc họ hoàn trả hàng hóa khi sản phẩm nhận về không đúng mô tả là một việc hoàn toàn chính đáng. Nhìn rộng hơn, chính sách trả hàng sẽ tăng độ tin tưởng của người mua với người bán và sàn.
Trong phiên chất vấn Quốc hội đầu tháng 6, bản thân Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thừa nhận, quản lý bán hàng online, live stream trên thương mại điện tử là chuyện không dễ dàng. Việc quản lý này muốn hiệu quả phải có sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan.
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng thương mại điện tử là một lĩnh vực mới có năng lực tiến hóa số liên tục. Điều này đòi hỏi sự đầu tư và nâng cấp về công nghệ cho các cơ quan quản lý cũng như phải liên tục hoàn thiện hành lang pháp lý.
Các công nghệ mới rà soát mới cần được ứng dụng để sớm phát hiện sai phạm và ngăn ngừa từ sớm. Các nền tảng số lớn cần phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý, chia sẻ dữ liệu để đảm bảo việc định danh và kiểm soát người bán… Trên thực tế, để ngăn chặn những vi phạm xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ TT&TT… đăng tải các thông tin, bài viết để tuyên truyền.
Từ ngày 1/7, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 chính thức có hiệu lực, mở ra bức tranh mới trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, bộ cũng đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật.