Các nỗ lực cải cách bao giờ cũng đối mặt với khó khăn - Ảnh 1
Các nỗ lực cải cách bao giờ cũng đối mặt với khó khăn - Ảnh 2

Sau 2 năm chống chọi với Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng cải cách môi trường kinh doanh của ta đã chững lại. Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?

Đúng là cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta có xu hướng chững lại từ năm 2020. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững, không chỉ chất lượng mà cả thứ hạng đều ở vị trí thấp, không được cải thiện hay thậm chí giảm bậc.

Cụ thể, năm 2021 so với năm 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc như: Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ 42 xuống 44); phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ 49 xuống 51); quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc (từ 78 xuống 84); cảm nhận tham nhũng cũng giảm 8 bậc (từ 96 xuống 104).

Vì vậy, nhiệm kỳ này, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-CP ngay từ đầu năm như thông lệ trước đây, thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Covid-19 tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế trong 2 năm qua.

Các nỗ lực cải cách bao giờ cũng đối mặt với khó khăn - Ảnh 3

Trong những hội nghị gần đây, Thứ trưởng cũng từng nhắc tới xu hướng chững lại này và cho rằng những nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh chính là giải pháp phi tài chính hiệu quả nhằm trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh. Vậy, việc thực hiện Nghị quyết 02/2022/NQ-CP lần này sẽ tập trung ưu tiên những vấn đề gì, thưa Thứ trưởng?

Phải nhấn mạnh rằng việc ban hành Nghị quyết 02 thể hiện rất rõ thông điệp quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xác định đây là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Trong đó, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được thiết kế tổng thể cho cả nhiệm kỳ (đến năm 2025) và một số nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022. Trọng tâm cải cách xoay quanh 9 nhóm vấn đề và 8 chỉ tiêu rất cụ thể như: Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh; dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh; cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành; giảm số lượng thủ tục, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp…

Để đảm bảo yêu cầu cải cách mạnh mẽ, các chỉ tiêu trên được lựa chọn từ các tổ chức quốc tế có uy tín, như Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Trí tuệ thế giới (WIPO), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU)… và phù hợp với xu hướng cải cách của Việt Nam.

Các nỗ lực cải cách bao giờ cũng đối mặt với khó khăn - Ảnh 4

Đơn cử, mặc dù Ngân hàng Thế giới (WB) đã không tiếp tục xếp hạng Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) hàng năm, nhưng chúng ta vẫn lựa chọn các chỉ tiêu thành phần phù hợp đưa vào Nghị quyết 02/2022/NQ-CP, để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các cải cách này. Bởi vì các chỉ tiêu này vẫn được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá là phù hợp, phản ánh thực chất các cải cách của chúng ta.

Chúng tôi cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh phải đi vào thực chất. Điều này đòi hỏi chúng ta tiếp tục tiệm cận với các thông lệ quốc tế và cạnh tranh quốc tế. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, dưới tác động của Covid-19, các nỗ lực cải cách phải mạnh mẽ hơn nữa, thực chất hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương có các kế hoạch, hành động cụ thể để đảm bảo yêu cầu thực chất này. Đặc biệt, các kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02/2022/NQ-CP phải gắn với kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11/2022/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Vì vậy, Hội nghị triển khai Nghị quyết 02/2022/NQ-CP được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây sẽ là bước khởi động để lắng nghe những phản hồi của các hiệp hội, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học… về xu hướng cải cách sau đại Covid-19. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan chủ trì, tham mưu, đôn đốc, giám sát sẽ có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để cùng với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất nhất.

Các nỗ lực cải cách bao giờ cũng đối mặt với khó khăn - Ảnh 5

Đã hơn 2 tháng kể từ khi Nghị quyết 02/2022/NQ-CP được ban hành, vậy ông đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện và chương trình hành động của các địa phương, bộ ngành liên quan đến Nghị quyết?

Đánh giá tổng thể, các bộ, ngành, địa phương thể hiện quyết tâm rất rõ trong việc thực hiện các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngay khi Nghị quyết được ban hành, 24/26 bộ, ban, ngành và 49/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động; trong đó, nhiều bộ, ngành, địa phương đã lồng ghép các chương trình này với thực hiện Nghị quyết 01.

Tuy nhiên, để các chương trình này đi vào thực chất, hỗ trợ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, ngoài việc xây dựng chương trình hành động, các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể bằng các giải pháp, nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 02/2022/NQ-CP là để thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương hành động cụ thể, đồng bộ.

Các nỗ lực cải cách bao giờ cũng đối mặt với khó khăn - Ảnh 6

Nhiều chuyên gia nhận định thực ra cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh có lực cản rất lớn từ tư tưởng, quan điểm về giữ quyền lực ở trong từng địa phương, từng bộ ngành và từng cơ quan. Bản thân ông thấy điều này sẽ khiến quá trình thực hiện nghị quyết lần này như thế nào?

Tất nhiên, các nỗ lực cải cách thực chất bao giờ cũng gặp những khó khăn nhất định. Một số bộ ngành, địa phương chưa triển khai quyết liệt và có tư tưởng ngại đổi mới.

Nhưng tư tưởng của Chính phủ là hết sức rõ ràng, đó là đẩy mạnh cải cách môi trưởng đầu tư kinh doanh thông qua việc tiếp tục hoàn thiện các thể chế pháp luật, các chính sách theo tinh thần giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân và tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với cơ chế giám sát, kiểm tra có hiệu quả.

Chúng tôi cho rằng sẽ có lực cản nhưng cả bộ máy sẽ phải theo tư tưởng chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng là tiếp tục cải cách đi vào thực chất.

Các nỗ lực cải cách bao giờ cũng đối mặt với khó khăn - Ảnh 7

VnEconomy 15/03/2022 06:00