Biến động giá khí đốt đang đe doạ kinh tế toàn cầu như thế nào?
Nếu so với cùng thời điểm này năm ngoái, giá khí đốt tại châu Âu hiện đã tăng gấp khoảng 10 lần...
Triển vọng lạm phát và tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu đang có sự phụ thuộc lớn vào triển vọng giá năng lượng. Vì vậy, biến động gần đây trên thị trường khí đốt tự nhiên đang gây ra mối lo ngại lớn về sức khoẻ kinh tế thế giới.
Vào hôm thứ Hai tuần này, giá khí đốt tại thị trường châu Âu đóng cửa ở mức cao kỷ lục sau khi Nga bất ngờ tuyên bố sẽ khoá đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 trong 3 ngày vào cuối tháng này để bảo trì. Trong phiên ngày thứ Ba, giá khí đốt tại châu Âu giảm nhẹ, giữ gần mức kỷ lục thiết lập trong phiên trước đó.
Nếu so với cùng thời điểm này năm ngoái, giá khí đốt tại châu Âu hiện đã tăng gấp khoảng 10 lần.
Tại Mỹ, một “cường quốc” khí đốt của thế giới, giá nhiên liệu này đang còn “mềm” hơn nhiều so với ở châu Âu nhưng cũng đang tăng nhanh. Hôm thứ Hai, giá khí đốt ở Mỹ đạt mức cao nhất 14 năm.
Giá khí đốt bị đẩy lên cao do hiện tượng thời tiết khô nóng hoành hành ở Mỹ và châu Âu làm tăng mạnh nhu cầu sử dụng điều hoà không khí. Ngoài ra, các nước châu Âu cũng đang chạy đua làm đầy dự trữ khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông đang tới gần, trong khi nguồn cung khí đốt từ Nga đã giảm xuống mức thấp. Châu Âu đang lo sợ rằng Nga sẽ cắt hoàn toàn việc cung cấp khí đốt trong khu vực trong mùa đông này để trả đũa các biện pháp trừng phạt đã áp lên Nga liên quan tới chiến tranh Nga-Ukraine.
Trao đổi với trang CNN Business, chuyên gia kinh tế Salomon Fiedler của Berenberg Bank nói rằng việc giá khí đốt tăng vọt trong tuần này khiến ông tin rằng châu Âu đang rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global - một thước đo về hoạt động của ngành dịch vụ và sản xuất - công bố ngày thứ Ba cho thấy các hoạt động kinh doanh ở khu vực 19 nước sử dụng đồng Euro đã giảm tháng thứ hai liên tiếp.
Tuy nhiên, có một lý do để lạc quan. S&P Global nói rằng “đang có những dấu hiệu cho thấy sức ép lạm phát tại các doanh nghiệp đã qua đỉnh, với tốc độ tăng của cả giá đầu vào và đầu ra đều dịu đi trên diện rộng”.
Dù vậy, ông Fiedler nói rằng sự giải toả áp lực lạm phát này có thể không duy trì lâu. “Với giá năng lượng tăng mạnh gần đây, nhất là giá bán buôn khí đốt, lạm phát có thể tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm”, ông nói.
Đây không chỉ là tin xấu đối với khu vực Eurozone. Ngân hàng Citigroup dự báo lạm phát ở Anh có thể vượt 18% vào đầu năm 2023, cao gấp 9 lần so với mức lạm phát mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).
Nhu cầu năng lượng tăng cao và nguồn cung hạn chế cũng đang đẩy giá khí đốt leo thang đối với khách mua ở khu vực châu Á. Các nước châu Á giờ đây đối mặt với một “cuộc chiến” tranh mua khí đốt hoá lỏng (LNG) với các nước châu Âu, mà phần thắng thuộc về người trả giá cao hơn.
Khi hoá đơn năng lượng ngày càng “khủng”, người tiêu dùng trên toàn cầu sẽ buộc phải cắt giảm nhu cầu đối với các hàng hoá và dịch vụ khác. Cùng với đó, chi phí đầu vào gia tăng đặt ra sức ép lớn lên doanh nghiệp. Các ngân hàng trung ương không thể kiểm soát được giá năng lượng và chỉ có cách tăng lãi suất để chống lại làn sóng lạm phát mỗi lúc một dâng cao, cho dù việc tăng lãi suất mạnh tay có thể “hạ gục” tăng trưởng kinh tế bất kỳ lúc nào.
Một tín hiệu khả quan là giá dầu thô đã giảm nhiệt trong thời gian gần đây. Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London - giá tham chiếu của thị trường dầu toàn cầu - đã giảm 16% kể từ đầu tháng 7. Giá dầu WTI giao sau tại New York cũng giảm 15% trong cùng khoảng thời gian.
Có một yếu tố khác đang chi phối bộ phận này của thị trường năng lượng, và đó là việc các nhà giao dịch lo ngại rằng sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu.
Tuy nhiên, giá dầu có thể biến động nhiều trong những tháng tới. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Araiba Abdulaziz bin Salman nói rằng diễn biến giá dầu gần đây đã có sự gián đoạn khỏi các yếu tố nền tảng và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đồng minh, tức nhóm OPEC+, có thể phải cắt giảm sản lượng để ngăn đà suy giảm của giá dầu.