14:08 10/04/2017

Bức xạ điện từ: “kẻ thù” ở xung quanh ta?

PV

Những nguy hại của diện thoại di động lên sức khỏe sẽ không bao giờ được liệt kê đầy đủ, và bạn cũng đừng mong đợi các hãng sản xuất và cung cấp dịch vụ tự lên tiếng cảnh báo nhắc nhở bạn. Giống như các nguy cơ khác, nó sẽ gặm nhấm cơ thể một cách từ từ theo thời gian trước khi bạn kịp nhận ra vấn đề. Do vậy tốt nhất, hãy để “dế yêu” của bạn xa xa một chút, hoặc là dùng tai nghe khi nói chuyện, sử dụng loa ngoài, hạn chế thời gian đàm thoại bằng cách nhắn tin, email…

Bức xạ điện từ: “kẻ thù” ở xung quanh ta? - Ảnh 1

Những khuyến cáo không thể không tham khảo Những nguy cơ từ sóng điện thoại, WiFi và các thiết bị điện tử viễn thông từ lâu đã là mối lo lớn với các nhà khoa học. Tiến sĩ Martin Blank, khoa sinh lý và sóng di động học ở Đại học Columbia, là một trong những người lên tiếng sớm và mạnh mẽ nhất về nguy cơ này. Ông đã viết cả một cuốn sách vào năm 2014 về chủ đề: “Overpowered: The dangers of electromagnetic radiation (EMF) and what you can do about it” (tạm dịch: “ thừa điện: Những nguy cơ của bức xạ điện từ (EMF) và bạn có thể làm gì”).
Blank cũng là 1 trong số 190 nhà khoa học từ 39 nước đã ký “Thư kiến nghị của các nhà khoa học về EMF” gửi Liên Hiệp Quốc tháng 5/2015. Thư kiến nghị nói Liên Hiệp Quốc cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, hạn chế sự tiếp xúc với EMF, tăng nhận thức của công chúng về những rủi ro với sức khỏe, đặc biệt là với phụ nữ mang thai và trẻ em.
“Một chiếc điện thoại di động là một máy phát vi sóng hai chiều,” tiến sĩ Devra Davis, một học giả tên tuổi hàng đầu về chủ đề này, phân tích. “Giới doanh nghiệp đã thành công trong việc sử dụng cụm từ “năng lượng tần số vô tuyến” thay vì bức xạ vi sóng, vì họ không muốn người tiêu dùng nhận ra. Cụm từ mơ hồ đó khiến chúng ta nhầm lẫn. Nếu mọi người hiểu rằng họ đang giữ một thiết bị phát vi sóng hai chiều ở gần não bộ của mình hay các cơ quan khác trong cơ thể, họ sẽ có cách sử dụng chúng khác đi”. Những tác động tiêu cực lên sức khỏe của việc tiếp xúc liên tục với EMF (bao gồm nhiều chứng ung thư và bệnh Alzheimer) có thể phải mất nhiều thập kỷ mới nhận ra được, nên các thí nghiệm và nghiên cứu sẽ phải được triển khai thêm để củng cố lập luận của các nhà khoa học nói trên. Vấn đề là khi sự nguy hại đã được xác lập, với nhiều người có thể đã là quá muộn. Trong khi những con số cụ thể như liệu 20 phút nói chuyện điện thoại mỗi ngày trong 10 năm có gây ung thư không chẳng hạn còn chưa thể xác lập rõ ràng, có một điều mà các nhà khoa học đã nhất trí: tất cả bức xạ điện từ đều ảnh hưởng tới sinh vật sống. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy EMF phá hủy và gây ra đột biến với ADN, được coi là bước đầu gây ung thư. Một nghiên cứu khác của Israel thấy rằng những ai sử dụng điện thoại ít nhất 22 giờ mỗi tháng có 50% khả năng cao hơn bị ung thư tuyến nước bọt. Những ai sống trong khoảng cách 400m so với một trạm phát sóng điện thoại trong 10 năm cũng có nguy cơ mắc ung thư cao gấp ba lần những ai sống xa hơn khoảng cách đó. Tiến sĩ Blank, viết trên Salon.com năm 2014, khuyến nghị: “Thông điệp của tôi không phải là vứt bỏ các thiết bị, như hầu hết mọi người, tôi rất yêu thích các thiết bị điện tử phát ra EMF. Chỉ là tôi muốn đưa ra cảnh báo và nâng cao nhận thức về vấn đề này... Giống như khi bạn dùng một chiếc xe với dây an toàn và túi khí, bạn cũng cần có những kỹ năng để hạn chế sự tiếp xúc với EMF”. Tiến sỹ Blank cũng khuyến cáo không nên cho trẻ em sử dụng điện thoại di động quá sớm hay bất cứ thiết bị không dây nào, do trẻ nhỏ được cho là dễ tổn thương hơn nhiều bởi bức xạ từ điện thoại di động so với người lớn, do cấu trúc xương sọ các em còn mỏng hơn và chưa định hình.

