Các doanh nghiệp cơ bản không gặp khó khăn, vướng mắc khi tăng lương tối thiểu từ 1/7
Theo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, qua theo dõi, các doanh nghiệp cơ bản không gặp khó khăn hay vướng mắc trong việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng mới từ ngày 1/7. Quan hệ lao động nhìn chung ổn định...
Thông tin về công tác điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024, ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết sau khi Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được ban hành, Cục đã hướng dẫn và triển khai đến các doanh nghiệp.
Theo Nghị định 74, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng là: Vùng I với 4,96 triệu đồng/tháng; vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng; vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng; và vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng.
Qua theo dõi, các doanh nghiệp cơ bản không gặp khó khăn hay vướng mắc trong việc thực hiện, góp phần đảm bảo thu nhập cho người lao động. Quan hệ lao động trong các doanh nghiệp nhìn chung duy trì ổn định.
Các hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể tiếp tục được đẩy mạnh, giúp hạn chế các cuộc đình công và giải quyết nhanh chóng các mâu thuẫn phát sinh.
Đời sống của người lao động được cải thiện rõ rệt, với thu nhập bình quân trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, Cục trưởng Nguyễn Huy Hưng cũng thừa nhận công tác dự báo, và đánh giá tình hình thực hiện một số chính sách lao động, tiền lương và quan hệ lao động vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Những bất cập chưa được phát hiện kịp thời, gây khó khăn cho việc đưa ra các biện pháp điều chỉnh và bổ sung phù hợp. Tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp mặc dù không có biến động lớn, nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, đặc biệt là ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động.
Hiện nay, Cục đang tiến hành điều tra lao động, tiền lương trong doanh nghiệp để có dữ liệu phục vụ cho việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2025.
Theo kế hoạch, việc điều tra sẽ được tiến hành tại 3.400 doanh nghiệp ở 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước, có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển. Trong đó, 2 địa phương có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là TP.Hà Nội với 700 doanh nghiệp, và TP.HCM với 800 doanh nghiệp.
Mục đích của cuộc điều tra này nhằm thu thập thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để làm cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2025.
Đồng thời, kết quả của cuộc điều tra sẽ phục vụ công tác quản lý, công bố mức tiền lương bình quân trên thị trường lao động để doanh nghiệp, người lao động tham khảo làm cơ sở thương lượng tiền lương.
Theo đó, sẽ tiến hành điều tra về tình hình doanh nghiệp điều chỉnh tiền lương khi Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu vùng gần nhất; tác động về chi phí của doanh nghiệp; mức độ tuân thủ của doanh nghiệp.
Mức tiền lương bình quân, tiền lương làm thêm giờ, kết cấu tiền lương, mức lương thấp nhất của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2023, năm 2024.
Bên cạnh đó, hiện nay Cục Quan lệ lao động và Tiền lương cũng đang hoàn thiện dự thảo của các thông tư liên quan đến tiền lương, và tiếp tục triển khai 2 Nghị định bổ sung, tập trung vào quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng đối với doanh nghiệp Nhà nước, cũng như các quy định về tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể.