13:45 01/07/2024

Chính thức tăng lương tối thiểu vùng, mức cao nhất 280.000 đồng

Thu Hằng

Từ ngày 1/7, mức lương tối thiểu vùng chính thức tăng thêm 200.000 - 280.000 đồng tùy vùng. Sau điều chỉnh, lương cao nhất trong các vùng đạt gần 5 triệu đồng...

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp được tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: Mạnh Dũng.
Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp được tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: Mạnh Dũng.

Theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP vừa ban hành của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, mức lương tối thiểu chính thức tăng từ hôm nay (1/7), cao nhất trong các vùng tăng lên gần 5 triệu đồng.

Theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP, mức lương tối thiểu theo các vùng từ 1/7/2024 tăng bình quân từ 200.000 - 280.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP.

VÙNG TĂNG CAO NHẤT ĐẠT GẦN 5 TRIỆU ĐỒNG

Cụ thể, mức lương tối thiểu tháng tại 4 vùng được quy định như sau: Vùng I tăng 280.000 đồng, từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng; Vùng II tăng 250.000 đồng, từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng; Vùng III tăng 220.000 đồng, từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng; Vùng IV tăng 200.000 đồng, từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng.

Tương ứng, mức lương tối thiểu theo giờ tại vùng I  tăng từ 22.500 đồng/giờ lên 23.800 đồng/giờ, vùng II từ 20.000 đồng/giờ lên 21.200 đồng/giờ, vùng III từ 17.500 đồng/giờ lên 18.600 đồng/giờ, vùng IV từ 15.600 đồng/giờ lên 16.600 đồng/giờ.

Mức lương tối thiểu tại 4 vùng sau điều chỉnh. Ảnh chụp màn hình.
Mức lương tối thiểu tại 4 vùng sau điều chỉnh. Ảnh chụp màn hình.

Theo Nghị định, mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận, và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng. Qua đó, bảo đảm mức lương theo công việc, hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng, và hoàn thành định mức lao động, hoặc công việc đã thỏa thuận, không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc, hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ, và hoàn thành định mức lao động, hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào, thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau, thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau, thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi, hoặc chia đơn vị hành chính, thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên gọi, hoặc chia đơn vị hành chính cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn, hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau, thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh, được thành lập mới từ một địa bàn, hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV, thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại.

TIẾP TỤC THỰC HIỆN CÁC THỎA THUẬN CÓ LỢI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Chính phủ nêu rõ, khi thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này, người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát lại các chế độ trả lương trong hợp đồng lao động đã thỏa thuận với người lao động, thoả ước lao động tập thể, và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Doanh nghiệp trao đổi với người lao động về quyền lợi, thu nhập. Ảnh: N.Dương.
Doanh nghiệp trao đổi với người lao động về quyền lợi, thu nhập. Ảnh: N.Dương.

Đối với các nội dung trả lương đã thỏa thuận, cam kết mà có lợi hơn cho người lao động, thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Đơn cử như chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học tập, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7%, so với mức lương tối thiểu. Chế độ trả lương cho người lao động làm công việc, hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5%.

Công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7%, so với mức lương của công việc, hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Đáng chú ý, người sử dụng lao động không được xoá bỏ, hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Liên quan đến việc tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trao đổi với VnEconomy, đại diện một doanh nghiệp công nghệ lớn có trụ sở tại Hà Nội cho biết thực tế kế hoạch tăng lương của công ty không phụ thuộc vào chính sách tăng lương tối thiểu vùng hằng năm của Nhà nước, do đó thời điểm 1/7 đơn vị có thể không điều chỉnh lương.

Theo vị này, mức lương của người lao động cũng như các chính sách, chế độ của người lao động tại đơn vị luôn được điều chỉnh hằng năm. “Mức lương thời điểm hiện tại đã tăng từ 5 – 7% so với năm ngoái. Mức lương điều chỉnh bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh hằng năm của công ty, chứ không cố định tăng lương trong tháng nào”, vị này nói.

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho rằng hiện nay, đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu. Do đó, khi thực hiện mức lương tối thiểu mới chủ yếu chỉ làm tăng chi phí đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc.

Theo tính toán của Bộ này, khi áp dụng mức lương tối thiểu mới, dự báo chi phí của doanh nghiệp tăng bình quân khoảng 0,5% - 0,6%, trong đó ngành dệt may, da giày tăng khoảng 1,1% - 1,2%.