Bức xạ điện từ: “kẻ thù” ở xung quanh ta? - Ảnh 2
Đừng nhét điện thoại di động vào túi quần nữa! Nhiều nghiên cứu trước đây cho rằng bức xạ từ điện thoại di động có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của đàn ông. Mặc dù cơ chế tác động chưa được chỉ ra rõ ràng nhưng người ta đều công nhận là tinh trùng cực kỳ nhạy cảm với các stress oxy hóa gây ra do sự tấn công của các gốc tự do và thiếu không gian trong tế bào chất để chứa các enzyme chống oxy hóa. Sự cảm ứng của các stress oxy hóa này làm tổn thương tinh trùng, tăng mức độ phân mảnh của ADN, từ đó ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, tăng nguy cơ vô sinh và các vấn đề sức khỏe cho thai nhi hoặc trẻ em sau này. Trong nghiên cứu của De Luliis tại Úc (Australia Research Council Centre of Excellence in Biotechnology and Development) cho thấy bức xạ điện từ tần số vô tuyến (RF – EMR) ở cường độ và tần số như của sóng điện thoại có thể kích thích việc tạo ra các phân tử có oxi hoạt hóa mạnh (ROS – reactive oxygen species) trong ti thể tinh trùng, làm giảm khả năng di chuyển và sống sót của chúng, kích thích việc phân mảnh DNA. Kết quả này đã chỉ rõ việc sử dụng điện thoại di động một cách phổ biến bởi nam giới trong độ tuổi sinh sản, có khả năng ảnh hưởng cả đến khả năng sinh sản của họ và sức khỏe, hạnh phúc của các thế hệ sau. Do đó các chuyên gia khuyến cáo tất cả chúng ta cần xem lại vị trí để điện thoại di động, đặc biệt là nam giới bởi vì họ hay đeo điện thoại di động ở bên hông hoặc để trong túi quần, gần cơ quan sinh dục. Ngoài ra, nhiều bộ phận cơ thể khác cũng nhạy cảm như gan, thận, ruột và bàng quang – tất cả những bộ phận này rất nhạy cảm với bức xạ. Ngoài ra, còn có một nghiên cứu khác được thực hiện trên 150 người nam. Họ có thói quen để điện thoại đeo bên hông khoảng 15h mỗi ngày, và đã dùng trong 6 năm. Kết quả cho thấy mật độ khoáng ở vùng xương chậu có đeo điện thoại của những người này thấp hơn. Đây có thể là do ảnh hưởng của trường điện từ liên tục phát ra từ di động ngay cả khi không thực hiện cuộc gọi.

