Mùa Phật đản, sức mua thực phẩm chay tăng mạnh
Mùa Phật Đản 2025 với Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được tổ chức tại TP.HCM khiến thị trường thực phẩm chay sôi động hơn bao giờ hết. Năm nay, thực phẩm chay tươi sống được ưa chuộng hơn…

Tại Việt Nam những năm gần đây, ngày càng nhiều người chọn thực phẩm chay cho các bữa ăn thường nhật. Không chỉ người lớn tuổi mới lựa chọn ăn chay vì lý do tâm linh hay sức khỏe, nhiều người trẻ cũng hào hứng trải nghiệm ẩm thực chay như một phong cách sống hiện đại, vừa thanh lọc cơ thể, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Năm nay, từ đầu tháng 4 âm lịch, thị trường thực phẩm chay đã rất sôi động, với hai dòng chính: Chay chế biến sẵn và thực phẩm chay truyền thống. Các sản phẩm giả mặn như gà quay, bò xào, thịt nướng chay, lẩu chay… được trình bày bắt mắt, hương vị hấp dẫn. Trong khi đó, các nguyên liệu truyền thống như đậu hũ, nấm, rau củ, ngũ cốc… vẫn là lựa chọn quen thuộc với nhiều người ưa tự chế biến tại nhà.
Tại các chợ truyền thống, nhiều cửa hàng chuyên doanh thực phẩm đã tăng cường bày bán đủ loại tôm chay, thịt chay, mực ống, giò chay có giá từ 170.000 – 250.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Minh Hiền, tiểu thương Chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM) chia sẻ: "Trong một năm, tháng Giêng, tháng 4, tháng 7 tháng 10 là rơi vào tháng chay, chúng tôi kinh doanh tốt hơn, nhất là với các mặt hàng nấm, vì người nội trợ dễ chế biến đa dạng các món ngon".

Ngoài rau và nấm, đậu hũ cũng là mặt hàng hút khách. Các loại đậu hũ chiên sả, chả chay làm từ đậu nành được người tiêu dùng lựa chọn vì tính tiện lợi và dễ chế biến thành các món hấp dẫn. Vì vậy, từ đầu tháng 4 âm lịch, nhất là cận ngày Lễ Phật Đản, sức mua tăng nhẹ khoảng 10%. Ngược lại, các cửa hàng đồ khô như tàu hủ ky, mì căn, mộc nhĩ, nấm hương khô lại tiêu thụ chậm hơn. Nhiều tiểu thương chia sẻ, dù chuẩn bị hàng kỹ từ sớm nhưng khách vẫn ưu tiên chọn đồ tươi hơn là đồ khô trong dịp này.
Trong khi đó, tại hệ thống các siêu thị, nhiều mặt hàng thực phẩm chay mới cũng được tăng thêm 20% so với tháng trước. Đặc biệt, các sản phẩm rau củ quả tươi sống luôn được đáp ứng đầy đủ. Tại hệ thống siêu thị Hapro, Fuji Mart, Co.op Mart, Winmart, Go! Thăng Long... đang tung ra thị trường nhiều sản phẩm đồ chay thương hiệu Việt như Âu Lạc, Cầu Tre, Vissan với giá khá rẻ.
Các hệ thống siêu thị cũng tăng số lượng đồ chay chế biến sẵn (bún xào, đậu hũ chiên, cà ri chay, cơm chay, canh chua chay…) để phục vụ nhu cầu ăn tại chỗ hoặc mua về của khách. Không chỉ đưa ra thị trường sản phẩm khô, nhiều đơn vị bán lẻ còn giới thiệu đến người tiêu dùng sản phẩm chay đông lạnh như cá, tôm chay 100.000 - 300.000 đồng/kg, cá bạc má, chả uyên ương 75.000 đồng/kg, củ sen kho nấm 68.000 đồng/kg…

