06:00 09/08/2022

“Kiến trúc sư” phía sau “cuộc phản công” kinh tế của Nga trước sự trừng phạt của phương Tây

An Huy

Khi lệnh trừng phạt của phương Tây khiến cho “pháo đài Nga” mà Maxim Oreshkin góp phần xây dựng trở nên kém vững vàng hơn, ông đã nảy ra một “canh bạc” mang tính dấu ấn nhằm phá vỡ vòng vây kinh tế...

Ông Maxin Oreshkin, cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Getty/Fortune.
Ông Maxin Oreshkin, cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Getty/Fortune.

Theo tờ Fortune, ở thời điểm đó, cuộc chiến tranh Nga-Ukraine mới diễn ra chưa được 1 tháng, chiến sự đang diễn ra ác liệt và những đòn kinh tế mà phương Tây dùng để đáp trả Nga cũng khắc nghiệt không kém. Moscow phải xoay sở để tránh rơi vào cảnh vỡ nợ lần đầu tiên sau hơn 1 thế kỷ, còn đồng Rúp Nga rơi vào một vòng xoáy giảm giá chóng mặt.

Hôm 23/3, Tổng thống Vladimir Putin “phản công” bằng cách đưa ra yêu cầu rằng các nước “không thân thiện” ở châu Âu phải thanh toán những hoá đơn khổng lồ mua khí đốt từ Nga bằng đồng Rúp. Ông Oreshkin - 40 tuổi, trợ lý kinh tế của ông chủ điện Kremlin - chính là tác giả của biện pháp phá vỡ những hợp đồng đã ký kết và chưa từng có tiền lệ này, nguồn thạo tin tiết lộ với Fortune.

Kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, ông Oreshkin đã nổi lên như một nhân vật trung tâm trong đội ngũ chính sách kinh tế của ông Putin, một trong số ít những người thân tín của Tổng thống có kinh nghiệm tài chính phương Tây để giúp vạch ra kế hoạch đáp trả của điện Kremlin đối với các biện pháp trừng phạt.

“Hiện tại, họ đang bận rộn với việc tìm cách né trừng phạt, và đang làm việc đó một cách khá thành công”, nhà kinh tế học người Nga Sergei Guriev hiện đang làm việc tại tổ chức Sciences Po ở Paris, Pháp nhận định.

Các biện pháp phòng thủ kinh tế được dựng nên đã giúp Nga tránh được những ảnh hưởng kinh tế tồi tệ nhất như lo sợ ban đầu, thời điểm khi lệnh trừng phạt mới bắt đầu được triển khai. Các nhà dự báo hiện cho rằng mức suy giảm tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm nay của Nga sẽ chỉ bằng một nửa so với dự báo ban đầu. Đồng Rúp đã phục hồi và tăng giá mạnh, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh Nga tiếp tục thu về hàng chục tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng và các hàng hoá cơ bản khác.

Bằng cách tranh thủ sức ảnh hưởng từ vai trò của Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng Rúp có vẻ như đã “phản công” một cách hiệu quả các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp lên Nga. Phần lớn các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đã phải nhượng bộ bằng cách chấp nhận yêu cầu này của Nga, mở những tài khoản đặc biệt tại ngân hàng Gazprombank để thanh toán tiền mua khí đốt bằng Rúp.

“Tôi đánh giá hiệu quả của chương trình dùng Rúp để thanh toán tiền mua khí đốt là tích cực”, ông Oreshkin nói khi trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, nhưng từ chối nói về vai trò của bản thân trong việc vạch ra yêu cầu này.

Ông Oreshkin cũng được cho là người đã vạch ra kế hoạch nhằm hạn chế bớt ảnh hưởng của việc các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT, đồng thời phản đối lời kêu gọi từ những nhân vật có ảnh hưởng khác trong đội ngũ của ông Putin muốn tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế.

Trong chuyến thăm của ông Putin tới Iran mới đây, ông Oreshkin là một trong những quan chức tháp tùng. Iran là một quốc gia có kinh nghiệm nhiều thập kỷ “chung sống” với sự trừng phạt của phương Tây. Khi được hỏi về những ý tưởng của Iran để vượt qua sự trừng phạt, ông Oreshkin đáp “những ý tưởng của chúng tôi tốt hơn nhiều”.

Từng làm việc tại chi nhánh Nga của ngân hàng Pháp Societe Generale, ông Oreshkin có kinh nghiệm phương Tây để chống lại ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga. Sinh ra vào đầu thập niên 1980 trong một gia đình trí thức ở Moscow, ông thuộc về một thế hệ trải qua thời niên thiếu vào những năm Liên Xô tan rã với chồng chất khó khăn kinh tế.

Ngoài ông Oreshkin, trong đội ngũ kinh tế của ông Putin còn có những nhà kỹ trị trẻ tuổi khác như Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Alexey Zabotkin, 44 tuổi và Thứ trưởng Bộ Tài chính Vladimir Kolychev, 39 tuổi. Họ đều tốt nghiệp từ các trường kinh tế hàng đầu của Nga và đều từng làm việc trong các ngân hàng châu Âu, rồi chuyển sang làm trong ngân hàng đầu tư quốc doanh Nga VTB Capital trước khi được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng hiện tại.

Nhiệm vụ của các nhà kỹ trị này hiện nay là xây dựng “pháo đài tài chính” cho Nga, để tạo cho nền kinh tế sự vững vàng, chuẩn bị cho những cú sốc mới có thể xảy đến trong tương lai.

Trong 3 năm làm việc tại Bộ Tài chính Nga, ông Oreshkin là một trong những quan chức vạch ra một cơ chế chuyển hàng trăm tỷ USD doanh thu xuất khẩu dầu khí vào một quỹ lợi ích quốc gia nhằm giúp Nga vượt qua được những cuộc khủng hoảng như loạt đòn trừng phạt của Mỹ và châu Âu sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Tuy nhiên, quãng thời gian nhiều năm chuẩn bị để chống lại sự trừng phạt kinh tế của phương Tây và xây dựng dự trữ ngoại hối vẫn chưa đủ để bảo vệ nền kinh tế Nga đứng vững hoàn toàn trước loạt biện pháp trừng phạt khắc nghiệt mới nhất. Mỹ và đồng minh đã đóng băng hơn một nửa dự trữ ngoại hối của Nga, khiến nước này rơi vào cảnh có tiền vẫn không thể trả nợ và đã có vụ vỡ nợ trái phiếu quốc tế lần đàu tiên trong hơn 1 thế kỷ. Nền kinh tế Nga dù không đến nỗi tệ như lo sợ ban đầu, nhưng vẫn có khả năng chìm vào một cuộc suy thoái sâu nhất nhiều thập kỷ trong năm nay.

Từ khi chiến tranh xảy ra, ông Oreshkin đã nổi lên thành “cánh tay phải” về kinh tế của Tổng thống Putin.

“Ông Putin vẫn tin tưởng vào các nhà kinh tế học”, ông Guriev nhận xét.

Một số nhân vật quyền lực ở điện Kremlin đã muốn tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế Nga, nhưng ông Oreshkin phản đối và đến nay ông thành công.

“Nga sẽ không từ bỏ nền kinh tế thị trường”, ông Oreshkin trả lời hãng tin Bloomberg. “Ngược lại, Nga đang đi theo hướng ngược lại. Các sáng kiến tư nhân đang đặc biệt được khuyến khích. Điều này liên tục được Tổng thống nhắc đến trong các bài phát biểu”.