Bức xạ điện từ: “kẻ thù” ở xung quanh ta? - Ảnh 3

Bức xạ điện từ: “kẻ thù” ở xung quanh ta? - Ảnh 4

“Kẻ thù” vô hình ở khắp nơi? Ngoài điện thoại di động, nguồn bức xạ vô hình còn được tạo ra từ rất nhiều nguồn trường điện từ nhân tạo như: bức xạ máy tính, các vệ tinh viễn thông, các thiết bị điện, đường dây điện cao thế, lò vi sóng, dây điện trong nhà, đèn huỳnh quang neon, điện thoại không dây, moderm không dây, thiết bị bluetooth, thiết bị máy văn phòng… Một trong số những điều lo lắng hiện nay của nhiều chị em văn phòng đó là hàng ngày phải ngồi lâu trước máy tính. Những tia bức xạ từ của máy tính phát ra làm da bị khô, xỉn màu, xuất hiện nhiều mụn trứng cá. Lượng điện tích sản sinh ra từ màn hình máy vi tính như một chất xúc tác khiến da hấp thụ nhiều bụi bẩn có trong không khí, lâu dài sẽ dẫn đến sự xuất hiện các nếp nhăn và những vết tàn nhang trên mặt. Bên cạnh đó, ngồi lâu trước máy tính còn làm xuất hiện triệu chứng nhức đầu, khô mắt, giảm trí nhớ… Nguy hiểm hơn nữa là ô nhiễm điện từ (electrosmog) có thể tàn phá với các chức năng sinh học của chúng ta và làm cho chúng ta bị bệnh. Ô nhiễm điện từ là vô hình với 5 giác quan của con người. Chúng ta không trực tiếp nhận biết được sự hoạt động của các ô nhiễm điện từ này, cho nên ô nhiễm điện từ thực sự là một sát thủ vô hình vô cùng nguy hiểm đối với tất cả chúng ta. Các loại bức xạ (sóng, nhiệt) phát ra từ điện thoại, laptop… có thể dẫn tới những tổn thương DNA không thể tự sửa chữa được, giảm khả năng đề kháng, giảm nồng độ melationin. Những hậu quả này sẽ làm phá hủy các tế bào và nhiều biến chứng khác. Các bức xạ ảnh hưởng mạnh đến những tế bào có khả năng phân chia và biệt hóa nhanh như tinh trùng, trứng và phôi thai. Điều này làm cản trở việc thụ thai và có thể còn kết thúc một thai kỳ đang trong thời kỳ phát triển. Tạp chí dành cho người tiêu dùng uy tín ở Mỹ, Consumer Reports, đưa ra các khuyến cáo của họ vào tháng 9/2015. Những lời khuyên bao gồm việc không ôm máy tính xách tay vào người mà nên đặt máy trên bàn, ở một khoảng cách nhất định khi làm việc; tắt các thiết bị phát sóng WiFi khi không sử dụng; duy trì khoảng cách hợp lý với màn hình máy tính; trồng một số loại cây xương rồng trong nhà bởi chúng có khả năng hấp thu bức xạ từ trường; nghỉ ngơi hợp lý sau một thời gian ngồi máy tính, thường là mỗi 20 phút; ăn nhiều thức ăn có các chất chống oxy hóa như cà chua, táo, bông cải, cà rốt...; rửa mặt thường xuyên vì mặt là nơi hay tiếp xúc với các thiết bị điện tử nhất; nên dùng các thiết bị phụ kiện có dây như con chuột, bàn phím, loa... thay vì không dây…

Bức xạ điện từ: “kẻ thù” ở xung quanh ta? - Ảnh 5

Hạn chế bức xạ máy tính tại bàn làm việc
1.    Sử dụng màn hình tinh thể lỏng LCD thay cho màn hình sử dụng bóng đèn hình (CRT) để hạn chế bức xạ điện từ.
2.    Đặt một chậu hoa hoặc một bát nước gần bàn máy tính có thể hấp thụ hết những sóng điện từ do máy tính phát ra. Tốt nhất là đặt cạnh máy tính một chậu xương rồng nhỏ.
3.    Thường xuyên uống trà xanh: Trong trà xanh có các chất như polyphenol có tác dụng hấp thụ các chất mang tính phóng xạ. Ngoài ra, trà xanh còn có chất chống oxy hoá mạnh và vitamin C, không chỉ giúp bài trừ các phân tử gốc tự do trong cơ thể mà còn giúp cơ thể sản sinh ra hoóc-môn đề kháng lại sự căng thẳng. Do đó rất tốt cho việc cải thiện tâm trạng. Nhưng tốt nhất chỉ nên uống ban ngày để không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
4.    Nếu bạn muốn ngủ gục trên bàn máy tính thì nhớ tắt hẳn cả màn hình, bàn phím và CPU, nguồn loa… để hạn chế gây bức xạ.
 