Tại Hà Nội, giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, nhằm phục vụ nhu cầu đồ ăn chay trong kỳ Đại lễ Phật đản, hiện hệ thống siêu thị Co.op Mart đã tăng lượng dự trữ hàng chay lên 20% so với tháng kinh doanh bình thường.
Đồng thời, siêu thị bổ sung nhiều mặt hàng chay của các thương hiệu Việt uy tín như Cholimex, Cầu Tre, Phạm Gia, Miliket, Minh Hảo, Co.op Select. Nhằm kích cầu tiêu dùng, hệ thống siêu thị Co.op Mart kết hợp với các nhãn hàng tổ chức chương trình giảm giá từ 15 - 25% cho các sản phẩm chay.
Ông Trương Chí Thiện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sài Gòn Chay, cho biết đang chuẩn bị một đợt khuyến mãi lớn bao gồm giảm giá, chương trình mời khách hàng dùng thử tại các siêu thị. Theo ông Thiện, so với năm ngoái, Sài Gòn Chay có thêm nhiều sản phẩm mới như: món xào, món kho, bánh chuối nếp... tiệt trùng tiện lợi để khách hàng có thể mua về ăn với cơm. Công ty tập trung vào những món có giá bán lẻ dưới 20.000 đồng/món để phù hợp với số đông.
Tương tự, bà Ngô Bích Quyên, Giám đốc Điều hành Công ty CP Vạn Sơn Thịnh Phát (sở hữu thương hiệu Organicfood), cho biết các món chay nấu sẵn, được cấp đông sâu, khách hàng chỉ cần rã đông và làm nóng là ăn được ngay đang tiếp cận thị trường rất tốt bởi sự tiện lợi. Bên cạnh đó, các món như: chả giò, chả lụa chay, thực phẩm từ mít, nấm... cũng được người tiêu dùng tăng mua.

Không khí sôi động của thị trường thực phẩm chay không chỉ hiện diện trên kệ hàng hay các nền tảng online, mà còn lan rộng đến các quán ăn chay tại Hà Nội và TP.HCM. Ghi nhận tại đoạn đường Lê Hồng Phong (Q.10, TP.HCM) có khoảng 4 quán chay ở hai bên đường.
Những ngày này, từ trưa đến chiều, hầu như quán nào cũng đông đúc khách liên tục tìm đến, đa phần là khách đoàn hàng chục người. Ghé vào một quán chay trên con đường này vào buổi chiều, nhân viên tất bật "hết công suất" để phục vụ cho khách ngồi chật kín bàn bên dưới lẫn trên lầu. Nhiều người cũng ghé mua các món chay mang đi.
Tương tự, một quán chay trên đường Trần Nhật Duật (Q.1, TP.HCM) luôn có rất đông thực khách xếp hàng chờ đợi xếp bàn nhờ thực đơn phù hợp với cả người ăn chay trường lẫn thực khách muốn tìm đến sự nhẹ nhàng trong bữa ăn. Một nhân viên quản lý quán cho biết: “Dịp lễ Phật đản, khách tăng vọt. Trung bình mỗi ngày chúng tôi phục vụ khoảng 300 - 400 suất, cao hơn 30% so với ngày thường. Ngoài ăn tại chỗ, khách đặt qua ứng dụng giao đồ ăn cũng rất đông, đặc biệt vào những ngày rằm”.
Dù ăn chay là xu hướng tích cực, song vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất được quan tâm. Theo khuyến cáo từ Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên ưu tiên sử dụng thực phẩm chay truyền thống, tự chế biến tại nhà để đảm bảo sức khỏe. Nguyên nhân là bởi các loại thực phẩm chay chế biến sẵn thường chứa phụ gia thực phẩm và chất bảo quản – dù ở mức cho phép – vẫn tiềm ẩn rủi ro nếu sử dụng thường xuyên hoặc không rõ nguồn gốc.

Trên thực tế, một số cơ sở sản xuất uy tín sử dụng phụ gia nằm trong danh mục được cấp phép. Tuy nhiên, không ít đơn vị nhỏ lẻ lại dùng các loại phụ gia trôi nổi, không rõ xuất xứ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Do đó, người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm của những thương hiệu đáng tin cậy, có đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng và thông tin thành phần cụ thể. Đặc biệt, với các sản phẩm chay bày bán tại chợ dân sinh hoặc trên vỉa hè, cần chú ý đến điều kiện vệ sinh, nơi chế biến và thời hạn sử dụng, tránh mua hàng trôi nổi không kiểm soát.