10 cách hạn chế bức xạ di động
1.    Sử dụng loa hoặc tai nghe. Và hãy chắc chắn tháo chúng ra khỏi tai khi kết thúc cuộc gọi. 
2.    Giữ điện thoại ở xa cơ thể của bạn. Khi đi đường, tốt nhất là để điện thoại trong túi xách. Khi ở nhà, không nên để điện thoại ở dưới gối, đầu giường…
3.    Nhắn tin nhiều hơn và gọi điện ít hơn. Điện thoại phát ra ít bức xạ hơn khi nhắn tin so với khi thực hiện cuộc gọi. 
4.    Thực hiện cuộc gọi khi tín hiệu mạnh, Nếu bạn thực hiện cuộc gọi khi thanh tín hiệu thấp, điện thoại của bạn sẽ phải cố gắng hơn nữa để phát sóng tín hiệu. Theo nghiên cứu, tiếp xúc với bức xạ làm tăng đáng kể khi các tín hiệu của điện thoại di động yếu.
5.    Đổi tay thường xuyên khi nói chuyện điện thoại thời gian dài.
6.    Không gọi di động ở nơi không gian kín. Không nên gọi di động ở những nơi không gian kín như trong thang máy, trên tàu hoả, trong tàu điện ngầm… bởi lúc đó, di động sẽ phải phát bức xạ ở mức cao nhất để tránh trường hợp bị đứt đoạn tín hiệu.
7.    Di động càng nhiều chức năng, bức xạ càng lớn. Di động đa năng sản sinh ra bức xạ cao hơn di động thông thường. Bởi các thiết bị này chủ yếu dựa vào bộ phận điều khiển pin để có thể nhận thư điện tử, lên mạng…. Do đó nên hạn chế dùng di động online.
8.    Duỗi thẳng tay sau khi quay số. Khoảnh khắc di động nối máy, lượng bức xạ sinh ra cực lớn. Do đó, sau khi quay số, hoặc khi chuẩn bị nhận cuộc gọi tốt nhất nên duỗi thẳng tay, để di động cách xa cơ thể, chờ một lúc rồi nói chuyện.
9.    Không để di động trong túi quần. Nghiên cứu phát hiện ra, nam giới thường xuyên để di động trong túi quần có lượng tinh trùng ít hơn 25% so với những người khác. Tinh hoàn của nam giới dễ bị bức xạ di động làm tổn thương hơn cả.
10.     Không để di động trong phòng ngủ. Khi ngủ, không nên để di động bên gối. Bức xạ có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, làm tăng quá trình gây hại của các phân tử tự do trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh tật.
 
Di động còn gây những ảnh hưởng gì khác?
1.    Bệnh đục thủy tinh thể
Thời gian dài sử dụng điện thoại quá lâu sẽ gây tổn thương mạnh cho mắt và các bộ phận khác. Đặc biệt là khi nghe điện thoại, sóng bức xạ điện từ gây ra sẽ tổn hại đến tinh thể nhãn cầu, phá vỡ chức năng tiếp nhận thông tin của tế bào.
2.    Gây loãng xương
Bức xạ điện từ của sóng điện thoại làm giảm mật độ canxi trong xương, gây ra bệnh loãng xương. Năm 2006, một nhóm nghiên cứu của Đan Mạch đã có kết luận sau khi kiểm tra 150 nam giới có thói quen dắt di động ở thắt lưng, bình quân đều sử dụng trên 15 tiếng, tất cả họ đều có mật độ canxi trong xương của bên xương hông giảm thấp.
3.    Gây điếc tai vĩnh viễn
Trong hội nghị hàng năm của hiệp hội tai mũi họng Mỹ có chỉ rõ, mỗi ngày chỉ áp di động lên tai nghe 1 tiếng thì cũng có khả năng gây ra thương tổn về thính lực vĩnh viễn. Ngoài ra, loại tổn thương thính lực này không thể khôi phục, thậm chí còn nghiêm trọng đi, có thể đến năm 40, 50 tuổi sẽ gây điếc tai.
4.    Ảnh hưởng đến giấc ngủ 
Một nghiên cứu được thực hiện trên 36 phụ nữ và 35 đàn ông ở độ tuổi từ 18 đến 45 cho thấy những người tiếp xúc với sóng điện thoại nhiều hơn sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn những người không bị sóng điện thoại ảnh hưởng.


Hoài Phương​